Một thời gian sau, Nguyễn Nghị chết. Thị Nữ nhớ thương người yêu mà sinh tâm bệnh rồi cũng qua đời. Trước khi nhắm mắt, cô trối trăng muốn được chôn cạnh mộ Nguyễn Nghị.
Sông nước miền Tây xưa nay mang phong vị bản sắc của vùng đất bạt ngàn cá nước chim trời, rau thơm cỏ ngọt… Vì thế nơi này luôn thôi thúc lòng người, giục bước chân người hãy đến đó ít nhất một lần trong đời.
Và khi đặt chân đến đây, du khách sẽ ngỡ ngàng với con người miền Tây. Họ hiếu khách, ân tình và vô cùng cởi mở. Nhiều người đã không kìm nén nổi cảm xúc phải thốt lên: “Thật tình cảm” rồi tò mò không biết người dân vùng sông nước này khi yêu đương sẽ như thế nào?
Ngay từ thuở xưa, người miền Tây khi yêu ai đó đã vô cùng chân thành và hết mình. Họ sẵn sàng hi sinh tính mạng về bảo vệ tình yêu của mình, giống như chuyện tình cảm động cách đây hơn 200 năm.
Ở Gò Công Đông (Tiền Giang), ngày nay người dân vẫn thường xuyên nhắc đến chuyện tình cảm động giữa chàng trai họ Nguyễn và cô gái nhà Phạm. “Chúng tôi ở đây, từ già đến bé đều tỏ tường và nhớ vanh vách chuyện tình của cặp đôi ấy! Trong dịp lễ tết hoặc hội hè, chúng tôi lại kể cho con cháu đời sau nghe để răn dạy chúng lớn lên biết yêu thương, sẻ chia…”, bà Tư Nị (68 tuổi) – một người dân trong xã Kiểng Phước cho hay.
Ấp Đôi Ma (Kiểng Phước) ngày nay.
Sau đó bà Tư Nị kể rằng tại xã có một ấp tên Đôi Ma (tức hai bóng ma) – cái tên nghe qua ai cũng khiếp sợ và giật mình. Ở ấp Đôi Ma có một vịnh nước nhỏ chảy xiết, gọi là vịnh Đôi Ma. Vịnh này xưa kia rộng và sâu hơn bây giờ rất nhiều. Thuở ấy, hai bên bờ rạch chỉ toàn lau sậy, bần đắng, dừa nước mọc um tùm, sầm uất, hoang vắng bóng người.
“Ngày xưa, hai bên bờ rạch Đôi Ma có gia đình họ Nguyễn và Phạm sinh sống. Nguyễn gia mất sớm để lại người vợ và cậu con trai tên là Nguyễn Nghị. Người đàn bà goá ở vậy thờ chồng, sớm hôm vất vả nuôi con ăn học.
Nguyễn Nghị vốn hiền lành, thông minh, hiếu học lại có ý chí. Vì thế gia đình họ Phạm rất yêu mến, hứa gả con gái là Phạm Thị Nữ cho. Thậm chí Phạm gia còn tận tình giúp đỡ cho Nguyễn Nghị theo việc kinh sử”, bà Tư Nị kể.
Một ngày, bà Nguyễn mắc bạo bệnh qua đời. Lúc này nhà họ Phạm đứng ra to chuyện tang ma. Còn Nguyễn Nghị vì quá đau buồn chuyện mẹ mất, cộng thêm việc học thi quá sức nên mắc bệnh nan y – lao phổi.
Dù nhà Phạm hết lòng chạy chữa nhưng bệnh tình của Nguyễn Nghị vẫn trầm trọng. Thị Nữ muốn qua nhà chăm sóc người yêu nhưng không được chấp nhận. Bởi theo lễ giáo gia phong thời ấy, khi chưa cưới hỏi thì trai gái không được cận kề.
Một thời gian sau, Nguyễn Nghị chết. Thị Nữ nhớ thương người yêu mà sinh tâm bệnh rồi cũng qua đời. Trước khi nhắm mắt, cô trối trăng muốn được chôn cạnh mộ Nguyễn Nghị.
Gia đình họ Phạm đã làm theo nguyện ý của con gái. Từ đó thi thoảng trời chạng vạng hoặc đêm thanh vắng, người dân trong ấp lại thấy đôi uyên ương thơ thẩn bên cạnh bờ rạch.
“Ngày đó tiếng đồn lan ra khắp vùng, dân chúng gọi tên đoạn rạch ấy là vịnh Đôi Ma! Hiện giờ ấp Đôi Ma không còn hoang vắng. Thậm chí tại vịnh Đôi Ma giờ đã trở thành một cảng cá nhộn nhịp, sầm uất. Song hơn 200 năm trôi qua, địa danh ấy vẫn còn đó với câu chuyện tình đẹp, buồn, u uất…”, người đàn bà gần 70 tuổi nói.
Một góc vịnh Đôi Ma.
Câu chuyện của Nguyễn Nghị và Thị Nữ không chỉ được dân gian truyền miệng mà đã xuất hiện trong các cuốn sách lịch sử. Song nó có nhiều yếu tố khác và ly kỳ hơn.
Tại Đại Nam nhất thống chí ghi: Xưa kia, có một cô tiểu thư con nhà trưởng giả, đem lòng yêu thương một anh học trò nghèo. Chàng trai cũng thấu hiểu tâm tình cô gái nhưng vì thân phận nghèo hèn nên chưa dám đến hỏi việc cưới xin!
Cô gái chờ mong mỏi mòn rồi ôm nỗi trầm uất, thất tình sinh bệnh mà chết. Cha mẹ cô thương tiếc con không chôn ngay mà cất lều ở sau vườn, quàn linh cữu. Chàng trai hay tin, đến thắt cổ chết bên cạnh người yêu.
Người ta đem thi thể hai người đặt nằm cạnh nhau, lâu ngày âm khí kết tụ dần thành ma quỷ! Ít lâu sau, cha mẹ cô gái buồn rầu, sinh bệnh mất đi. Xác đôi trẻ bị bỏ phế. Nơi ấy hoang vu cây cỏ, dây leo mọc đầy thành gò rậm rạp, quỷ khí càng thịnh hành, chọc phá mọi người. Dân chúng kinh hãi, nên đặt tên là rạch Đôi Ma. Sau quân Tây Sơn tới đốt phá, tai quái kia mới dứt.