Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, hiện miền Bắc và miền Trung đang trải qua những ngày nắng nóng cao điểm kéo dài, với nền nhiệt độ vượt quá 40 độ C.
Trước diễn biến kéo dài của đợt nắng nóng tại miền Bắc và miền Trung trong những ngày gần đây, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Lê Thanh Hải - Tổng Giám đốc Trung tâm Khí Tượng Thủy văn Quốc gia về vấn đề này.
Miền Bắc đang hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục tính từ dữ liệu năm 1971 (Ảnh chụp tại Hà Nội ngày 27.5: Hồng Phú)
Đợt nắng nóng gay gắt đang diễn ra tại miền Bắc và miền Trung còn kéo dài trong bao lâu, thưa ông?
Hiện, toàn miền Bắc và miền Trung từ Thanh Hoá đến Phú Yên, Bình Định đang trải qua giai đoạn nắng nóng cao điểm kể từ đầu năm đến nay. Ngày 26.5, tại Hà Nội, nhiệt độ đo được xấp xỉ 39 độ C. Ngày 27.5, nhiệt độ xấp xỉ 40 độ C, một số nơi như Ba Vì, Sơn Tây, nhiệt độ đã vượt qua 40 độ C. Cao điểm nắng nóng tại khu vực đồng bằng sông Hồng sẽ kéo dài và đạt đỉnh điểm vào ngày 29.5, sau đó sang ngày 30.5 khả năng sẽ xuất hiện một đợt mưa rào và dông. Nền nhiệt các tỉnh Bắc bộ giảm nhẹ ở mức 32-35 độ C.
Như vậy, số ngày nắng nóng trong năm nay tính đến ngày 25.5 đã là 24 ngày và dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài và có thể đưa ra một thông tin rằng số ngày nắng nóng trong tháng 5 năm nay là nhiều nhất trong chuỗi số liệu từ năm 1971. Còn, các tỉnh miền Trung, đợt nắng nóng này đạt mức kỷ lục trong lịch sử của ngành quan trắc khí tượng. Tính đến ngày 28.5, nắng nóng tại khu vực này đã kéo dài 29 ngày liên tiếp. Trong khi đó, quan trắc khí tượng cho thấy, nắng nóng ở khu vực này chưa có dấu hiệu giảm nhiệt trong những ngày tới.
(Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia).
Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao có đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục như vậy?
Mùa hè 2015, được dự báo ảnh hưởng của El Nino pha nóng, do vậy nền nhiệt trung bình các tháng từ đầu năm 2015 đến nay đều cao hơn trung bình nhiều năm, trong đó từ tháng 3 đến hết tháng 5, nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 2 độ C.
Thêm vào đó, mùa mưa ở miền Bắc và bắc Trung Bộ đến muộn hơn so với hằng năm. Theo ghi nhận, mùa mưa ở miền Bắc và bắc Trung Bộ từ cuối tháng 4 đã bắt đầu, nhưng năm nay cuối tháng 5 mới bắt đầu mùa mưa. Lũ tiểu mãn ghi nhận ở Bắc Bộ vừa qua cũng rất thấp. Lượng mưa ở Bắc Bộ trong tháng 4 và tháng 5 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-30%. Chúng ta mới ghi nhận một trận mưa rào và dông lớn vào khoảng ngày 20.4 và một đợt mưa lớn như vậy nữa vào khoảng ngày 22 đến 24.5 vừa qua.
Tương tự, các tỉnh Nam bộ tổng lượng mưa trong tháng 4 và 20 ngày đầu tháng 5 ít hơn cùng kỳ các năm 2013 và 2014 từ 30-80%, có nơi thấp hơn 100%.
Ông có thể cho biết, mùa hè năm nay còn những đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục như vậy nữa không và tình hình các tỉnh miền Trung, khô hạn sẽ còn diễn biến như thế?
Các tỉnh miền Bắc và miền Trung mới chỉ bắt đầu bước vào mùa hè. Cao điểm nắng nóng là tháng 5 và tháng 6. Trong tháng 6 được dự báo xuất hiện từ 2-3 đợt nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, nền nhiệt cũng chỉ tương đương với đợt nắng nóng đang diễn ra. Tại Hà Nội, nhiệt độ cũng khó vượt quá 40 độ C, trừ một số khu vực như Ba Vì, Sơn Tây. Mùa hè năm nay được dự báo nắng nóng hơn năm 2014.
Tình trạng khô hạn tại các tỉnh miền Trung đến cuối tháng 8 mới được cải thiện. Cùng với nắng nóng gay gắt, kéo dài như hiện tại thì cuộc sống của người dân sẽ rất khó khăn. Tuy vậy, lượng mưa ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên năm nay được dự báo thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Những hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, sét, mưa đá được dự báo như thế nào, thưa ông?
Cao điểm của những hiện tượng thời tiết cực đoạn này kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6. Những hiện tượng này xảy ra do sự thay đổi đột ngột về nền nhiệt độ, sự giao thoa giữa hai luồng khí nóng và lạnh gây ra mưa đá, dông sét, thiệt hại về người và tài sản. Do đó, người dân nên chủ động phòng tránh.
Nắng nóng ở Ấn Độ đã cướp đi tính mạng hơn 1.000 người, ông có lời khuyên gì cho người dân trong những ngày nắng nóng cực điểm?
Nguyên nhân gây tử vong vì nắng nóng ở Ấn Độ là do sốc nhiệt. Do đó, vào những ngày nắng nóng cao điểm, người dân không nên hoạt động, di chuyển lâu ở ngoài trời trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 15 giờ. Lưu ý, không nên đột ngột bước vào phòng có điều hoạt khi vừa di chuyển, hoạt động ở ngoài trời lâu và ngược lại. Nên uống nhiều nước, ăn ngủ hợp lý. Người dân cũng cần chủ động đề phòng khả năng xuất hiện dông mạnh kèm theo tố, lốc, mưa đá trong thời kỳ chuyển tiếp ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
“Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, ở các vùng nông thôn, người dân phải ra đồng từ 2-3h sáng; ở thành thị nhiều hoạt động cũng gần như ngưng trệ về trưa và chiều. Đặc biệt, tại các tỉnh miền Trung từ Thanh Hoá đến Phú Yên, Bình Định, nắng nóng 38-40 độ C đã duy trì nhiều ngày nay, kèm theo đó là tình trạng khô hạn gay gắt nên người dân không nên hoạt động ở ngoài trời quá lâu”.