Có lẽ suốt cuộc đời cô giáo trẻ Phạm Thị Thùy Ngân sẽ mang theo nỗi ám ảnh không nguôi, khi trong một buổi sáng lần lượt viếng 9 đám tang của những học sinh thân yêu - 9 cậu bé cùng lớp 6 do cô làm chủ nhiệm.
Lớp học từ nay vắng đi 9 gương mặt ngây thơ, 9 người con của cô giáo trẻ yêu nghề, yêu trò…
Đứt ruột nỗi đau
Sáng sớm hôm qua, tại Trường THCS Nghĩa Hà, xã Nghĩa Hà (thành phố Quảng Ngãi), tất thảy giáo viên đều có mặt ở trường để phân công nhiệm vụ đến từng nhà các em giúp lo chuyện hậu sự. Thầy Bùi Phước - Hiệu trưởng nhà trường ngồi thẫn thờ với đôi mắt thâm quầng. Các thầy cô trong trường bảo, mới một đêm thôi mà thầy Phước đã già sọp.
Thầy Phước kể, nghe tin học sinh chết đuối, thầy và các giáo viên tức tốc có mặt ở hiện trường. Lúc đầu, thầy cứ nghĩ một vài em gặp nạn, nhưng khi thấy 9 thi thể được đưa lên, thầy ngã quỵ, hầu như không còn cảm giác gì nữa. Thầy Phước bảo, trong số 9 học trò vừa qua đời, có tới 7 em có cha mẹ đi làm ăn xa, nên phải ở với ông bà. Hoàn cảnh gia đình em nào cũng khó khăn.
“Gia đình nghèo khó, nên bố mẹ các em phải tha phương mưu sinh. Sống lâu năm, gắn bó với trường, với miền quê này nên hoàn cảnh học sinh nghèo giáo viên ai cũng hiểu hết và một mực thương yêu, dạy dỗ. Học sinh miền quê nên em nào cũng hiền ngoan, cá biệt rất ít. Giờ nhìn học trò của mình nằm đó mà đau xé ruột. Suốt hôm qua tới giờ, miếng nước nuốt không xuôi, nói gì cơm cháo. Trong đời người, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tang thương đến thế”, thầy Phước nghẹn ngào.
Bà Ngô Thị Hai khóc ngất bên quan tài con trai Nguyễn Minh Hoàng. Ảnh: Nguyễn Thành.
Cô giáo Phạm Thị Thùy Ngân, giáo viên chủ nhiệm lớp 6B của 9 học sinh gặp nạn, hai hôm qua như người mất hồn. Các đồng nghiệp phải thay nhau động viên cô bình tĩnh, ổn định tâm lý. Năm nay tròn 30 tuổi, cô Ngân đã có 7 năm gắn bó với ngôi trường này. Phải cố gắng lắm, cô Ngân mới đủ sức để cùng các thầy cô giáo lần lượt đến từng nhà các em thắp hương.
Trước cửa gia đình học sinh, nước mắt cô Ngân lại trào ra, không kìm lại được. Thắp nén nhang cho học trò, đối diện ánh mắt các em nơi bàn thờ nghi ngút khói trong tiếng gào khóc thảm thiết của người nhà các em, cô Ngân chỉ biết úp mặt vào lưng đồng nghiệp rồi khóc nức, lắm lúc cô ngã quỵ, đồng nghiệp phải dìu đi.
“Đến giây phút này tôi vẫn bàng hoàng, chưa thể ổn định tinh thần được. Chín em học sinh, tôi coi như 9 đứa con. Bố mẹ các em đều đi làm ăn xa, các em chủ yếu ở với ông bà. Ông bà các em gửi gắm con cháu cho tôi, giờ xảy ra cơ sự, tôi không biết nói gì với bố mẹ, gia đình các em nữa. Chỉ mong sao nỗi đau sớm nguôi ngoai”, cô Ngân khóc nức. Từng vòng hoa được cô chăm chút trước khi đặt bên bàn thờ của các em. Cô nghẹn ngào: “Sao con lại bỏ cô đi?”.
Theo kế hoạch của trường, 15h chiều 15/4, nhà trường tổ chức sinh hoạt Đội. Thế nhưng từ trưa, nhóm học sinh đã rủ nhau đi tắm sông để rồi xảy ra tai nạn đau lòng…
Từ khi học sinh gặp nạn, nước mắt cô giáo Ngân không ngừng rơi. Ảnh: Nguyễn Thành.
Tang thương xã nghèo
Cuộc sống người dân xã nghèo Nghĩa Hà trở nên nặng nề sau cái chết đột ngột của 9 em cùng lúc. Năm thôn Kim Thạch, Hổ Tiếu, Hội An, Khánh Lạc, Hiền Lương vốn bình yên nay khoác lên mình màu tang tóc. Chín căn nhà, 9 đám tang, lần đầu tiên miền quê này chứng kiến nỗi đau, mất mát lớn đến vậy.
Từ chiều 15/4, khi hay tin dữ, ông Nguyễn Thanh Trạng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà, tất bật ngược xuôi, chạy đôn chạy đáo khắp vùng để lo chuyện hậu sự, chia sẻ nỗi đau của các gia đình. Suốt đêm 15/4, ông Trạng cùng cán bộ xã chia nhau túc trực cùng gia đình 9 học sinh chết đuối, lo chuyện hậu sự cho các em. Sáng 16/4, ông lại ngược xuôi đến từng nhà thăm viếng, lo tiếp đón, dẫn các đoàn từ huyện đến tỉnh, trung ương vào thăm từng nhà.
“Nỗi đau này là quá lớn, khiến cả xã quá bất ngờ, ai cũng đau và thương xót”, ông Trạng bùi ngùi. Thắp nén nhang cho cháu Nguyễn Minh Hoàng, con trai của anh Nguyễn Minh Trí (thôn Hổ Tiếu), đoàn cán bộ xã Nghĩa Hà ai cũng mắt đỏ hoe. “Nghèo khó nay lại mất mát đau thương, không biết bao giờ người dân xã tôi mới gượng dậy nổi”, ông Trạng buồn rầu.
Quệt hai hàng nước mắt trên khuôn mặt bơ phờ, anh Trí kể, Hoàng là con út trong gia đình có 4 anh em. Hoàng chăm ngoan, học khá, là niềm hy vọng của gia đình vì các anh chị đã dang dở việc học hành, sớm nghỉ học để mưu sinh. Anh Trí làm nghề bốc vác ở chợ, vợ làm nông, cả hai quần quật mưu sinh, nuôi con ăn học. Trưa 15/4, cháu Hoàng ăn vội cơm rồi xin phép bố mẹ đến trường. Trước lúc đi, Hoàng còn vòng tay thưa bố mẹ xin đi sinh hoạt Đội. Đến 2 giờ chiều, anh Trí nhận được hung tin, lao ra khỏi nhà, phóng nhanh đến đoạn sông Trà Khúc. Thấy chiếc xe đạp của con cùng dép và áo quần, anh linh tính điều không hay. Hoàng là cháu thứ 5 được người dân vớt lên, anh như điên dại, chỉ biết kêu gào trong tuyệt vọng.
“Còn tuần nữa thôi là sinh nhật con. Hai vợ chồng gom góp, dự định lên phố mua chiếc máy tính làm quà. Hoàng nó học khá và chỉ ước mơ có máy tính để học. Vậy mà…”, anh Trí khóc nghẹn. Anh trách mình, sáng, trưa, chiều, tối mải lo làm thuê, bốc vác ở chợ nên không bảo ban con cái được kỹ càng để xảy ra cơ sự. “Con ơi, sao bỏ mẹ mà đi? Bạn con đến rồi kìa, con ơi!”, bà Ngô Thị Hai, mẹ của Hoàng, khóc gào thảm thiết khi nhóm bạn học của con đến viếng. Bên kia đường, qua gò đất là căn nhà của gia đình anh Cao Ngọc Phương và chị Nguyễn Thị Yến cũng nghi ngút hương khói. Hai vợ chồng anh Phương, chị Yến chỉ có cháu Cao Ngọc Vũ là con trai duy nhất. Vũ bị đuối nước, để lại nỗi đau khôn cùng cho gia đình. Hoàn cảnh gia đình Vũ khó khăn, bà con lối xóm kéo đến lo hậu sự cho em. Bên quan tài con, chị Yến như người mất hồn.
Thôn Kim Thạch cùng lúc có 3 đám tang. Bà Trần Thị Dung ngất xỉu bên quan tài cháu ngoại Phạm Xu Sum. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ lấy chồng khác ở miền Nam, Sum được ông bà ngoại nuôi nấng 13 năm qua. Di ảnh Sum được mang về đặt lên bàn thờ nghi ngút khói, bà Dung ngất lịm, gia đình phải gọi bác sĩ đến cấp cứu. Gia đình lo bà tuổi cao, sức yếu, khó vượt quá cú sốc quá nặng này.
Ông Lê Văn Hùng, 76 tuổi, một người dân xã Nghĩa Hà, nói: “Sống ở vùng sông nước bao nhiêu năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy vụ đuối nước lịch sử, nhiều người chết như vậy. Thương các cháu tuổi đời còn quá nhỏ, quá tội nghiệp!”.
Thầy Phước chia sẻ, nhà trường ý thức được chuyện sông nước, nhưng không thể tổ chức dạy bơi cho học sinh vì điều kiện khó khăn và nhiều thầy cô cũng không biết bơi. “Mong sao ngành giáo dục quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, sớm đưa chương trình dạy bơi thành môn học bắt buộc, giúp học sinh có thêm kỹ năng, tránh những tai nạn thương tâm đáng tiếc”, thầy Phước nói.