Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nơi giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài, thói quen mua sắm, đi chợ... của đông đảo chị em cũng từ đó mà có sự thay đổi đáng kể.
Video: 6 thói quen tiêu dùng thay đổi vì dịch
Trước đây, câu hỏi ám ảnh người nội trợ là “Tối nay ăn gì?”. Chỉ riêng việc liệt kê thực phẩm nấu gì để không bị trùng món, đủ chất mà đáp ứng nhu cầu ăn uống của cả gia đình đã khiến người nấu ăn “kiệt sức”.
Nhưng bây giờ, không phải chỉ có “Tối nay ăn gì?” mà “Ngày mai, ngày kia ăn gì?” thậm chí “Cả tuần sau ăn gì?” trở thành câu hỏi canh cánh, thường xuyên làm đau đầu người nội trợ.
Yêu cầu giãn cách, giảm hoạt động tập trung đông người, nhiều chợ tạm dừng... khiến cho người dân phải học cách thích nghi, tính toán lượng đi chợ nhiều ngày mua luôn trong 1 lần.
Việc đi siêu thị, đi chợ mua sắm vốn là công việc hàng ngày. Với nhiều người, nó đôi khi còn là hoạt động thư giãn mang lại niềm vui. Tuy nhiên, kể từ khi chính thức áp dụng Phiếu đi chợ tại nhiều địa phương, tần suất đi chợ của mọi nhà đều giảm lại.
Theo đó, mỗi hộ gia đình cử 1 người đại diện đi mua hàng và thực hiện các dịch vụ thiết yếu theo khung giờ quy định, đảm bảo giãn cách phòng dịch. Trong trường hợp tại chợ có phát sinh trường hợp F0 thì dựa theo số thẻ thu được, chính quyền sẽ dễ dàng truy vết.
Trước đây và cả sau này, khi dịch qua đi, ưu tiên của người nội trợ luôn là thức ăn tươi ngon, nấu và ăn ngay trong ngày là nhất. Tuy nhiên, nhu cầu này không dễ thực hiện trong thời buổi giãn cách. Người dân hạn chế ra đường, giao thương khó khăn, thậm chí nhiều người lâm vào cảnh phải thắt chặt chi tiêu…đòi hỏi mỗi gia đình cần thay đổi mức độ ưu tiên: trong nhà có gì ăn nấy, tìm mua những thực phẩm dễ bảo quản, đồ ăn được lâu mà chi phí rẻ để không lãng phí.
Khi nhiều chợ dân sinh, chợ đầu mối tạm dừng, mô hình chợ dân cư nở rộ. Theo đó, chỉ cần ngồi nhà lướt chợ trên facebook, chịu khó vào các hội nhóm cư dân, bạn sẽ bắt gặp nhiều tiểu thương chuyển sang bán hàng online, nhiều chị em nấu đồ ăn sẵn, ship tận nhà. Đặt hàng online và thanh toán online, tránh tiếp xúc giữa người mua người bán…góp phần thúc đẩy kinh doanh, mở thêm đầu ra cho chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm.
Bên cạnh đó mô hình “siêu thị dã chiến”, các chương trình bán hàng lưu động, siêu thị mini từ xe buýt đến từng khu phố, khu phong tỏa đã góp phần phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Nếu như trước dịch, thói quen ăn sáng của nhiều người là ghé quán bún phở, ăn bát phở nóng, tráng miệng ly trà, cuối tuần cả nhà rủ nhau đến quán pizza đổi món thì trong những ngày dịch giã, các món ăn đó dường như trở thành xa xỉ.
Tuy nhiên, nếu muốn bạn vẫn có thể có 1 tô phở đủ vị để ăn hay những miếng pizza thơm ngậy nóng giòn chính hãng. Lý do là vì nhiều quán ăn đã kịp thời chuyển mình, sẵn sàng cho cuộc chơi bằng cách thay đổi hình thức đóng gói sản phẩm, có thể bảo quản lâu, ship tận nơi. Thay vì chỉ chế biến đồ tươi nóng, các quán đã cho ra đời nhiều sản phẩm cấp đông (pizza, bánh bột lọc, đồ ăn nấu sẵn), cô đặc nước cốt lẩu, nước cốt bún phở…để phục vụ các Thượng đế trong những ngày hạn chế ra đường.
Với không ít chị em, có thể nhịn một bữa ăn chứ dứt khoát không thể nhịn tô son một buổi. Nhưng những ngày dịch giã, ở nhà là chính, không ra ngoài gặp ai, chị em mất dần thói quen trang điểm.
Nhiều người cho biết, ở nhà quá lâu khiến mình buông thả không chăm chút cho ngoại hình, cả tháng không mất tiền mua mỹ phẩm. Cùng với nhu cầu mua mỹ phẩm giảm bớt, ngành thời trang cũng lao đao vì người dân giảm chi tiêu mua sắm trang phục.
Nhiều hãng mỹ phẩm trên thế giới đã nhanh chóng thay đổi chiến lược, nghiên cứu và ra mắt các sản phẩm làm đẹp cá nhân theo phong cách chuyên nghiệp nhưng người dùng có thể tự thao tác tại nhà; sử dụng các ứng dụng truyền phát trực tuyến để hướng dẫn; mở rộng trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Từ đó, thúc đẩy doanh thu mua bán online, giảm phụ thuộc vào các cửa hàng truyền thống.