Theo dân gian, ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch là ngày vía Thần tài. Trong ngày này người dân thường có thói quen mua vàng, để lấy may đầu Xuân.
Theo truyền thuyết xưa, trong một lần đi chơi uống rượu, thần tài say quá nên rơi xuống trần gian, đầu va vào đá nằm mê mệt không biết gì. Khi Thần tài vào nhà nào xin ăn thì nhà đó giàu có, buôn may bán đắt… Đến ngày mùng 10 tháng Giêng thì Thần tài bay về trời.
Để tưởng nhớ Thần Tài, mọi người chọn ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần tài. Từ đó, phong tục thờ cúng Thần tài là ngày mùng 10 âm lịch hàng tháng.
Bên cạnh việc sắm lễ để cúng Thần tài, mua vàng cũng là việc nhiều người thường làm trong ngày này. Vàng không chỉ có giá trị thiết thực và khả năng tích trữ cao mà còn mang ý nghĩa phú quý cát tường, tài lộc may mắn cho năm mới.
Theo chuyên gia phong thủy, tùy vào mong muốn về một năm tài lộc, làm ăn may mắn mà người dân có lựa chọn mua lượng vàng cho phù hợp. Cụ thể, để cầu Tài nên mua 5 chỉ vàng, cầu Phát mua 2 chỉ và cầu Lộc mua 1 chỉ.
Người dân mua vàng cúng vía thần tài cầu may trong năm mới. (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân khi đi mua vàng trong ngày vía Thần tài phải chú ý chọn cửa hàng có tên tuổi, có uy tín, có nhiều mẫu mã đa dạng để lựa chọn, lưu ý giấy mua - bán rõ ràng.
Khách hàng thường mua nhẫn tròn trơn 0,5-2 chỉ, nên chọn loại ép vỉ. Nếu mua nhẫn tròn trơn không ép vỉ khó xác định được chất lượng. Bởi nhẫn tròn trơn gia công do những cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, không có đủ máy móc, công nghệ hiện đại nên có thể không đảm bảo đủ tuổi hay còn gọi là vàng non.
Còn với vàng miếng nên yêu cầu xuất hóa đơn tài chính, ghi rõ seri miếng vàng loại 0,5 chỉ hoặc 1 lượng.
Ngoài ngày 10/01 âm lịch đầu năm, khi mua vàng người ta cũng chọn ngày 10 âm lịch hàng tháng. Tránh mua vàng vào ngày 09 hàng tháng vì đó là ngày kiêng xuất tiền.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong một vài năm trở lại đây, bên cạnh những mặt hàng vàng truyền thống là nhẫn vàng trơn (không có hoa văn) với biểu tượng viên mãn, khởi đầu vàng son, thịnh vượng, nhiều chủ tiệm đã sản xuất thêm “hàng độc” để cung cấp cho thị trường.
Đáng chú ý là các thỏi vàng tài lộc, đồng vàng. Ngoài ra, một số cửa hàng lại tung ra thị trường hình 12 con giáp dập nổi 3D sau đồng tiền tài lộc với hy vọng mang tài lộc cho người mua. Đằng sau có chữ Lộc được dập nổi. Những hình ảnh này được thiết kế khá tỉ mỉ. Sản phẩm được ép vỉ bằng chất liệu cao phân tử đảm bảo độ bền.
=>> XEM THÊM: Cách cúng vía Thần tài mồng 10 tháng Giêng để phát tài phát lộc cả năm |
Các chuyên gia phong thủy cũng cho biết, ngoài việc mua vàng trong ngày Thần Tài, đồ lễ cúng Thần tài đơn giản, lễ vừa phải, không xa xỉ lãng phí mới được thần tài chú ý. Đa phần chỉ cần hoa tươi, quả tươi, nước sạch. Nhiều nơi làm lễ cúng thần tài to hơn cả cúng tất niên là không cần thiết. Cụ thể:
- Hương: Có nơi cho rằng thắp vào sáng, có nơi cho rằng cần thắp vào chiều tối, thực ra là không cần thiết và không có quy định cụ thể. Có thể chọn giờ tốt cho cúng lễ trong ngày hoặc chọn ngày giờ tốt có sao tốt đến để kích hoạt trường khí dễ hơn.
- Nước: Chén để nước cần rửa sạch trước khi lấy nước mới. Chỉ cần một chén nước là đủ, chứ không phải ba hay năm chén. Nước không để quá đầy, cần cách miệng chén khoảng 1 cm. Cẩn thận không để nước tràn ra hoặc đổ lên bàn.
- Hoa: Bình hoa có thể bằng thủy tinh, gốm sứ... đều được. Chỉ nên chọn hoa tươi, hoa có nụ và có hương thơm càng tốt. Không nên dùng hoa giả.
Mâm cỗ cúng ngày vía Thần tài. (Ảnh minh họa)
- Quả: Quả nên chọn loại tươi, ngon, nhìn nguyên vẹn, thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt... Cũng như hoa, không dùng quả nhựa, quả nhân tạo không ăn được.
- Đèn, nến: Đèn cúng là đèn thật như đèn dầu, nến. Không dùng đèn nhấp nháy, đèn điện... vì đều tạo ra trường khí xấu, ảnh hưởng đến việc thờ cúng.