Muôn cảnh đưa con, cháu đi viện

Ngày 14/03/2015 00:09 AM (GMT+7)

Bố hàng tuần đưa con đi viện; ông lọ mọ đi từ Nam ra Bắc vì sốt ruột cháu ngoại chưa rõ bệnh gì; bà khăn gói tất tả theo con dâu, theo cháu cũng vì chữ “viện"... chuyện đưa con cháu đi bệnh viện có muôn vàn hoàn cảnh.

Giờ nghỉ trưa tại dãy ghế hành lang Bệnh viện Nhi trung ương chật kín người. Người nhà bệnh nhân tranh thủ cho con ăn, ôm con ngủ để chuẩn bị cho ca khám bệnh chiều. Đặc biệt có những trường hợp nhà tận Hải Phòng, Quảng Ninh, bố con dắt díu nhau đi từ sáng sớm. Sự mệt mỏi hiện hữu lên khuôn măt của tất cả.

6 tháng  đều đặn đi từ Hải Phòng lên viện

Buổi trưa, trước sảnh Khoa Truyền Nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương, cậu bé Trần Thanh Phong chơi tha thẩn gần thang máy. Những ngày ở viện em có sở thích nhìn và đi chơi trong những thang máy bệnh viện ấy. Với em đó là thú vui để quên đi bệnh tật đang giày vò.

Em bảo: “Bố với em bắt xe từ Hải Phòng lên viện từ 3 rưỡi sáng nên mệt lả. 2 giờ chiều em bắt đầu tiến hành mổ nội soi nên không được ăn uống gì”. Phong học lớp 5 nhưng người nhỏ thó, gầy gò. Gần 5 năm qua em mang trong mình chứng bệnh “của người già”, thiếu canxi và gai đôi sống. Kể từ khi biết “mùi” của bệnh viện, cuộc sống của em như gắn bó hơn với nơi này. 6 tháng triền miên nằm viện, em với bố đều đặn đi xe buýt từ Hải Phòng lên Hà Nội điều trị bệnh.

Phong kể: Bệnh của em bị phát hiện muộn, khi nào có trận đau lâu dai dẳng thì nằm ở viện triền miên 1,2 tháng. Có những khoảng thời gian bố mang sách vở vào giường bệnh cho em học bài để theo kịp các bạn ở lớp. Những ngày  đầu nhập viện, có hai bố con đi từ Hải Phòng lên xa nhà, nhớ mẹ em khóc suốt nhưng giờ quen dần. Phong có cậu bạn nằm ở giường bệnh bên cạnh cũng đỡ hơn.

Hôm tôi gặp Phong là chuyến trở lại viện điều trị đầu tiên sau kì em nghỉ Tết. Phong bảo: “Bệnh em đỡ hơn nên được các bác sĩ cho về, với lại về nhà để lấy tiền lì xì Tết mang ra chữa bệnh”.

Muôn cảnh đưa con, cháu đi viện - 1

Trước giờ Phong tiến hành phẫu thuật mổ nội soi, bác Trần Văn Ngọc (bố Phong) tranh thủ chợp mắt sau chuyến đi dài từ rạng sáng. Hành trang mang theo của người cha là chiếc làn đựng nước, đồ đạc, giấy tờ được vợ chuẩn bị sẵn, kỹ càng. Bác chia sẻ: Phong là con trai út trong gia đình nhưng bị gai đôi sống từ khi học lớp 1. Do bận bịu công viêc nên khi con đau bụng, đau lưng cứ nghĩ đó là trạng thái bình thường. Trong một lần con đau quằn quại, đưa con đi khám mới biết con thiếu canxi và gai đôi sống.

Gia đình chuyển Phong từ bệnh viện tuyến tỉnh lên Bệnh viện Nhi trung ương để tiến hành theo dõi và điều trị. Suốt 6 tháng ròng rã Phong đăng ký khám bệnh ở viện, hai bố con đều đặn bắt xe từ Hải Phòng lên Hà Nội thăm khám. Cánh tay Phong chọc đã nát, cấu véo dường như mất cảm giác. Trong lần tiến hành phẫu thuật này, bác cũng lo lắng vì Phong bị hoảng loạn giống chị gái từng mổ nội soi trước đó. Sau lần chị gái Phong mổ đã bị hoảng loạn và gần như sợ quá hóa “trầm cảm”. Lần này trước khi Phong bước vào ca phẫu thuật bác cũng sợ con lắp lại cảm giác của chị nên lo vô cùng.

Ông bà theo chân con ra viện trông cháu

Không chỉ có bố mẹ khổ sở cảnh con đi bệnh viện mà ông bà cũng sốt ruột không kém khi cháu nằm viện.

Muôn cảnh đưa con, cháu đi viện - 2

Cậu bé Trần Thanh Phong suốt 6 tháng trời nằm ở Bệnh viện Nhi TW

Bác Đào Trọng Thanh (quê gốc Hải Dương) đến viện thăm cháu trong gương măt hốc hác, tiều tụy. Nhiều người trong sảnh bệnh viện chú ý đến bác trong dáng hớt hải và bộ dạng đặc biệt. Bác đeo chiếc ca –táp màu đen cũ mèm, vận chiếc áo ba-đờ-xuy màu bộ đội sờn bạc và miệng luôn lẩm bẩm điều gì khó đoán. Bác đang làm việc trong Nam nhưng nghe cháu ngoại bị ốm suốt 20 ngày không dứt nên xin nghỉ phép 2 ngày để tức tốc ra Hà Nội.

Cháu ngoại bác có biểu hiện sốt 38 độ không dứt trong gần 1 tháng, kể từ trước Tết. Điều trị tuyến huyện không dứt gia đình chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương khoa Truyền nhiễm tuy nhiên vẫn chưa phát hiện ra bệnh. Bác chia sẻ: “Tôi chỉ còn 1 ngày nghỉ phép để ở cạnh con cháu rồi lại phải đi tàu vào Nam. Từ sáng đôn đáo hỏi bao nhiêu bạn bè, người thân nhờ giúp đỡ nhưng vẫn lo vì bệnh của cháu ngoại chưa chẩn đoán nổi”.

Bà Nguyễn Thị Bình ( Yên Bái) có cháu nội bị bệnh hô hấp cũng nhập viện trong tình trạng sốt và ho nhiều. Thương con dâu, cháu nội đi viên không lo chu toàn bà lại khăn gói ba lô đến viện để chăm nom. Một người đi viện nhưng kéo theo cả gia đình hỗ trợ. Ông ở nhà lo việc cơm nước, nhà cửa cho đứa cháu lớn. Bà và con dâu chịu trách nhiệm cho thằng cháu út ở dưới viện. Cuộc sống của cả nhà đảo lộn vì sức khỏe của con trẻ.

Tuệ Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự