Vị thầy thuốc cứu tinh của bệnh nhân nữ

Ngày 26/02/2015 00:09 AM (GMT+7)

Nói đến mổ nội soi bướu cổ ở Việt Nam người ta nghĩ ngay đến PGS.TS Lương, bởi ông là người sáng tạo ra kỹ thuật mổ riêng mà rất nhiều đồng nghiệp trên thế giới phải thán phục.

Bắt đầu từ cái banh, dao mổ bỏ đi

Kỹ thuật mổ nội soi của PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương đã được vinh danh với nhiều giải thưởng lớn. Nhưng có lẽ vẫn còn ít người biết rằng để có được thành công đó PGS.TS Lương đã phải bắt đầu từ những dao mổ, dụng cụ thừa người ta bỏ đi và có cả những nghi ngờ của đồng nghiệp.

PGS.TS Trần Ngọc Lương chia sẻ, cơ duyên đưa ông trở thành người thầy thuốc không có gì cao sang mà nó đến rất nhanh. Năm học cấp 3 một lần đi qua cổng BV Bạch Mai ông nhìn thấy hai bác nghĩ mặc áo blu trắng, đeo ống nghe, trong đó có một bác sĩ người nước ngoài tự dưng ông thấy mê ngành y.

Vị thầy thuốc cứu tinh của bệnh nhân nữ - 1

PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương

Năm 1987, sau khi tốt nghiệp ngành y ông lại về đúng khoa Ngoại, BV Bạch Mai công tác. Năm 2001, ông chuyển sang BV Nội tiết Trung ương để mở khoa Ngoại.

“Thời kỳ đầu về xây dựng Khoa Ngoại tại BV Nội Tiết cực kỳ khó khăn, tiền giám đốc cho chỉ đủ mua một cái máy gây mê và vài dụng cụ, không có nổi một cái kéo phẫu thuật. Tôi phải sang kho đồ cũ của khoa Ngoại, BV Bạch Mai nhặt từng cái banh, chậu rửa họ thải ra không dùng đến về đánh rửa, khử trùng dùng lại.

Đồ nghề quý giá của bản thân như chiếc dao mổ được chuyên gia nước ngoài tặng trong chuyến đi học bên Pháp tôi cũng bỏ ra trở thành tài sản chung của Khoa. Ngày mới thành lập chúng tôi ao ước có bệnh nhân mổ”, PGS.TS Lương nhớ lại.

Bác sĩ ngoại “xếp hàng” học mổ

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, những người xây dựng Khoa Ngoại thời kỳ đầu của BV Nội tiết Trung ương còn vấp phải sự nghi ngờ của người đi trước. Nhiều “cây đa, cây đề” về phẫu thuật tuyến giáp của những bệnh viện lớn không tin các bác sĩ khoa Ngoại còn rất non trẻ của BV Nội tiết có thể mổ được bướu cổ.

Ông bảo ông từng có phút chạnh lòng khi chuẩn bị đứng lên báo cáo đề tài nghiên cứu mổ tuyến giáp với đường mổ, phương pháp mới, thế giới chưa có ai làm được, có vị giáo sư già phát biểu: “Thế giới người ta không thèm làm, anh mới làm”. Nhưng dường như chính những mối nghi ngờ dường như là động lực để ông nghiên cứu, mày mò hoàn thiện kỹ thuật mổ bướu cổ của mình.

Vị thầy thuốc cứu tinh của bệnh nhân nữ - 2

PGS.TS Lương sáng tạo ra kỹ thuật mổ riêng mà rất nhiều đồng nghiệp trên thế giới phải thán phục.

Trên thế giới, như Hàn Quốc người ta sử dụng rô bốt để phẫu thuật nội soi tuyến giáp, Việt Nam không thể thực hiện được vì phẫu thuật rô bốt rất đắt tiền (hàng chục nghìn USD), thời gian lắp đặt, thực hiện một ca phẫu thuật rất lâu. “Tôi nói với bạn bè quốc tế, ở nước tôi có 1 rô bốt, nên tôi phải mổ nội soi tuyến giáp theo kiểu Việt Nam, ứng dụng theo điều kiện của mình”, PGS.TS Lương nói.

Trong khi các nước phải sử dụng dụng cụ phức tạp, chế tạo khung treo rắc rối tốn nhiều tiền PGS.TS Lương lại dùng dụng cụ phẫu thuật nội soi ổ bụng, dụng cụ này hết sức đơn giản, cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đều có. 

Về đường mổ, nhiều nước sử dụng kỹ thuật rạch một số vết rạch da ngắn ở cổ để đưa ống kính soi vào để nhìn và mổ. Kỹ thuật này được gọi là kỹ thuật nội soi trợ giúp. Đường này có thể sử dụng dụng cụ mổ thông thường để mổ, đường vào tuyến giáp ngắn nhưng vẫn có các vết sẹo ở trên cổ nhất là đối với các người bệnh có cơ địa sẹo lồi.

TS Lương đã sử dụng đường nách - ngực với đường rạch da lớn nhất là 1cm vùng nách, nên vết rạch da này thường biến mất sau vài tháng, chỉ còn lại sẹo mờ.  

Phương pháp mổ bướu cổ PGS.TS Lương có 2 ưu điểm nổi bật là không để lại sẹo do đó bảo đảm tính thẩm mỹ cho bệnh nhân, thời gian mổ rất nhanh, sau mổ hồi phục sớm, chỉ sau 2-3 ngày bệnh nhân có thể xuất viện. Chính vì những ưu điểm này mà thế giới cực kỳ ấn tượng với kỹ thuật này của Việt Nam. Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của PGS.TS Lương đã được “xuất ngoại” ra rất nhiều nước trên thế giới, hơn 200 giáo sư bác sĩ của các nước khác cũng đã đến BV Nội tiết Trung ương học hỏi.

PGS.TS Trần Ngọc Lương cho biết, tỷ lệ người Việt Nam bị bướu cổ khá cao, chiếm 7-10% dân số. Trong đó, nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 7-8 lần nam giới. Trước đây các trường hợp bị bướu cổ thường có chỉ định mổ mở. Nhược điểm của phương pháp này là để lại vết sẹo dài ở cổ, nhất là các trường hợp ung thư tuyến giáp có kèm theo nạo vét hạch. Chính điều này khiến nhiều phụ nữ không may mắc bệnh ngần ngại không dám đi chữa bệnh.

Phương pháp mổ nội soi bướu cổ với kỹ thuật mới của BV Nội tiết chỉ dùng 2-3 đường rạch da nhỏ từ 0,5-1cm ở các vị trí khuất như vùng hõm nách, dưới quầng vú sẽ không ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh. Được biết, BV Nội tiết Trung ương đã áp dụng phương pháp mổ này cho hơn 3.500 bệnh nhân.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự