Xem những hình ảnh phiếu mua lương thực, giấy đi đường này, nhiều bạn trẻ phần nào hình dung được cuộc sống cách đây 30 năm của các gia đình Việt Nam.
Những ngày này, khắp mạng xã hội đâu đâu cũng thấy mọi người khoe ảnh chụp thẻ đi chợ theo ngày hay giấy đi đường trong lúc thành phố giãn cách phòng dịch COVID-19. Đây có thể là điều không xa lạ với thế hệ đã sinh ra và lớn lên trong thời chiến nhưng với những bạn trẻ 8X, 9X và 10X thì thẻ đi chợ là một điều xa lạ. Bởi bình thường khi không có dịch bệnh, ai cũng có thể đi chợ bất cứ lúc nào, đi vào thời điểm nào tuỳ ý và khi ra đường không phải qua các chốt kiểm dịch, hay xuất trình giấy thông hành...
Còn hiện tại là thời điểm cả xã hội đang gồng mình phòng chống dịch bệnh, mỗi người sẽ phải ở nhà nhiều hơn để tránh lây nhiễm. Nhưng vẫn có người phải ra đường vì công việc, kinh doanh hàng thiết yếu. Do đó, các tờ giấy như giấy đi đường, phiếu đi chợ là rất cần thiết để đảm bảo giãn cách.
Mới đây, một cư dân mạng chia sẻ hình ảnh về hình ảnh tem phiếu và giấy đi đường cách đây mấy chục năm. Những tờ giấy đã ố vàng theo năm tháng nhưng chúng như một nhân chứng lịch sử về một thời kỳ đã qua của dân tộc.
Trong đó đáng chú ý là tờ giấy đi đường được Ty công an Sông Bé (ty là sở ngày nay), còn Sông Bé hiện là 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước cấp cho Phan Thị Phụng (34 tuổi) ở Chánh Nghĩa, tỉnh Sông Bé được phép đi đến 28/15 Lương Văn Can, Phường 19, huyện (quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh).
Cách đây mấy ngày, Hà Nội đã công bố mẫu giấy đi đường, trên đó chủ yếu thông tin về người được ra đường, mục đích, lý do và xác nhân của cơ quan, công ty. Còn tờ giấy đi đường năm 1979 có khá nhiều chi tiết, ngoài lý do và thời gian thì còn có cả dấu vân tay ngón cái và ngón trỏ.
Đó là giấy đi đường, còn một loại giấy tờ khác được các gia đình xem như "vàng" và phải cất giấu cẩn thận là tem phiếu. Tem phiếu là những mảnh giấy nhỏ, trên đó ghi tên các mặt hàng thiết yếu được nhà nước phân phối cho người dân. Với việc phân phối qua tem phiếu, không phải cứ thích đi ra chợ hay siêu thị có thể mua được mà phải chờ đợi, có thể vài tháng mới có cái quần, nhiều tháng mới có một cái săm xe đạp. Trong đó tem phiếu mua lương thực được các gia đình nâng niu vì nó ảnh hưởng đến bát cơm hằng ngày.
Trên tem phiếu còn ghi rõ nhân khẩu, lượng lương thực và thực phẩm được mua. Trong ký ức của nhiều người, thời kỳ tem phiếu vẫn còn in đậm, đặc biệt là với thế hệ 6X, 7X, việc xếp hàng chờ đến lượt nhận hàng phân phối từ thực phẩm, gạo, dầu, nước mắm, đồ dùng sinh hoạt... vẫn còn như mới ngày hôm qua.
Tem phiếu được sử dụng trong thời kỳ bao cấp vì thời gian đó việc thông thương, buôn bán có phần hạn chế. Tem phiếu sẽ quy định số lượng và loại hàng hoá, diện ưu đãi, ưu tiên... Ngoài ra, nó cũng căn cứ vào công việc, nghề nghiệp để phát tem phiếu với chế độ riêng.
Những tờ giấy đi đường, phiếu mua lương thực hay sổ mua bánh mỳ đã trở thành dĩ vãng trong xã hội kinh tế thị trường như hiện nay song nó vẫn được trân trọng, giữ gìn như "báu vật" trong nhiều gia đình, có thể chúng đã hết giá trị về vật chất, nhưng giá trị kỷ niệm vẫn còn. Bởi nhìn thấy tờ tem phiếu cũng là nhớ dáng những bà, những mẹ vất vả chờ đợi để nhận được miếng thịt, con cá cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Nhiều bạn trẻ sau khi xem loạt ảnh cũng hình dung được phân nào cuộc sống cách đây 30 năm của nhiều gia đình Việt Nam.
"Mình được nghe bà kể nhiều về những ngày bao cấp, hầu hết mọi giao dịch từ nhu yếu phẩm, thực phẩm... đều thực hiện theo chế độ tem - phiếu nhưng bây giờ mới được nhìn thấy tận mắt, hồi xưa chữ của các cụ cũng rất đẹp luôn", tài khoản Minh Anh bình luận.
"Giờ đưa những tấm phiếu này cho các cụ xem, chắc chắn các cụ sẽ cảm thấy xúc động, nhớ về những ngày đã qua. Hà Nội đang ở những ngày giãn cách vì dịch bệnh, được phát thẻ đi chợ để đảm bảo giãn cách. Mình phải lưu lại để sau này kể cho con cháu nghe", bạn Hà trần bày tỏ.