Món ăn "cứu đói" ngày xưa giờ trở thành đặc sản, được dân thành thị ưa chuộng đến lạ

K.T - Ngày 31/07/2021 06:50 AM (GMT+7)

Ngày nay, loại củ này không còn dùng để ăn chống đói nhưng vẫn được ưa chuộng. Từ người già, trung niên cho đến giới trẻ vẫn tìm mua về ăn, coi như một món quà vặt.

Từ xa xưa, củ sắn (hay còn gọi là khoai mì, củ mì) đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam trên khắp dải đất hình chữ S. Thậm chí ở nông thôn bây giờ, người ta vẫn trồng từng ruộng… từng cánh đồng… khoai mì vừa ăn vừa bán lấy tiền cải thiện cuộc sống! Bởi vậy dù là món ăn dân dã, “cứu đói” thời ông bà, cha mẹ ta nhưng nay loại củ này vẫn được “ưa chuộng” đến lạ.

Củ ăn hay còn gọi là khoai mì, củ mì...

Củ ăn hay còn gọi là khoai mì, củ mì...

Là món ăn “cứu đói” của các gia đình thời xưa

Chị Nguyễn Hiền (43 tuổi, Hà Nam) nhớ lại: “Nhắc đến củ sắn mà nhiều lúc tôi thấy vừa biết ơn vừa sợ hãi. Tuổi thơ của tôi gắn liền với loại củ ấy. Tôi nhớ hồi nhỏ nhà nghèo lắm, bố mẹ làm quanh năm nhưng chẳng đủ thóc gạo nuôi 5 đứa con. Khi nào nhà có khách thì được ăn cơm với thịt mỡ, còn lại đều là sắn độn cơm rắc thêm muối vừng mặn chát.

Ngày ấy, cứ đến bữa mà mẹ mở nồi cơm ra là anh em tôi lại thở dài ngao ngán. Thấy vậy mẹ liền động viên chờ đến vụ gặt lúa mới có thóc xay gạo để nấu cơm trắng. Mấy đứa em tôi háo hức lắm, còn tôi thì biết chắc dù thế nào đi chăng nữa thì nhà mình vẫn ăn sắn độn cơm mà thôi. Nhưng nói gì thì nói, củ sắn chính là thứ đã nuôi dưỡng 5 anh em tôi trưởng thành và lớn khôn. Nếu không có chúng, gia đình tôi đã chết đói từ lâu rồi”.

Không chỉ riêng chị Hiền, hình ảnh nồi cơm độn sắn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người Việt thời nghèo khó. Anh Tú Vũ (38 tuổi, Hà Nội) kể rằng, tuổi thơ của anh và đám bạn gắn liền với sắn độn cơm. Cứ trưa đi học về, anh lại chạy xuống gian bếp lục lọi đồ ăn và khi mở nồi cơm ra lại thấy toàn sắn là sắn, chỉ có vài hạt cơm dính trên miếng sắn. Dù rất ngán nhưng anh vẫn ăn ngon lành vì không ăn chỉ có đói.

Sắn độn cơm là món ăn cứu đói của hàng triệu gia đình Việt thời xưa.

Sắn độn cơm là món ăn cứu đói của hàng triệu gia đình Việt thời xưa.

“Có đợt, tôi giận bà giận mẹ vì không cho mình ăn cơm với cá với thịt như mấy đứa bạn con nhà giàu. Đến khi tôi thấy cảnh bà và mẹ thắt bụng chịu đói hoặc chỉ ăn sắn không thì mới thấu hiểu hết nỗi cơ cực. Thực sự tuổi thơ của thế hệ 7X, đầu 8X chúng tôi khổ thật nhưng có nhiều cái hay, cái ấn tượng để kể lại với các con, các cháu lắm”, anh Tú vui vẻ nói.

Không giống như người Bắc chủ yếu ăn sắn độn cơm, người Nam thời xưa có nhiều cách chế biến củ sắn thành món ăn ngon để bớt ngán. Chị Liên Lê (34 tuổi, Bình Phước) kể, ngoại tôi hay lắm, bỏ công chế biến khoai mì thành nhiều món ăn, món bánh cho con cháu thưởng thức. Trong số đó phải kể đến món bánh tằm.

“Bà đem khoai mì mài nhuyễn rồi trộn bột mì hấp với lá dứa. Khi bánh chín, bà đem xắt sợi trộn với dừa tươi nạo sắn rồi bỏ thêm ít lạc rang là có ngay món ăn vặt cho các cháu. Hôm nào chúng tôi sợ cơm độn, bà chuyển qua làm củ mì chiên thơm ngon đến lạ. Bà đã mất nhiều chục năm nhưng giờ tôi vẫn không thể quên được hương vị của món ăn do bà làm”, chị Liên tâm sự.

Vẫn được ưa chuộng đến lạ

Ngày nay, củ sắn không còn dùng để ăn chống đói nữa nhưng vẫn được ưa chuộng đến lạ. Từ người già, trung niên cho đến giới trẻ vẫn tìm mua loại củ này về ăn, coi như một món quà vặt. Chị Trần Hương (38 tuổi) – tiểu thương có tiếng tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Trước kia, dân Bắc bắt đầu trồng sắn vào khoảng tháng 1-2, sau đó thu hoạch củ tầm cuối năm. Lúc này giá sắn ở chợ khoảng 15.000-20.000 đồng/kg, còn tôi thu mua trực tiếp lại ruộng chỉ chục nghìn/kg với số lượng lớn.

Sắn luộc chấm muối ớt là món ăn được nhiều người thích thú.

Sắn luộc chấm muối ớt là món ăn được nhiều người thích thú.

Giờ với công nghệ sản xuất nông nghiệp hiện đại, người ta có thể trồng những ruộng sắn cho thu hoạch quanh năm hoặc sắn từ miền Nam xuất ra Bắc nhiều. Vì thế người dân hễ muốn ăn là có thể ra chợ hoặc đặt mua trên mạng với giá đắt hơn chút, chừng 30.000 -35.000 đồng/kg”.

Vào mùa sắn, mỗi ngày chị Hương bán hàng tạ cho cả khách buôn lẫn khách lẻ. Chị kể có ngày chị phải nhờ cả em họ sang đóng hàng giúp mà vẫn không kịp. Người mua chục cân, người mua 5kg và chủ yếu là người có tiền. Chị có hỏi vì sao mua nhiều như vậy thì nhận được câu trả lời: Sắn để được lâu lại rẻ hơn nhiều loại củ quả khác nên mua ăn dần.

Cũng theo chị Hương, khách hàng mua sắn không chỉ đơn giản là về luộc ăn chơi mà còn biến tấu thành nhiều món ăn mới lạ như bánh chuối chiên bột mì, bánh nướng bột mì… Và quả thật những gì chị chia sẻ không hề sai! Thực tế, đường phố Hà Nội và Sài Gòn luôn xuất hiện những xe bánh sắn nướng thơm lừng, sắn hấp nước cốt dừa hoặc bánh tằm đa sắc vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt những xe này lườm lượp khách mua: sinh viên, dân công sở, người lao động tự do…

Bánh tằm mì - món ăn vặt của người dân Sài Gòn.

Bánh tằm mì - món ăn vặt của người dân Sài Gòn.

“Ở Sài Gòn, những món bánh chế biến từ sắn được nhiều phụ nữ chọn làm kế sinh nhai lắm. Họ chỉ cần một chiếc xe rồi đẩy đi dọc phố, vừa chiên bánh chuối khoai mì, hấp bánh tằm, bánh ít mì… vừa cất tiếng rao bán. Mỗi ngày, họ bán được hàng chục chiếc bánh chuối, hàng trăm bịch tằm và thu về số tiền không phải nhỏ”, chị Hương nói.

Trước thứ này chẳng ai muốn ăn, giờ thành đặc sản hiếm được người giàu tò mò tìm mua
Từ một loài thực vật hoang dại không tên tuổi, lá duối miền Tây bỗng trở thành món vừa ngon vừa lạ lẫm. Bởi vậy, nhiều người sành ăn đã không khỏi tò...

Sản phẩm tiêu dùng

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương