Lần đầu tiên trong mùa dịch Hà Nội áp dụng đi chợ bằng "tem phiếu", có rất nhiều thắc mắc được các chị em đặt ra xoay quanh chiếc thẻ được cho là "quyền lực nhất thời điểm này".
Trong những ngày qua, các gia đình ở Hà Nội bắt đầu nhận được thẻ đi chợ. Tây Hồ là quận đầu tiên ở Hà Nội triển khai việc phát phiếu cho dân đi chợ tại tất cả các phường trên địa bàn quận. Ngoài ra, một số phường ở quận khác như Hoàng Mai, Ba Đình, Thanh Xuân… cũng bắt đầu thực hiện.
Đối với thế hệ ông bà, bố mẹ đã từng cầm tem phiếu đi cửa hàng mậu dịch thì chiếc thẻ đi chợ làm họ nhớ về những ngày xưa. Còn đối các bạn trẻ, đây là hình ảnh lạ lẫm lần đầu nhìn thấy bởi từ trước đến nay việc đi chợ là tự do, thích đi lúc nào thì đi, thích mua gì thì mua. Có nhiều câu hỏi liên quan đến thẻ đi chợ mà nhiều người chưa hiểu rõ.
Thẻ đi chợ có cách thức áp dụng chung cho mọi nơi không?
Việc phát phiếu đi chợ mỗi xã, phường có một quy định cụ thể khác nhau tùy theo tình hình từng địa phương, nhưng tất cả đều chung một mục đích là tránh tụ tập đông người ở các chợ dân sinh, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Theo đó, có phường sẽ quy định người dân 3 ngày cầm phiếu đi chợ 1 lần, có phường cho người dân đi chợ theo ngày chẵn - lẻ, hoặc một tuần đi chợ 2 lần, 3 lần. Tất cả đều đã được ghi rõ trên thẻ, người dân cần đọc kỹ để thực hiện.
Thẻ vào chợ của phường Phúc Xá quy định rất rõ về trách nhiệm của người dân khi đi mua hàng thiết yếu.
Tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình), trong thời gian giãn cách xã hội, mỗi hộ gia đình được đi chợ 3 ngày/lần, trên thẻ có ghi rõ ngày và giờ, phần lưu ý ghi rõ người vào chợ phải điền đầy đủ thông tin vào thẻ, mua đủ thực phẩm dùng cho từ 2-3 ngày, thẻ có giá trị cho một người và một lần vào chợ. Khi đến chợ, người dân cầm theo chiếc thẻ này, ban quản lý chợ sẽ lưu lại theo ngày, để phục vụ việc điều tra dịch tễ khi cần thiết.
Chị Trần Tâm (35 tuổi, ở Phúc Xá) cho biết khi bác tổ trưởng đưa tấm phiếu đến đã hướng dẫn rất cụ thể về ngày, giờ và quy định khi đi chợ trong thời gian giãn cách xã hội. "Bản thân tôi thấy 3 ngày đi chợ 1 lần là hợp lý vì như vậy sẽ đảm bảo được việc không tập trung đông người mà không phải tích trữ quá nhiều và quá lâu thực phẩm ở trong tủ lạnh", chị Tâm bày tỏ.
Khác với phường Phúc Xá, chị Hoa ở Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) cho biết gia đình chị được phát phiếu một tuần 2 lần vào thứ 3 và thứ 6, khi đi mang theo phiếu để trình với ban quản lý ở cổng chợ, sau đó cất cẩn thẩn để đi lần sau. Được biết, tại phường này, việc phát phiếu này sẽ chia theo tổ, đến lượt tổ nào thì tổ ấy sẽ đi chợ.
Phiếu đi chợ tại phường Thanh Xuân Bắc.
Do gia đình đa số là người già và trẻ nhỏ nên cần thực phẩm tươi sống hàng ngày, tuy nhiên việc đi chợ 3 ngày/lần sẽ làm thay đổi thói quen buộc chị phải cân nhắc việc lựa chọn, lên danh sách thực phẩm kỹ lưỡng trước khi đi chợ. “Tôi sẽ phải chọn mua thực phẩm nào có thể bảo quản và tích trữ được trong vòng vài ngày. Thay vì mua nhiều rau lá như mọi khi giờ tôi lựa chọn các loại củ giúp để được lâu hơn… Việc áp dụng phát phiếu đi chợ là hợp lý trong thời buổi dịch bệnh bởi nếu đi chợ nhiều, không may bị lây bệnh phải đi cách ly, điều trị sẽ vừa ảnh hưởng tâm lý, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe”, chị Hoa chia sẻ.
Thẻ đi chợ có áp dụng cho siêu thị không?
Đây là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc nhất khi cầm chiếc thẻ trên tay. Theo khảo sát, đa số các thẻ đi chợ đều áp dụng đối với chợ dân sinh, mỗi phường có một chợ dân sinh và thẻ chỉ áp dụng khi đến chợ đó chứ không sử dụng khi người dân đi siêu thị. Tại các siêu thị lớn, nhỏ đều có những quy định phòng dịch riêng, và thực hiện 5K theo yêu cầu của bộ Y tế, còn thẻ này áp dụng khi người dân đi chợ.
Thế nhưng, cũng có nơi phát thẻ đi chợ được áp dụng cho cả siêu thị, ví dụ tại phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) phiếu đi chợ chính quyền phát cho người dân lại được áp dụng cho việc đi siêu thị trên địa bàn phường do trên địa bàn phường chưa có chợ dân sinh. Được biết, người dân ở đây dùng phiếu này để đi siêu thị hoăc có thể đi chợ dân sinh ở các phường lân cận khác (bán kính không quá 5km) và phải thực hiện đúng yêu cầu phòng chống dịch, cũng như thực hiện đúng ngày đi chợ đã ghi trên phiếu.
Theo quy định tại phường Cổ Nhuế 1, mỗi thẻ đi chợ cũng chỉ dùng cho một người đi chợ cho cả gia đình và thời gian đi chợ của đại diện hộ gia đình là 3 ngày/lần. Việc 3 ngày đi chợ một lần cũng sẽ hạn chế số người đi chợ/siêu thị cùng lúc.
Thẻ đi chợ của phường Cổ Nhuế 1 quy định rất rõ cả giờ đi chợ của người dân.
Ngoài ra, phường này cũng hướng dẫn để hạn chế đông người đi chợ/siêu thị, trước khi đi chợ, mọi người lên trước danh sách thực phẩm, hàng hoá cần mua để đến chợ/siêu thị là mua luôn, mua nhanh, không mất nhiều thời gian đắn đo lựa chọn.
Chính quyền phường Cổ Nhuế cũng động viên các cư dân trên địa bàn: "Các gia đình cố gắng thích nghi tạm thời để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng. Gia đình có thể đi những siêu thị mini gần nơi mình sinh sống mà không phải đi xa”.
Nếu đi chợ vào khung giờ khác thời gian ghi trên thẻ có được không?
Trên thẻ đi chợ có quy định rõ ngày giờ cụ thể đối với từng hộ gia đình, nhưng nhiều người vẫn đặt câu hỏi nếu lỡ may quên khung giờ hoặc có thứ cần mua gấp thì có được đi chợ không?
Về vấn đề này, lãnh đạo phường Yên Sở (Tây Hồ), cho biết quan điểm của phường là không cứng nhắc, vừa làm vừa điều chỉnh, quan trọng là đảm bảo an toàn cho người dân và đặt công tác phòng dịch lên hàng đầu. "Một số người quên thẻ, hoặc đi sai khung giờ vẫn được châm chước cho vào bởi ở cổng chợ có quét mã QR để theo dõi, tuy nhiên việc này rất hạn chế, mọi người vẫn cần phải tuân thủ ngày giờ trên thẻ để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Khi mang phiếu đi chợ, người dân cũng được lực lượng chức năng kiểm soát rất chặt trẽ.
Tại phường Thanh Xuân Bắc, lãnh đạo phường cho biết: "Thời gian đi chợ có thể linh động được tuy nhiên mọi người cố gắng đi vào giờ khuyến nghị ở trên thẻ để hạn chế việc nhiều người dân tập trung quá đông, không đảm bảo an toàn phòng dịch.
Đi chợ mùa dịch, người mua và bán cần phải lưu ý những điều quan trọng sau đây Đối với người bán: - Chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, tuân thủ việc sắp xếp bảo đảm khoảng cách, quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm. - Ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch và các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; - Quản lý thông tin người lao động/làm việc, người bán hàng, yêu cầu thông báo khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1. - Đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, vệ sinh khử khuẩn hàng ngày, thông thoáng, khoảng cách, có biển thông báo số điện thoại liên hệ khi cần thiết. - Thông báo ngay nếu phát hiện bản thân hoặc người có triệu chứng; hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách tối thiểu. - Nhắc nhở khách hàng luôn đeo khẩu trang, tuân thủ khoảng cách. - Thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm. DĐối với người đi chợ: - Không được đến chợ nếu có một trong các triệu chứng hoặc đang trong thời gian cách ly. - Phải khai báo y tế hàng ngày, thực hiện 5K. - Thông báo ngay nếu phát hiện bản thân hoặc người có triệu chứng. - Đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi di chuyển đến chợ và ngược lại. - Đi chợ theo đúng ngày được quy định và nộp thẻ vào chợ tại cổng. |