Thăm bản làng ăn Tết bằng… thịt chuột

Ngày 11/02/2013 13:40 PM (GMT+7)

Tết Nguyên Đán của người Dao Tiền thì ngoài gà, lợn, không thể thiếu món thịt chuột.

Những người Dao Tiền ở bản Bương, Tân Pheo, Đà Bắc, Hòa Bình coi chuột như một vị thần cứu mạng. Từ ngày mới khai sơn lập địa, cuộc sống nghèo khổ, không có đồ ăn thức uống, dân làng phải rủ nhau đi săn chuột để sống qua ngày. Chính vì vậy, họ đã lập hẳn một ngôi miếu để thờ thần chuột.

Cả bản sống nhờ … chuột

Vốn được nghe kể về chuyện những người Dao Tiền có một ngôi miếu thờ thần chuột, tôi tôi rất hiếu kỳ, không hiểu vì sao những người dân nơi đây lại có phong tục kỳ lạ đến vậy. Tôi đã tìm đến bản Bương thuộc xã Tân Pheo để tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo này. Từ trung tâm huyện Đà Bắc phải đi gần 60 cây số mới đến bản Bương, nơi cư ngụ của người Dao Tiền ở Hòa Bình.

Bản nằm biệt lập ở một bên của sườn núi, đường đi vào bản Bương rất dốc và khó đi, đầy rẫy những tảng đá to người ôm không xuể. Giữa đường còn có nhiều dòng suối nhỏ cắt ngang đường mà theo những người dân ở đây cho biết, hiện đang là mùa cạn nên còn đi qua được chứ đến mùa lũ thì dòng suối bỗng hóa thành cả một con sông lớn chảy xiết khiến chẳng ai dám liều lĩnh để lội qua.

Qua sự hỏi thăm, tôi được người dân chỉ tới nhà ông Bùi Đình Nghệ năm nay đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông là người am hiểu về lịch sử của bản Bương cũng như phong tục tập quán của người dân nơi đây.

Thăm bản làng ăn Tết bằng… thịt chuột - 1

Tết Nguyên Đán của người Dao Tiền thì ngoài gà, lợn, không thể thiếu món thịt chuột

Ông Nghệ cho biết, tục thờ thần chuột ở bản Bương đã có từ rất lâu đời. Theo truyền thuyết xưa kia tổ tiên của người Dao Tiền khi mới di cư đến vùng đất này thường xuyên phải chịu đói vì thức ăn vô cùng khan hiếm. Do chưa có đủ lương thực cho mọi người nên nhiều người đã phải bỏ mạng.

Tế thần chuột ở bản Bương

Cuộc sống tưởng chừng nhưu đã đến lúc túng quẫn rồi thì bỗng một ngày những người bản Bương phát hiện ra ở khu rừng quanh bản chuột nhiều vô số kể. Chính vì vậy, họ đã nảy sinh ra việc bắt chuột làm thức ăn chống lại cái đói, cái rét để duy trì sự sống. Hằng ngày, phụ nữ và trẻ nhỏ ở nhà làm rẫy để chờ mùa thu hoạch, còn các thanh niên trai tráng người dùng bẫy, người dùng nỏ cùng nhau đi săn chuột để làm thức ăn vượt qua cơn hoạn nạn.

Ông Nghệ cho biết: "Giống chuột rừng ở bản Bương rất đặc biệt, hầu hết đều có trọng lượng to gấp đôi thậm chí gấp 3 lần chuột bình thường và chẳng hề mắc dịch bệnh gì cả. Làm thức ăn cũng ngon miệng và bổ dưỡng chẳng kém gì các loại thịt thú rừng khác".

Chuột rừng sau khi bị các thợ săn bắt được đem về, dùng nước sôi làm sạch lông, đốt rơm thui vàng rồi mổ bụng, moi lòng và treo nơi gác bếp cho thịt khô lại rồi chế biến thành món ăn dùng dần. Có nhà còn treo thịt chuột gác bếp suốt cả một mùa đông giống như món thịt trâu gác bếp của các dân tộc người vùng cao vậy. Đến bữa có khách, chủ nhà chỉ cần gỡ xuống, thái miếng, rắc muối, ướp gừng cho thịt ngấm gia vị rồi băm nhỏ. Gạo nếp nương nấu sôi lên, cho thịt chuột vào, khuấy đều cho đến khi sánh lại thì bắc xuống, bỏ hành lá và rắc bột ngọt vừa phải.

Đặc biệt những khi vào thời điểm giáp hạt vào mùa khô (thời điểm cuối năm) dân bản phải vào rừng để săn thú sống qua ngày, dần dần thú rừng cạn kiệt, ở bản Bương chỉ còn loài chuột là nhiều và dễ bắt. Thế nên, thịt chuột càng trở thành “lộc trời” đối với người Dao Tiền.

Sau này, khi đời sống đã phát triển, người dân không còn phải ăn thịt chuột để sống nữa, nhưng để tỏ lòng thành kính trước sự “hi sinh” của con chuột để mọi người được sống sót, bản Bương đã tôn con chuột thành “thần” và tổ chức tế lễ thờ cúng thần chuột. Nghi lễ này cũng nhằm tưởng nhớ đến tổ tiên khai bản lập làng. Sau này người dân cúng các “ma làng, ma sông, ma suối”, cũng dùng thịt chuột để tế lễ.

Hằng năm, người Dao Tiền có 3 ngày lễ lớn: lễ cầu mùa vào rằm tháng 5, lễ ăn cơm mới sau vụ thu hoạch vào tháng 9 và lễ Tết Nguyên đán. Trong Lễ cầu mùa và Lễ ăn cơm mới, người Dao vẫn thường dùng gà, lợn để tế lễ nhưng với Tết Nguyên đán thì ngoài gà, lợn, không thể thiếu món thịt chuột. Nhà nào không đi bắt được chuột rừng để về làm lễ thì phải đi mua không thì năm đó sẽ không được tổ tiên phù hộ, làm ăn thất bát.

“Không biết trùng hợp hay thế nào, như nhà ông L. ở cuối bản, tết vừa rồi, cả làng đi bắt chuột rừng để về làm lễ cùng, có mỗi nhà ông này không chịu đi, còn buông lời 'khó nghe'. Ấy thế mà chỉ vừa mới qua cái tết, ông L. đang đi tìm làm rẫy thì bị trượt ngã gãy chân, thành ra nhà thiếu người làm, mùa màng thất bát, gia đình khốn khổ, lại phải đi bắt chuột mà ăn, không có thì chết đói”, ông Nghệ kể lại.

Vào đêm giao thừa nhà nào cũng tự cúng thần chuột nhưng cứ sang ngày mồng hai tết thì thầy mo bản phải đến miếu cúng thần chuột, tỏ lòng thành kính cầu thần một năm mới tốt lành và đừng phá phách mùa màng của dân bản, lâu dần thành lệ, thành một tín ngưỡng đặc biệt của người dân xứ này.

Đón tết bằng … thịt chuột

Sau khi ngồi nghe kể về nguồn gốc của tục lệ kỳ lạ của người Dao Tiền ở bản Bương, ông Nghệ dẫn tôi đi thăm ngôi đền thờ thần chuột. Đền được xây ở tận cuối bản, nằm cách biệt với các ngôi nhà sàn của người dân nơi đây.

Trên đường đi, ông nói đùa, chắc chả ở đâu thờ thần chuột như người ở cái bản Bương này, người ta nhìn thấy chuột là xua đuổi vì sợ ăn vụng, quấy phá, rồi truyền dịch bệnh. Thế nhưng ở đây, những con chuột là thần thánh thiêng liêng, được thờ cúng cẩn thận. Và ở ngôi đền thờ thần chuột này cũng chưa bao giờ có một dịch bệnh nào bùng phát.

Ông Nghệ cho biết: “Miếu làng phải được làm ở chỗ cao ráo, thoáng mát, ít người qua lại, không được chặt cây cối quanh miếu, như thế các “ma làng” mới có chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh, không bị quấy nhiễu. Ngày ông cha dựng miếu, ngôi miếu được dựng bằng đá, đến thời điểm hiện tại, người dân bản Bương vừa mới chung tiền để xây thành bê tông, rộng chừng 2m2 và được lợp mái xi măng".

Vào ngày mồng 2 và mồng 4 tết hằng năm, sau khi các gia đình đã nộp đủ lễ (mỗi gia đình tối thiểu là 3 con chuột) thì mỗi hộ cử ra một người đàn ông trong gia đình đến miếu để tế lễ. Trước khi đi đến để thực hiện nghi lễ cúng tế, mỗi người phải tắm rửa sạch sẽ, trước khi bước vào đền phải bỏ dép ở bên ngoài cửa, sau đó đi chân đất vào , làm như vậy vừa để thể hiện sự tôn kính, vừa là sự giao thoa của con người vơi thiên nhiên, đất trời. Có một truyền thuyết lưu truyền ở bản Bương – trong khi tế lễ, nếu người nào bất ngờ có chuột chạy qua sát người, hoặc chạy qua chân thì đó là báo hiệu một điều tốt lành, trong năm tới ắt sẽ có tài lộc, gặp nhiều may mắn.

Còn nếu ai chẳng may, khi vào đến tế lễ lại nhỡ giẫm chết một con chuột thì phải đi đặt mua một con rắn bằng đồng để chuộc lỗi với con chuột đã chết, nếu không tai họa sẽ giáng xuống đầu, xui xẻo cả năm. Sau khi mọi người dân đã tế lễ xong, người chủ làng là chủ lễ sẽ cầu thần linh phù hộ cho làng xóm mạnh khoẻ, yên lành, làm ăn năm mới phát đạt hơn năm cũ. Cuối cùng thì hạ thịt chuột xuống, để cả làng cùng tập trung ăn uống vui vẻ.

Không chỉ thờ thần chuột ở ngôi miếu này, các hộ dân trong bản Bương ở mỗi nhà cũng có một ban thờ thần chuột cùng với bàn thờ ông cha, tổ tiên. Theo tục lệ thì vào đêm giao thừa, đúng 12h, hai con chuột được sấy khô được các gia chủ trịnh trọng bày lên bàn thờ. Đúng thời khắc giao thừa năm cũ sang năm mới, người chủ gia đình (thường là đàn ông) sẽ cúng những người đó khuất và các ma làng, mời tất cả về cùng thưởng thức món thịt chuột trong những ngày Tết.

Theo những người dân ở đây không có loài thịt gì có thể thay thế được thịt chuột để cúng trong đêm giao thừa. Các ma làng và những người đó khuất chỉ chấp nhận loại đặc sản “truyền thống” này của dân mình. Có một điều kỳ lạ – chuột sinh sống xung quanh bản Bương rất ít phá phách mùa màng hoặc chui vào làm tổ ở các gia đình để ăn vụng hay gặm nhầm đồ đạc, chỉ cần vào các khu rừng xung quanh bản Bương dễ dàng bắt gặp rất nhiều chuột nhất là vào ban đêm.

Nhiều các bản dân tộc lân cận vì nghe tiếng ngôi đền thờ thần chuột ở bản Bương, hàng năm cứ vào ngày lễ tết, bà con rủ nhau đến đây cúng bái, rồi sau đó vào các nhà trong bản Bương chúc tết, thực hiện giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.

Nhiều đoàn du lịch trong thời gian gần đay, vì biết đến tục lệ kỳ lạ này, cũng đã tổ chức những tour du lịch đi vào tận bản Bương. Ông Nghệ cho biết: “hầu hết ai nghe kể cũng đều ngạc nhiên và đều muốn nếm thử món thịt chuột gác bếp có một không hai, nhiều người còn hỏi mua để mang về làm quà lạ”. Hiện nay, dù đời sống ở bản Bương đã được cải thiện đáng kể, ít hộ đói nhưng tục lệ đi săn chuột và thờ cúng thần chuột vẫn không bị mai một.

Theo Hôn nhân & Pháp luật
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán