Nhiều người được cha mẹ đặt cho cái tên "nhạy cảm" đến mức tự ti với bạn bè, mặc cảm với xã hội và buộc phải cải chính hộ tịch.
Đặt tên con là quyền của cha mẹ. Song vì vô tình hoặc không chú ý nên có không ít người đặt tên cho con quá... độc, lạ... dẫn đến nhiều phiền toái. Đặc biệt nó khiến con cái tự ti với bạn bè, mặc cảm với xã hội và buộc phải cải chính hộ tịch. Điển hình như câu chuyện của những người dưới đây.
Được cha mẹ đặt cho tên... nhạy cảm
Vài năm trước, dư luận xôn xao chuyện ở một trường THCS thuộc huyện Chợ Mới (An Giang) có một nam sinh được cha mẹ đặt cho cái tên Ng.V.C (C – chữ viết tắt từ chỉ bộ phận sinh dục nam). Cái tên ấy ở làng quê có rất nhiều bé trai lên 2 lên 3 được gia đình gọi giống như tên “cúng cơm”. Nhưng khi C đi vào giấy khai sinh hay đến trường lại khác biệt vô cùng.
C từng tâm sự rằng đi học, cậu gặp phải bao phen bối rối vì bị bạn bè trêu chọc, các cô giáo không khỏi ngượng miệng khi gọi tên cậu lên bảng kiểm tra bài cũ hay làm bài tập.
Khi C lên lớp 6, nhà trường đã vận động gia đình đổi tên cho cậu nhưng không được. Theo đó, vẫn cách nghĩ cũ "tên xấu dễ nuôi", cha mẹ C không những không đồng ý mà còn trả lời: “Tên gắn liền với “sinh mệnh” của con tôi, đổi tên có việc gì xảy ra ai chịu trách nhiệm?”.
Vài năm trước, dư luận xôn xao chuyện ở một trường THCS thuộc huyện Chợ Mới (An Giang) có một nam sinh được cha mẹ đặt cho cái tên Ng.V.C (C – chữ viết tắt từ chỉ bộ phận sinh dục nam). (Ảnh minh họa)
C hát rất hay. Có lần, trong chương trình thi văn nghệ chào mừng 20/11, tới phần giới thiệu em Ng.V.C. diễn, đáng lẽ giáo viên nữ giới thiệu, thầy giáo tế nhị đỡ lời. Nhưng thầy cũng lướt thật nhẹ nhàng âm cuối.
Lúc này đám bạn bè trong lớp nhao nhao bên dưới sân khấu: "Tới tiết mục của thằng C lớp mình kìa tụi bây". Tiếng cười rộ lên, C ngượng đến mức lên không nổi mấy nốt cao trong bài hát “Thầy cô cho em mùa xuân”. Nhưng cuối cùng cậu vẫn lấy đủ can đảm để cất cao tiếng hát trong trẻo của mình, đoạt giải khuyến khích.
Sau đó “sự cố” ấy, ban giám hiệu nhà trường một lần nữa vào cuộc vận động gia đình chấp thuận đổi tên cho C. Từ giữa năm lớp 8, thầy cô và bạn bè gọi cậu là Cư.
“Thoát khỏi ngượng ngùng và mặc cảm vì cái tên, Cư tự tin hơn rất nhiều, nhiệt tình tham gia các phong trào văn nghệ do trường và địa phương tổ chức. Đặc biệt cậu đều đoạt các giải cao trong các cuộc thi”, giáo viên chủ nhiệm của Cư cho biết.
Đổi tên mới cưới được vợ
Ông Nguyễn Văn Minh (53 tuổi, Thủ Thừa – Long An) từng tiết lộ: “Tôi đã phải thay đổi cái tên mà cha mẹ tôi đặt cho lúc còn nhỏ vì nó quá kỳ và mang tới cho tôi quá nhiều rắc rối”.
Lúc nhỏ, ông Minh có tên thật là Nguyễn Văn Cu Đen. Cái tên này được ghi trong các loại giấy tờ cá nhân của ông. “Ông bà xưa ở đây thường quan niệm đặt tên cho con càng xấu thì càng dễ nuôi.
Cũng bởi cái tên này, tôi rất mặc cảm với bạn bè. Cứ mỗi lần thầy cô giáo kêu tên tôi lên bảng là những đứa học chung cười ồ lên, trêu ghẹo. Tôi vừa quê vừa bực, thế là xảy ra cãi vã. Đến lúc tôi lớn, có bạn gái thì càng gặp nhiều rắc rối. Qua nhà bạn gái, nhiều người cũng ngại khi kêu tên tôi, bạn gái tôi cũng nói tôi đổi tên rồi mới chịu cưới”, người đàn ông miền Tây nhớ lại.
Lúc ông Minh chuẩn bị cưới vợ, ông đã năn nỉ mãi cha mẹ mới cho đổi lại tên. Hiện căn cước công dân cũng như hộ khẩu của ông đều sử dụng tên mới.
Cô gái mang cái tên... thật đặc biệt từng xôn xao mạng xã hội.
Cũng giống như ông Nguyễn Văn Minh, anh Phan Hoàng Minh (33 tuổi, Kon Tum) đã có những chia sẻ câu chuyện về cái tên... ngày xưa của mình.
Anh Hoàng Minh cho biết: “Trước đây tôi tên thật là Phan Hoàng Mông. Nghe mẹ tôi kể hồi nhỏ nhà tôi ở vùng cao. Lúc sinh tôi ra, cha mẹ đã thống nhất đặt tên con là Phan Hoàng Mong với ý nghĩa là sự mong chờ của cả gia đình.
Khi cha tôi làm giấy khai sinh đã trót thêm dấu mũ cho chữ O thành Ô. Thế là cái tên ấy theo tôi đến khi tôi học lớp 6. Lúc này tôi phải chịu rất nhiều sự chế giễu của bạn bè. Mấy thằng bạn tôi, cứ đi gần là vỗ cái mông tôi một cái rồi nói “này là cái mông”. Thậm chí ai hỏi tên tôi cũng không dám trả lời”.
Khi lên cấp III, anh Hoàng Minh đã xin cha mẹ đổi lại tên cho mình. Mang tên mới, anh cảm thấy nhẹ cả người, không còn lo âu, buồn phiền vì cái tên độc lạ khi xưa nữa!
Theo Điều 26 của Bộ luật Dân sự 2015, họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có) của mỗi cá nhân gắn liền với quyền nhân thân của người đó. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình. Điều 28 Bộ luật này quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau: a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt; c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con; d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi; e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính; g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định. |