Nàng công chúa Việt lấy chồng Nhật: Từ mối lương duyên đặc biệt đến cuộc hôn nhân nổi tiếng

Khánh Hằng - Ngày 05/08/2020 11:45 AM (GMT+7)

Được xem là người Việt đầu tiên lấy chồng tại Nhật, nàng công chúa này không chỉ tạo nên một cuộc hôn nhân đặc biệt mà còn trở thành người thúc đẩy mối quan hệ giữa 2 nước.

Công nữ Ngọc Hoa, tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Hoa, hay còn gọi là Ngọc Hoa công chúa, là con gái nuôi của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, không phải là một nàng công chúa nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, cũng không lập nên công trạng gì. Tuy nhiên, bà được coi là người Việt đầu tiên lấy chồng tại Nhật Bản và tạo nên một cuộc hôn nhân đầy ly kỳ.

Đầu thế kỷ 17, trong số các thương nhân đến buôn bán tại Hội An, tỉnh Quảng Nam, có một thương gia người Nhật Bản tên là Araki Sotaro. Trước đây, ông Araki vốn là một samurai (võ sĩ đạo) ở thành phố Kumamoto, đến năm 1588 thì chuyển tới tỉnh Nagasaki rồi bắt đầu công việc buôn bán. Thời điểm đó, người Nhật đang có xu hướng tới Đông Nam Á làm ăn. Ông Araki đã lên một chiếc tài thương mại để đến Philippines, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. 

Nàng công chúa Việt lấy chồng Nhật: Từ mối lương duyên đặc biệt đến cuộc hôn nhân nổi tiếng - 2

Tái hiện đám cưới của ông Araki và Ngọc Hoa công chúa tại lễ hội Okunchi.

Dẫn đầu đoàn thương gia Nhật tới Việt Nam, ông Araki nhận được sự tin cậy của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, thậm chí còn được đặt tên theo họ chúa, tên Việt là Nguyễn Thái Lang.

Năm 1619, thông qua sự giới thiệu của chúa, ông Araki đã gặp được Ngọc Hoa công chúa. Cảm mến trước sự xinh đẹp, thuần khiết và dịu dàng của công chúa, ông Araki đã ngỏ lời yêu và nhận được sự đồng ý. Không lâu sau, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái cho ông Araki. Ngọc Hoa công chúa trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên lấy chồng nước ngoài và ông Araki cũng gần như là người Nhật đầu tiên có một cuộc hôn nhân quốc tế, hơn nữa lại là lấy vợ công chúa.

Năm 1620, ông Araki đưa vợ mới cưới về quê nhà ở tỉnh Nagasaki, Nhật Bản. Tại đây, Ngọc Hoa công chúa được người dân địa phương chào đón vô cùng nhiệt tình, hồn hậu bởi ngưỡng mộ sự xinh đẹp, kiều diễm, tính tình hiền lành và dịu dàng của bà. Người dân thậm chí còn tổ chức một buổi tiếp đón trang trọng dành cho nàng dâu có thân phận cao quý đến từ đất nước xa xôi. Ngọc Hoa công chúa được người dân nơi đây gọi với cái tên thân thuộc là Ani-o-san, đi đến đâu cũng được yêu mến, kính trọng.

Nàng công chúa Việt lấy chồng Nhật: Từ mối lương duyên đặc biệt đến cuộc hôn nhân nổi tiếng - 3

Mộ phần của Ngọc Hoa công chúa tại chùa Daionji.

Sau đó, ông Araki đã mở một cửa hàng giao dịch, sau là trung tâm thương mại tại khu Motoshikkui-machi, thuộc tỉnh Nagasaki. Ngọc Hoa công chúa thường xuyên cùng chồng cai quản việc kinh doanh. Ngoài ra, bà cũng thường giúp đỡ, đứng ra giải quyết những khó khăn cho người dân trong việc giao thương với Việt Nam. Nhờ đó, Ngọc Hoa công chúa nhận được sự quý mến và tín nhiệm lớn.

15 năm sau khi kết hôn, ông Araki qua đời vì bệnh nặng. Ngọc Hoa công chúa vẫn tiếp tục đảm nhận công việc sổ sách tại cơ sở kinh doanh của chồng. Suốt khoảng thời gian sau đó, bà tích cực thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản, không chỉ về kinh tế buôn bán mà cả văn hóa. Vai trò của Ngọc Hoa công chúa quan trọng đến mức sau khi bà mất, việc giao thương buôn bán giữa 2 quốc gia đã bị gián đoạn một thời gian khá dài.

Ngọc Hoa công chúa và ông Araki có với nhau một người con gái. Từ ngày lấy chồng và đặt chân sang Nhật Bản, Ngọc Hoa công chúa chưa một lần trở lại quê hương. Thậm chí khi ông Araki quay lại Việt Nam vào năm 1622, bà cũng không đi cùng.

Ngọc Hoa công chúa sống tại Nhật Bản được 25 năm, đến năm 1645 thì qua đời. Điều kỳ lạ là bà ra đi trùng cả ngày và tháng với ngày mất của chồng, khiến nhiều người tin rằng cặp vợ chồng này yêu nhau đến mức lúc chết vẫn muốn ở bên nhau. Bà an nghỉ tại chùa Daionji (Đại Âm Tự), tỉnh Nagasaki. Hiện tại, chính quyền Nhật Bản đã cho dựng bảng tiểu sử ngắn gọn của Araki Sotaro và Ngọc Hoa công chúa trước khu nghĩa trang của chùa Daionji.

Nàng công chúa Việt lấy chồng Nhật: Từ mối lương duyên đặc biệt đến cuộc hôn nhân nổi tiếng - 4

Nàng công chúa Việt lấy chồng Nhật: Từ mối lương duyên đặc biệt đến cuộc hôn nhân nổi tiếng - 5

Nàng công chúa Việt lấy chồng Nhật: Từ mối lương duyên đặc biệt đến cuộc hôn nhân nổi tiếng - 6

Lễ hội Okunchi tại Nagasaki, Nhật Bản.

Là người vợ xinh đẹp, thủy chung, tài giỏi, đầy đủ công dung ngôn hạnh, lại được yêu quý hết mực ở nơi xứ người, sự ra đi của Ngọc Hoa công chúa khiến nhiều người dân thương xót. Hiện tại, bảo tàng Nagasaki vẫn còn lưu giữ chiếc gương mà bà thường sử dụng. Có người cho rằng chính Ngọc Hoa công chúa là người đem văn hóa Việt Nam truyền bá đến Nagasaki. Ví dụ, truyền thống Nhật Bản thường ăn trên bàn tròn trải vải nâu nhưng người dân ở Nagasaki lại dùng vải đỏ. Người Nhật thường ăn uống với khẩu phần riêng, chia làm nhiều đĩa nhỏ thì nhiều gia đình tại Nagasaki lại chia làm đĩa lớn để cả gia đình ăn chung giống người Việt Nam.

Không những thế, tại Nagasaki còn tổ chức một lễ hội có tên Okunchi, kéo dài từ ngày 7-9/10 hàng năm, vừa để tôn vinh mối quan hệ giao thương Việt Nam - Nhật Bản, vừa phục dựng lại mối tình đẹp của ông Araki Sotaro với Ngọc Hoa công chúa. Tại lễ hội, người ta sẽ dựng một chiếc thuyền lớn, bên trên có bé trai mặc Yukata đóng giả ông Araki, bé gái mặc áo dài đóng giả Ngọc Hoa công chúa, cùng vượt biển khơi rồi trở về. Đây là một lễ hội rất lớn, là niềm tự hào của người dân Nagasaki. Mỗi quận sẽ đăng cai tổ chức mỗi 7 năm và có thêm nhiều trò chơi để tạo không khí vui vẻ cho lễ hội.

Nàng công chúa Việt lấy chồng Nhật: Từ mối lương duyên đặc biệt đến cuộc hôn nhân nổi tiếng - 7

Phục dựng đám cưới của Ngọc Hoa công chúa tại Hội An.

Ngoài ra, tại Hội An, một lễ hội khác cũng được tổ chức từ ngày 18-20/8 hàng năm. Tại đây, người ta sẽ tổ chức một cuộc diễu hành tái hiện lại đám cưới lịch sử của ông Araki với Ngọc Hoa công chúa trong phố cổ, như một phần của Lễ hội văn hóa Hội An - Nhật Bản. 

Ngọc Hoa công chúa được xem như biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Ngày 13/2/2004, chính quyền Việt Nam đã quyết định đặt tên một con đường tại Hội An theo tên "Công nữ Ngọc Hoa", là con đường ngắn đi từ quảng trường sông Hoài, dọc theo bờ sông phía Bắc tới chùa Cầu.

Cô gái sắp làm dâu gia đình giàu nhất châu Á: Đẹp như hoa hậu, được lòng mẹ chồng
Sau khi xuất hiện trước truyền thông với tư cách là vị hôn thê của cậu con trai út của gia đình giàu nhất châu Á, những thông tin về cô gái này bắt...
Khánh Hằng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhân vật