Sáng 13-11, phát biểu tại Quốc hội, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho rằng nếu nâng tuổi trẻ em lên 18 tuổi thì có thể viện nhi phải lập thêm khoa sản.
Sáng 13-11, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan là Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng việc nâng tuổi trẻ em từ 16 lên 18 nhằm đảm bảo tương thích vớicông ước quốc tế cũng rất hay. “Nhưng nếu áp dụng theo quốc tế thì phải áp dụng đều chứ không phải cái gì thích thì áp dụng, không thích thì bỏ ra. Thực tế là cái không thích bỏ ra có khi lại là cái có tác dụng tốt. Nếu nâng độ tuổi trẻ em thành 18 thì phải tương thích với luật khác hãy cho ra đời luật này” - bà Lan nêu ý kiến.
Phân tích cụ thể, bà Lan dẫn chứng vấn đề chăm sóc y tế. “Liệu nâng lên 18 tuổi thì có khả thi không khi các tập tục tảo hôn miền núi vẫn còn như hiện nay, để thay đổi tập tục thì không phải ngày một ngày hai. Nếu như xây luật mà không có lộ trình, biện pháp áp dụng trong cuộc sống mà xây để trang trí thì xây làm gì, đôi khi còn bị chế giễu! Vấn đề chăm sóc y tế, chúng ta nói đùa với nhau là viện nhi sắp tới phải thành lập khoa sản nếu như nâng tuổi trẻ em lên 18. Cái này hiện giờ đã là nguy cơ rồi” - bà Lan nói.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho hay trong ngành y có lời nói đùa là nếu nâng tuổi trẻ em lên 18 thì viện nhi có thể phải xây thêm khoa sản - Ảnh: Phương Nhung
Về mặt hình sự, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng băn khoăn với những trường hợp vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. “Vi phạm xong rồi mới lôi cái cớ ra là chưa thành niên. Bởi vậy mà những vụ án trước đây như vụ Lê Văn Luyện gây rất nhiều bức xúc trong xã hội. Các nước khác có thể tuổi vị thành niên là 18 nhưng phạm tội trong tuổi từ 16-18 thì nhốt trong tù để đó, chờ đủ 18 xử đúng khung hình phạt chứ không có nương nhẹ. Ta có thể nghiên cứu mô hình tòa trẻ em hoặc hình thức như nào đó trong thời gian chuyển tiếp” - bà Lan đề xuất.
Một vấn đề nhức nhối khác được ĐB Phạm Khánh Phong Lan hết sức lưu tâm là khoảng cách giàu nghèo, các vấn đề bảo vệ trẻ em. “Có bao nhiêu trẻ em chưa được đến trường, bao nhiêu bị chăn dắt đi ăn xin, bán vé số để về nuôi lại cha mẹ mình hoặc những tổ chức ma cô, bao nhiêu bị dụ dỗ vào con đường nghiện ma túy. Đặc biệt là vấn đề dinh dưỡng trẻ em. Các nước mỗi năm cải thiện nòi giống thế nào, tăng bao nhiêu cm chiều cao. Ở mình thì đúng là TP có tình trạng béo phì nhưng ở vùng quê, trẻ em rất còi cọc. Ví dụ nước Anh, cách đây cả thế kỷ có chương trình sữa học đường, hễ đến lớp thôi là được 1 ly sữa. Vì thế, chúng ta không thể quy định một câu nhỏ nhẹ rồi cho qua. Cần phải có chương trình dinh dưỡng cải tạo nòi giống, tạo điều kiện vào đời cho các em một cách bình đẳng…” - bà Lan nói.
ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) đánh giá vấn đề chăm sóc trẻ em hiện nay đã tệ hại rồi, nhưng vấn đề bảo vệ trẻ em còn tệ hại hơn nữa. “Quan trọng phải tập trung quy định bảo vệ đầy đủ quyền của trẻ em, đặc biệt quyền được chăm sóc, học hành, phát triển giống nòi” - ĐB Dung nhấn mạnh.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) thì cho rằng cần phải đưa vào luật cả quy định bảo vệ sự sống và sức khỏe, trong đó, từ “sự sống” phải đặt trước “sức khỏe”. “Có những nơi có tập tục mẹ chết thì chôn luôn con, nên phải bảo vệ sự sống trẻ em” - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm dẫn chứng.
Về bổn phận trẻ em với gia đình tại Điều 38, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng nên bổ sung bổn phận với họ hàng bởi vẫn cần phải giữ gìn truyền thống anh em, họ hàng. Với Điều 41 quy định bổn phận “yêu đất nước, yêu quê hương, yêu đồng bào”, theo ông Nghiêm, nên đưa vào câu nói rất dễ hiểu, dễ thuộc của Bác Hồ là “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào”. Cũng liên quan đến quy định bổn phận của trẻ em, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng không nên đưa vào luật những điều cao xa quá bởi Bác Hồ từng nói “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ biết học hành là ngoan” và chỉ làm được điều này cũng là “mừng” quá rồi.