Ngày Gia đình Việt Nam của người già vô gia cư: "Tôi thèm bữa cơm có đầy đủ vợ chồng..."

Ngày 28/06/2019 10:03 AM (GMT+7)

Bên lề nhịp sống hối hả của mảnh đất Sài thành, có những cuộc đời bị bỏ quên. Họ - những người già vô gia cư đứng đó, bên góc vỉa hè giương đôi mắt nhăn nheo với cái nhìn mờ mịt khi nghĩ về tháng ngày ở tương lai, tách biệt hoàn toàn với cuộc sống sôi động của phố xá.

21h30 ngày 27/6, khi dòng người đổ dồn về phía trung tâm TP.HCM ngày một nhiều, bắt đầu cuộc dạo chơi mới khi đêm xuống của những con người sành điệu, thì đâu đó ở ngóc ngách vỉa hè, một cuộc mưu sinh cũng đang bắt đầu với những người già vô gia cư.

Không có tiếng nhạc ầm ĩ đến điếc tai, không có hàng trăm ngọn đèn liên tục quay lắc, không có mùi rượu, bia cay xộc, không có những đĩa thức ăn với giá ngút trời,... cuộc sống về đêm của những mảnh đời nghèo với đặc trưng là mùi ẩm thấp của đất khi trời dần đổ sương, mùi ngai ngái của rác và cái lạnh đến run người khi bất chợt có cơn mưa rào ngang qua.

Ngày Gia đình Việt Nam của người già vô gia cư: amp;#34;Tôi thèm bữa cơm có đầy đủ vợ chồng...amp;#34; - 1

Những con người "hoạt động về đêm" khi phố thị đã lên đèn.

"Cảm giác có gia đình ra sao tôi cũng không còn nhớ"

Dọc tuyến đường 3/2, quận 6, TP.HCM, không khó để bắt gặp hình ảnh những con người hai thứ tóc vẫn lầm lũi đi về trên những vòng quay xe đạp. Dừng lại bên một thùng rác lớn cạnh chợ, ông Mai Văn Hữu (68 tuổi, quê Bến Tre) chậm rãi nhặt nhạnh từng chai nhựa được người ta vứt lung tung trong túi nilon xỉn màu. “Nay tôi ra trễ, người ta đi trước chắc cũng lượm hết ve chai rồi. Hôm nào nhặt ít thì tôi ráng nhặt thêm cho tới 3-4 giờ sáng để đủ tiền mua hộp cơm với vài viên thuốc. Dạo này mưa xuống xương cốt tôi nhức hoài”, ông Hữu nói.

Ngày Gia đình Việt Nam của người già vô gia cư: amp;#34;Tôi thèm bữa cơm có đầy đủ vợ chồng...amp;#34; - 2

Không khó để bắt gặp những hình ảnh này trên khắp các đường phố Sài Gòn.

Khẽ đưa đôi tay lấm lem quẹt vội dòng mồ hôi đang chảy ròng trên trán, ông Hữu cất giọng kể: “Tôi lên Sài Gòn năm 1980, gặp và thương một người con gái Sài Gòn chính hiệu. Cưới nhau rồi, tôi cũng cố gắng làm lụng kiếm tiền lo cho gia đình nhưng khổ nỗi hai vợ chồng đến tận năm 40 tuổi vẫn không có con. Biến cố xảy ra trong một lần tôi lên cơn đau tim phải nằm viện suốt 1 tháng trời. Sau đó về nhà, tôi không đi làm công việc trước đây được nữa nên vợ tôi bỏ đi.

Không gia đình, không người thân, tôi phải đi nhặt ve chai gần 30 năm nay. Hồi trước có tiền thì thuê nhà trọ, sau này không đủ sống thì tôi đành ngủ bụi ngoài đường. Nhiều đêm mưa tạt, lạnh lắm”.

Ngày Gia đình Việt Nam của người già vô gia cư: amp;#34;Tôi thèm bữa cơm có đầy đủ vợ chồng...amp;#34; - 3

Con đường phân chia hai phận người, hai cuộc đời, hai ước mơ.

Khi được hỏi với cảnh sống hiện tại, có khi nào ông chợt tủi thân và nghĩ về gia đình, ông Hữu rơi nước mắt: “Đôi lúc tôi thèm một bữa cơm có đầy đủ vợ chồng, cha mẹ, lúc đấy ăn với muối trắng cũng thấy ngon, nhưng lâu quá rồi tôi không có người thân, cảm giác có gia đình ra sao tôi cũng không còn nhớ”.

"Hạnh phúc gia đình với tôi là sáng thức dậy lại được thấy 3 đứa con và vợ bên mình"

Tại một vỉa hè khác trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, ông Dương Bá Tùng (60 tuổi) cũng đang nặng nhọc đẩy chiếc xe cũ, treo bên trên là mấy chiếc bao đựng ve chai của mình. “Ngày nào cũng vậy, tôi nhặt từ 8 giờ tối cho đến 3 giờ sáng mới về. Cố gắng làm để trả tiền thuê phòng trọ và điều trị di chứng sau khi tôi trải qua một cơn đột quỵ. Tôi với vợ thuê căn phòng ở phường 25, Bình Thạnh để tối về nghỉ lưng, sáng tôi lại đi nhặt ve chai, vợ bưng bánh cam đi bán. 3 đứa con có gia đình hết rồi, nhà đứa nào cũng nghèo nên không nuôi cha mẹ, chúng tôi phải tự bươn chải mà kiếm sống qua ngày”, ông Tùng nói.

Hạnh phúc gia đình trong ước mơ của người đàn ông nghèo khổ, bệnh tật chỉ là một buổi sớm thức dậy nhìn quanh, hình ảnh 3 đứa con nhỏ và người vợ hiện diện ngay bên ông dù trong một mái lá nghèo như lúc các con còn thơ ấu. “Nhưng cuộc sống mà, đâu phải điều gì cũng dễ dàng. Đôi lúc hạnh phúc đến và đi nhanh như một cái chớp mắt”, ngước nhìn đường phố, ông Tùng thở dài.

Ngày Gia đình Việt Nam của người già vô gia cư: amp;#34;Tôi thèm bữa cơm có đầy đủ vợ chồng...amp;#34; - 4

Ông Tùng (60 tuổi) cũng đang nặng nhọc dắt chiếc xe đạp cũ, treo bên trên là mấy chiếc bao đựng ve chai của mình

Nếu như với nhiều người, gia đình được xem là điểm tựa, là chỗ dừng chân, là nơi để họ trở về sau bao nhiêu mệt mỏi, thì với những người vô gia cư, niềm vui về gia đình được xem là thứ phù phiếm và xa hoa quá đỗi. Cũng có những người may mắn đã từng có gia đình, cũng có người chưa, và cũng có những người vì lí do nào đó đã từ bỏ gia đình.

Dù những thứ họ trải qua, có thể na ná giống hay hoàn toàn khác nhau thì giờ đây, nỗi niềm của những người đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời đều quy về một nỗi: Gia đình. “Nhiều khi tôi thèm một tiếng gọi ba ơi, thèm tô cháo gà bỏ nhiều tiêu mà hồi xưa mỗi khi bệnh vợ thường hay nấu”, ôm đàn chó nhỏ trên tay, tựa lưng vào mé tường cũ bạc màu trên vỉa hè lạnh ngắt, ông Võ Văn Thành (52 tuổi) ngậm ngùi nói.

Ngày Gia đình Việt Nam của người già vô gia cư: amp;#34;Tôi thèm bữa cơm có đầy đủ vợ chồng...amp;#34; - 5

Ông Thành bên bầy chó mà ông xem như cả gia đình.

Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, chúng tôi chúc cho ước mơ về một mái ấm gia đình của ông Hữu, ông Tùng và ông Thành cùng những người vô gia cư khác trên khắp mọi miền Tổ quốc có thể thành hiện thực để Ngày Gia đình cũng là Ngày Không Một Mình.

Ngày Gia đình Việt Nam của những đứa trẻ lang thang: Mẹ ơi! Gia đình là gì thế ạ!
Đối với nhiều người, Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để đoàn tụ, để gửi lời yêu thương đến nhau. Với những đứa trẻ lang thang, các bé không hề biết đến...
YẾN NHI
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam 28/6