Đối với nhiều người, Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để đoàn tụ, để gửi lời yêu thương đến nhau. Với những đứa trẻ lang thang, các bé không hề biết đến hai chữ "gia đình".
Video: Hai mẹ con bán bóng bay vỉa hè chia sẻ những mong muốn về tương lai trong Ngày Gia đình Việt Nam 2019
Dù trời đã tắt nắng, nhưng mặt đường vẫn bốc lên hơi nóng hầm hập khiến dòng người di chuyển vội vã hơn. Họ chỉ mong đi thật nhanh để về với tổ ấm của mình, nơi đang có những người vợ chờ chồng, những đứa con chờ bố mẹ về để quây quần bên bữa cơm sau một ngày làm việc.
Cùng lúc đó, giữa phố xá ồn ào tấp nập lại có những con người không trở về với gia đình. Họ phải rời bóng mát của những tán cây, bụi cỏ để đi kiếm từng đồng bạc lẻ lo bữa cơm qua ngày. Đó là những đứa trẻ vô gia cư đi bán hàng rong, hay bà mẹ dắt con đi bán bóng bay dọc đường, thậm chí là những cụ già vừa đeo chiếc túi nhặt rác trên lưng vừa ôm theo đứa cháu nhỏ mồ hôi nhễ nhại...
Khi trời tắt nắng cũng là lúc những đứa trẻ ra phố bán hàng.
Chiều nào cũng vậy, trước cửa công viên Thống nhất (Hà Nội) diễn ra một khung cảnh đối lập. Đó là cảnh những đứa trẻ được bố mẹ dắt vào chơi công viên chơi hoặc tập thể dục và cảnh những đứa trẻ bước ra từ công viên với chiếc giỏ hàng lủng lẳng trước ngực.
“Cháu vào đây từ trưa nghỉ ngơi, tránh nắng ở dưới gốc cây đa góc công viên. Giờ hết nắng cháu lại đi bán hàng”, một bé trai lém lỉnh nói. Chưa kịp hỏi thêm câu chuyện, một người đàn ông đứng đằng xa đã ra ám hiệu cho cậu bé lên xe để bắt đầu chuyến mưu sinh “vạn dặm” trên khắp các con phố.
Con gái chị Thanh chỉ mong khỏi bệnh để được đi học, để viết được tên 2 mẹ con.
Ngay gần công viên Thống Nhất, chị Từ Hải Thanh (SN 1973) với dáng vẻ mệt mỏi ngồi ôm đứa con bé bỏng vào lòng. Ánh mắt chị hướng về dòng người đang tấp nập qua lại với hy vọng ai đó sẽ tấp vào lề đường mua ủng hộ mẹ con chị món hàng để chị có đủ 30 nghìn đồng lo bữa tối cho hai mẹ con.
Chị Thanh và con gái Từ Thu Phương (8 tuổi) đã bán hàng trên vỉa hè đã 4-5 năm nay. Mặt hàng hai mẹ con chị bán chỉ là vài quả bóng, mấy con thú chạy bằng pin và một mâm con lắc mặt cười lò xo để dưới lề đường.
Mùa hè, cứ tầm 5 giờ chiều, mẹ con chị bắt đầu đẩy xe hàng từ căn phòng ọp ẹp ở phố Kim Ngưu đi bán cho đến 22h đêm mới quay trở về. Cháu Phương mắc bệnh viêm da cơ địa nên chị muốn đi bán sớm cũng chẳng được, cái nắng, cái nóng mùa hè sẽ khiến làn da con gái chị đau rát.
Hàng tối Thu Phương theo mẹ đi bán hàng rong ở trên phố.
Gần 50 tuổi đời, với 8 năm làm mẹ nhưng trong suy nghĩ của chị Thanh chưa bao giờ có một khái niệm gia đình đúng nghĩa. “Ai cũng có một gia đình, nhưng một gia đình đúng nghĩa với hai từ hạnh phúc thì tôi chẳng dám mơ. Tôi chẳng có chồng, con tôi chẳng có cha thì nói đến gia đình cũng chẳng nghĩa lý gì”, chị Thanh ngậm ngùi.
Khi nhắc đến Ngày Gia đình Việt Nam 2019, người mẹ đơn thân này tỏ ra rất bất ngờ vì đây là lần đầu chị biết đến ngày này. Khi được hỏi về những mong ước tương lai, chị Thanh im lặng, chẳng nhắc gì đến gia đình. Cái chị muốn chỉ là bán được hàng để lo miếng cơm đủ cho hai mẹ con.
Ngồi trong lòng mẹ, khi nghe nhiều đến hai tiếng "gia đình", bé Thu Phương ngẩng lên hỏi: “Gia đình là gì hả mẹ?”. Câu hỏi của bé gái 8 tuổi khiến chị Thanh rơi nước mắt. Chị lặng im một lúc rồi nói nhỏ vào tai con: “Là cuộc sống của mẹ con mình, là khi mẹ con mình ở bên nhau như thế này con ạ”.
Cô bé nhí nhảnh Thu Phương chưa từng được nghe mẹ nói về gia đình.
Nghe mẹ nói, bé Thu Phương nhoẻn miệng cười: “Hai mẹ con mình là một gia đình, con chỉ ước gia đình mình (hai mẹ con) không ai bị bệnh, để con được đi học và viết tên hai mẹ con mình”.
Màn đêm buông xuống, các cửa hàng đã đóng cửa, phố xá dần thưa người qua lại, đó cũng là lúc những người vô gia cư tìm nơi chợp mắt ở khắp các vỉa hè. Giương mặt sạm đen, đôi tay run rẩy, bà Phạm Thị Hà (67 tuổi, ở Thái Bình) đang cố nhấc cánh tay mỏi mệt quạt cho đứa cháu ngoại nằm ngủ trên vỉa hè.
Nắng nóng khiến thu nhập của bà Hà giảm đi rất nhiều vì bà chẳng thể đi được xa để nhặt đồng nát. Chiếc túi bóng đen với lỉnh kỉnh chai lọ vẫn để bên cạnh người, cả ngày hôm nay bà chưa được hạt cơm nào vào bụng, vì ít hàng bà chưa mang đi bán thế nên bà chẳng có tiền.
Bé Kiên theo bà từ khi còn bế ngửa.
Gom hết số tiền trong người chỉ đủ lo bữa tối cho đứa cháu, may mắn có người cho bà hộp sữa nhưng bà không dám uống mà phải để dành để sáng hôm sau cháu ngoại bà có cái lót dạ.
Nằm lăn lóc dưới tấm bìa carton, bé Phạm Kiên (cháu ngoại bà Hà) ngủ ngon lành sau một ngày mệt nhoài theo chân bà đi khắp phố phường. Vì hoàn cảnh gia đình, bé Kiên theo bà ngoại từ khi còn bế ngửa đến nay đã được gần 5 năm. Ở cái tuổi không còn trẻ nữa, bà Hà chẳng mong mình có một gia đình hạnh phúc mà chỉ mong có đủ sức khỏe để lo cho đứa cháu đang hàng đêm phải ngủ vỉa hè.
Bà Hà chẳng mong một gia đình hạnh phúc, mà chỉ cần có sức khỏe để lo cho cháu mình.
“Điều tôi mong muốn nhất bây giờ là cháu tôi được cắp sách đến trường, có đủ cơm để ăn, có nơi tắm giặt vệ sinh hàng ngày chứ không phải đi tắm nhờ nữa”, bà Hà nói.
Đối với những người vô gia cư như bé Kiên, bé Thu Phương, một gia đình đầy đủ, đầm ấm và hạnh phúc là điều quá xa xỉ. Ngày Gia đình chỉ đơn giản là ngày còn được bên bà bên mẹ, ngày mình hết bệnh để được đi học, ngày được ngủ một giấc êm ấm dưới một mái nhà... Còn 364 ngày còn lại, có thể nhặt được nhiều đồ đồng nát, bán được nhiều hàng rong và tối có chỗ ngủ là đã quá đủ trong cuộc sống này.