Ngày về gian nan của chàng trai vượt biên tìm mẹ

Ngày 08/07/2014 06:45 AM (GMT+7)

Câu chuyện về cậu bé 13 tuổi lang thang khắp chốn đi tìm mẹ, sau bao năm trở về Việt Nam với người vợ xinh đẹp đến bây giờ vẫn được người dân thôn Bắc Mã (huyện Đông Triều, Quảng Ninh) nhắc lại. Để có được hạnh phúc viên mãn hiện tại, họ đã trải qua một hành trình gian nan, vất vả.

Chính trong những tháng ngày vô cùng cực khổ đó, anh Quân đã rèn luyện được một ý chí sắt đá và thấm thía nhiều điều về cuộc sống. Cậu bé 13 tuổi ngày ấy giờ đã là một người chồng hết mực thương yêu vợ con, là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình.

Gian nan lập nghiệp ngày về

Sau ngày cưới, vợ chồng anh Quân và chị Tuyền vẫn sống và làm thuê ở Trung Quốc. Niềm hạnh phúc được nhân lên khi cô con gái đầu lòng chào đời một năm sau đó. Là người vợ đảm đang, chị Tuyền rất mực yêu thương và chăm lo cho tổ ấm nhỏ bé của mình. Nhưng trên đất khách, chị không nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương. Mặc dù vợ không nói ra, song bằng sự tinh ý, anh Quân vẫn đọc được tâm sự thầm kín mỗi khi nhìn vào mắt vợ. Anh hiểu, dẫu đã mang lại hạnh phúc, cố gắng lo cho chị một cuộc sống đủ ăn, đủ mặc thì cuộc sống gia đình vẫn không trọn vẹn, nếu vợ luôn canh cánh nỗi nhớ cha mẹ nơi quê nhà.

Chiều theo ý vợ, cuối năm 1994, anh Quân quyết định đưa cả gia đình trở về Tổ quốc. Sau 6 năm trời xa cách, anh không về quê mình mà quyết định đi thẳng về Bắc Giang (quê vợ). Hơn ai hết, anh hiểu chị Tuyền đang nóng lòng được gặp lại người thân như thế nào. Ngày đoàn tụ gia đình, chị run run, đôi mắt nhòe lệ. Giây phút đầu tiên nhìn thấy con gái, bố mẹ chị sững sờ không thốt nên lời. Hai ông bà không thể ngờ rằng, có một ngày chị Tuyền lại được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Ngày con gái mới bị bắt đi, mẹ chị đã lang thang khắp làng trên xóm dưới, vừa đi vừa khóc, miệng liên tục gọi tên con như một người điên dại. Thời gian đó, cả hai ông bà đều nghe nhiều về những bi kịch của các cô gái bị bán đi xứ người. Cả trong giấc mơ, ông bà cũng không dám tin có ngày con gái được trở về lành lặn, khỏe mạnh như thế này. Hơn thế, họ càng không thể ngờ, chị Tuyền lại mang về cho gia đình đứa cháu ngoại và chàng rể Việt Nam hiền lành, tốt bụng. Sau khi nghe chị Tuyền tâm sự về hành trình anh Quân gian nan giải cứu vợ, ông bà vừa hàm hơn, vừa thêm quý trọng chàng rể.

“Khi ở bên Trung Quốc, vợ chồng tôi cứ thế về ở với nhau, không đám cưới, chẳng mâm cao cỗ đầy, chưa thưa chuyện với bố mẹ vợ. Thực sự, trong lòng tôi rất áy náy về sự thiệt thòi mà Tuyền phải gánh chịu. Bởi thế, khi về Việt Nam, tôi đã cùng vợ đi đăng kí kết hôn và tổ chức mấy mâm cỗ để vợ một lần trong đời được làm cô dâu, được đứng bên tôi vái lạy gia tiên và được cha mẹ chúc phúc”, anh Quân nhớ lại.

Giận người đàn bà đã lừa bán và suýt chút nữa làm hỏng tương lai của chị, anh đã trình báo lên ủy ban xã để vạch trần bộ mặt xấu xa của mụ “tú bà”. Tuy nhiên, người đàn bà đó sợ tội nên đã bỏ đi biệt xứ. Đưa vợ về đoàn tụ với cha mẹ sau bao năm lưu lạc xứ người, anh Quân đã thực hiện được một phần mơ ước cuộc đời.

Nhưng cuộc sống phía trước vẫn còn nhiều khó khăn thử thách. Cha anh đã mất nên anh quyết định sống luôn ở Bắc Giang quê vợ. Cha mẹ vợ anh nghèo, dù thương con cũng chẳng giúp gì được nhiều. Vợ chồng anh dựng một căn lán nhỏ. Ở cái đất chó ăn đá, gà ăn sỏi ấy, kiếm đủ cái ăn không hề dễ dàng, nhất là đối với những người không có nghề nghiệp, vốn liếng cũng chẳng có như anh chị. Dịp đó, cô con gái mới sinh của anh chị lại thường xuyên ốm đau. Số vốn liếng ít ỏi mang từ Trung Quốc về đã nhanh chóng tiêu tan.

Ngày về gian nan của chàng trai vượt biên tìm mẹ - 1

Vợ chồng chị Tuyền – anh Quân sống rất hạnh phúc sau những ngày tháng gian khổ.

Thời gian này, vợ chồng anh Quân đi làm thuê, chạy ăn từng bữa. Sau hơn một năm khó khăn, anh chị bàn với nhau quay trở lại huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh – quê anh), nơi có mảnh đất ngày trước bố anh để lại. “Vẫn biết cuộc sống đầy khó khăn nhưng vợ chồng tôi luôn hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn ở vùng đất tôi đã sinh ra. Tôi cũng luôn động viên vợ rằng, có thể mình khổ cực 5 năm, 10 năm chứ không khổ cực cả đời được. Nhờ nghị lực ấy, tôi đã từng bước xây dựng kinh tế trên chính mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”, anh Quân thổ lộ.

Hạnh phúc đơm hoa

Mặc dù cái đói, cái nghèo đe dọa mỗi ngày nhưng anh chị không hề lùi bước. Chị Tuyền tâm sự: “Đều là nông dân, hai vợ chồng chẳng mấy khi nói với nhau những lời lãng mạn. Bởi thế mà hàng chục năm qua, tôi chưa từng có dịp thổ lộ tấm chân tình và sự biết ơn với chồng. Suốt cuộc đời này, tôi sẽ không thể quên cái ngày anh bỏ số tiền dành dụm vất vả cả năm trời để chuộc tôi về”.

Chị Tuyền kể rằng, những lúc khổ sở quá, chị lại nghĩ về những tháng ngày cả hai ở bên Trung Quốc và rồi cảm thấy những khó khăn trước mắt không đáng là gì. Chị Tuyền tâm sự: “Tôi vẫn nhớ những ngày hai vợ chồng thường xuyên phải nhịn bữa sáng để đi làm thuê. Có hôm đi gánh phân thuê, trời nắng nóng, bụng đói cồn cào, mắt hoa lên, tôi làm việc nhưng nước mắt lại trào ra. Những lúc đó, tôi lại nghĩ rằng có thể cuộc đời tôi đã khốn khổ hơn thế này nếu như không được anh cứu trên đất khách quê người. Rồi lại nghĩ đến buổi sáng hôm nay, tôi biết không chỉ mình mà cả chồng tôi cũng nhịn đói đi làm. Trong khi đó, công việc của chồng còn khổ sở, nặng nhọc gấp bội. Khi ấy, tôi lại tiếp tục gắng hết mình”.

Cách đây hơn 10 năm, có một nhà từ thiện khi biết câu chuyện đặc biệt của anh đã gửi tặng vợ chồng anh 10 triệu đồng. Từ đó, anh chị khấp khởi bắt đầu một “kế hoạch” dài hạn cho tương lai. Với 10 triệu đồng, anh chị mua một cặp bò mẹ, bò con rồi chăm chỉ làm ăn. Trời không phụ người có lòng, anh chị dành dụm được một chút vốn liếng, mở rộng mô hình chăn nuôi. Những năm tháng sau này, nhờ có số vốn ban đầu đó, cuộc sống của anh chị đỡ chật vật hơn.

Chị Tuyền hồ hởi chia sẻ: “Năm 2012 vừa qua, lần đầu tiên tôi được đi du lịch. Đây là chuyến du lịch đầu tiên trong suốt 20 năm qua của tôi. Chỉ vậy thôi, tôi cũng đã cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc lắm rồi”. Cuối cùng, số phận cũng đã thôi thử thách hai con người dưới mái nhà nhỏ bé đó.

Nỗi nhớ thương con gái vẫn sống trên đất khách

Suốt 20 năm trời cùng nhau vượt qua sóng gió, đến nay số phận không còn thử thách anh chị nữa. Hai vợ chồng đã có của ăn của để, không còn phải chạy ăn từng bữa như trước. Buổi tối, cả hai có thể thanh thản ngồi xem một bộ phim mà không phải lo lắng về cơm áo gạo tiền. Ngoài việc vẫn day dứt về cô con gái đang sống ở bên Trung Quốc cùng bà nội thì cuộc sống anh chị đã khá ổn định. Anh chị cũng vừa lên chức ông bà ngoại khi con gái thứ hai đã lấy chồng, sinh con. Cậu con trai thứ ba đang độ tuổi đi học, rất ngoan ngoãn, hiền lành và biết giúp đỡ bố mẹ.

Theo Hồ Phúc (Đời sống & Hôn nhân)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot