Nghề lạ ở Việt Nam: Kiếm 50 triệu/tháng nhờ nuôi loài cả đời không uống nước, bán làm đặc sản đắt khách

HÀ ANH - Ngày 08/07/2022 14:38 PM (GMT+7)

Khởi nghiệp từ nghề nuôi dúi với số vốn ít ỏi, lại có kỹ thuật chăn nuôi rất đơn giản mang lại lợi nhuận kinh tế cao khiến nhiều nông dân trở thành triệu phú.

Dúi là loài động vật gặm nhấm, rất giống với chuột. Thân mình chúng tròn trịa, rụt rịt không cổ, trông rất mũm mĩm. Bao quanh chúng phủ lớp lông dày giống như lợn rừng, trong khi bộ ria, mõm và 2 cặp răng nanh cửa trên như thỏ. Răng nanh có độ chắc khỏe, thích hợp để đào hang, cũng như gặm nhấm thức ăn. Dúi sống dưới mặt đất, ngủ ngày và kiếm ăn vào ban đêm. Mọi hoạt động đều diễn ra trong hang tự đào, đa phần là ở những khu rừng nhiều tre, nứa. 

Nhiều năm trở lại đây, bà con các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là một số vùng dân tộc thiểu số đã xem thịt dúi như một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như nướng, xào lăn, nấu rượu mận hoặc hấp và trở thành đặc sản. Lâu dần, nhu cầu tăng cao khiến nhiều người nông dân chuyển hướng sang nuôi dúi tại nhà để lấy thịt. Với kỹ thuật đơn giản, chi phí bỏ ra không nhiều nhưng lại có lợi nhuận kinh tế cao, nghề nuôi dúi ngày càng trở nên phổ biến. 

Nghề lạ ở Việt Nam: Kiếm 50 triệu/tháng nhờ nuôi loài cả đời không uống nước, bán làm đặc sản đắt khách - 1

Con dúi là động vật khá giống chuột chũi.

Con dúi là động vật khá giống chuột chũi.

Theo chân anh Trần Đình Nhâm, 29 tuổi, trú xã Sơn Hồng (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đi thăm trang trại dúi của mình. Khu vườn nằm trên quả đồi ở phía sau nhà chính của gia đình anh Nhâm rộng hàng trăm mét vuông, trước kia trồng cây ăn quả. Kể từ ngày chuyển đổi mô hình sản xuất, khu vườn này được "thay áo mới" bởi hệ thống trang trại lợp mái tranh với hơn 100 ô chuồng dùng để nuôi dúi giống.

Anh Nhâm cho biết, năm 2015 khi còn đang làm công nhân ở Bắc Ninh, anh có dịp được tham quan một trại nuôi dúi trên địa bàn. Qua trò chuyện với chủ trang trại,  anh nhận thấy việc chăm sóc cũng không quá khó nhưng thịt dúi lại rất được giá vào thời điểm bấy giờ, mang lại thu nhập ổn định. Nhận thấy “cơ hội" làm giàu, anh Nhâm quyết tâm xin nghỉ việc, học hỏi cách tổ chức mô hình và kinh nghiệm nuôi dúi rồi về quê khởi nghiệp.

Với số vốn bỏ ra ban đầu chỉ 5 triệu đồng, anh Nhâm xây 3 ô chuồng, mỗi ô diện tích 60cm để nuôi thử nghiệm 6 con dúi giống, gồm 3 cái, 3 đực. Ban đầu dúi anh nuôi bị bệnh đường ruột, chết mất một cặp nhưng không nản, anh bắt xe chạy ngược lên Bắc Ninh tham khảo được cách chữa trị bằng cách cho chúng ăn củ sắn. Bốn tháng sau, cặp dúi phát triển tốt rồi đẻ con, vợ chồng anh Nhâm quyết định mở rộng mô hình chăn nuôi loài vật này.

Nghề lạ ở Việt Nam: Kiếm 50 triệu/tháng nhờ nuôi loài cả đời không uống nước, bán làm đặc sản đắt khách - 3

Mô hình chuồng trại nuôi dúi, loài này không ưa ánh sáng nên phải che chắn cẩn thận

Mô hình chuồng trại nuôi dúi, loài này không ưa ánh sáng nên phải che chắn cẩn thận

Anh Nhâm cho biết, ​​dúi rất dễ nuôi, chủ yếu ăn đêm, ngủ ngày. Thức ăn cũng rất dễ tìm như: Tre, mía, bắp khô, rau, củ, quả… Một ngày dúi ăn 2 lần vào buổi sáng và tối, mỗi lần một đốt tre nứa dài 20 cm, mía thì 5-7 cm, không uống nước. Do dúi không uống nước nên phân khô, không mùi hôi, cách 3 - 4 ngày mới dọn chuồng 1 lần. Ngoài ra dúi là loài gặm nhấm nên răng mọc dài liên tục, nếu không mài răng sẽ dài dẫn tới không ăn uống được. Vì vậy, thỉnh thoảng phải cho thức ăn thích hợp để chúng mài răng. Bên cạnh ăn uống cũng cần chú trọng nơi ở của dúi phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động, dúi ưa tối nên cần che chắn để ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào. Dúi chịu lạnh tốt hơn chịu nóng, nếu vào mùa nắng phải thay mái tôn hay tấm fibro xi măng bằng mái tranh để tản nhiệt cho bầy dúi. 

Dúi mẹ mang bầu sau 48 ngày là đẻ, dúi con sau 2 tháng được tách ra nuôi theo cặp đực cái và bán cho các cơ sở giống trong và ngoài tỉnh để tiếp tục chăm sóc. Sau khi tách con khoảng 3-5 ngày, dúi bố mẹ sẽ được tẩm bổ để ghép đôi trở lại, sinh sản lứa mới. Dúi một năm đẻ khoảng 3-4 lần, mỗi đợt khoảng 4-5 con. 

“Dúi sinh sản phải cung cấp đủ thức ăn chứa canxi, cho ăn thêm bắp tươi để có sức nuôi con, tránh xảy ra tình trạng ăn con, gây hao hụt”, anh Nhâm cho biết. Cứ 2 tuần, trang trại của anh Nhâm lại cho xuất chuồng một lần, với dúi giống thì chỉ cần đạt trọng lượng 500 - 700gram có thể xuất bán giống. Riêng dúi thương phẩm nuôi 7 tháng, trọng lượng đạt 1,5kg có thể xuất bán. 

Nghề lạ ở Việt Nam: Kiếm 50 triệu/tháng nhờ nuôi loài cả đời không uống nước, bán làm đặc sản đắt khách - 5

Món ngon từ thịt dúi giờ là đặc sản vừa lạ vừa ngon

Món ngon từ thịt dúi giờ là đặc sản vừa lạ vừa ngon

Trung bình mỗi tháng anh Nhâm xuất bán từ 40 - 50 cặp dúi giống, giá khoảng 1,2 triệu đồng/cặp; dúi thịt bán được 40 - 50kg, giá 650.000 - 700.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh Nhâm thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Không bao giờ lo thiếu nguồn đầu ra vì dúi chỉ cần đủ cân đủ lạng là thương lái đến tận nơi mua về. Đa số họ bán cho các nhà hàng đặc sản, chế biến nhiều món ăn ngon cho khách du lịch. Thịt dúi cũng được bà con trong khu vực ưa chuộng vì không chỉ thơm ngon mà còn giàu chất dinh dưỡng, lại là thịt nuôi bằng thức ăn thuần chay nên rất sạch. 

Không giữ bí quyết cho riêng mình, anh Nhâm đã chia sẻ kinh nghiệm trên các hội nhóm nuôi dúi, bà con nông dân gần xa cũng thường ghé trang trại của anh để học hỏi kỹ thuật nuôi dúi. Hiện tại, anh Nhâm đang chuẩn bị mở rộng mô hình chăn nuôi dúi gấp đôi, tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân trong trang trại. Mô hình kinh doanh của anh Nhâm chính là dấu hiệu tích cực của người trẻ thuộc thế hệ 9X dám ước mơ, dám nghĩ lớn, quay về quê hương khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất mình đã sinh ra.

Ngành nghề siêu HOT ở Việt Nam: Lương tháng toàn vài chục triệu, làm thêm sương sương cũng đủ ấm no
Nhân lực ngành Thiết kế Mỹ thuật số (Digital Art & Design) đang trong tình trạng "sốt dẻo" bởi tốc độ phát triển của ngành nghề, càng về sau càng...

Giáo dục

HÀ ANH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nghề lạ