Không nhà cửa, không người nương tựa, bản thân mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư vú), chị Nguyễn Thị Loan (48 tuổi), ở thôn 4, xã Thiệu Vân, TP.Thanh Hóa giờ đây như ngọn đèn trước gió, không biết sẽ tắt lúc nào.
Nhưng, bản thân chị đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, cái chết không còn làm chị bận tâm, suy nghĩ, mà sự lo lắng nhất, đau đớn nhất là 2 đứa con thơ dại của chị rồi đây sẽ nương tựa vào ai.
Trên giường bệnh, hàng ngày chứng kiến con thơ lầm lũi nhặt nhạnh từng hạt thóc, mò từng con cá, con cua nhưng vẫn không đủ lót dạ mà lòng chị quặn đau.
Mẹ con chị Loan hơn lúc nào hết rất cần có sự chia sẻ của cộng đồng và các mạnh thường quân.
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, nhà nghèo, nên hơn 30 tuổi đầu mà chị Loan vẫn không thể nào tìm cho mình một tổ ấm. Để kiếm miếng ăn, chị phải bươn trải khắp nơi, ai thuê gì chị cũng không nề hà.
Chị gặp người chồng đầu tiên của mình ở tận huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa. Biết anh thần kinh không bình thường, nhưng ở hoàn cảnh như vậy đã không cho chị có sự lựa chọn.
Chị nhắm mắt kết hôn cùng anh với mong muốn khi đã có gia đình, bệnh tình của anh sẽ đỡ hơn. Tuy nhiên, sự mong muốn của chị lại hoàn toàn ngược lại, không những thần kinh không ổn định mà chồng chị suốt ngày rượu chè và đánh đập chị.
Năm 1999, chị sinh con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Hồng, những tưởng chồng chị sẽ vì con mà bớt đi phần nào, nhưng những trận đòn vẫn tiếp tục giáng xuống đầu chị. Không chịu được, chị đành bế con thơ về quê nương tựa anh em và bố mẹ già.
Đến năm 2008, khi đã ở tuổi 43, nhờ sự mai mối của bà con trong làng, một người đàn ông lớn tuổi (gần 75 tuổi), đã có gia đình, nhưng do gia đình không êm ấm đã tìm đến và xin lấy chị làm vợ.
Nghĩ cảnh con thơ dại, một mình thân cô, thế cô, chị lại tiêp tục nhắm mắt về ở với ông dưới sự chứng kiến của một vài người bà con mà không có sự ràng buộc gì về pháp luật hôn nhân. Do đã có gia đình riêng mãi tận T.N, nên về quê lấy chị, 2 người phải mượn tạm một căn bếp của người bà con ở tạm. Trong căn phòng tồi tàn, ẩm ướt đó, 3 người (cả con riêng của chị) rất vui vẻ, hạnh phúc.
Đến năm 2010, “tình yêu” của 2 ông bà cũng được đền đáp, khi cả 2 người đều lớn tuổi, mà chị vẫn sinh hạ cho ông được một cậu con trai bụ bẫm, kháu khỉnh, trước sự ngạc nhiên của người thân và nhân dân trong làng. “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sinh con được một thời gian ngắn, ông lại phải trở về bên gia đình của mình ở T.N để chăm lo cho vợ, cho gia đình.
Và ở cái tuổi “xưa nay hiếm ấy”, bệnh tật mới bắt đầu phát tác, hành hạ ông, khiến ông không còn thời gian, của cải để chăm lo cho mẹ con chị, từ đấy mọi gánh nặng lại đổ dồn lên đôi vai của người đàn bà bất hạnh này. Và càng bất hạnh hơn, khi đầu năm 2012, chị phát hiện mình bị ung thư vú, phải phẫu thuật cắt bỏ một bên. Qua thời gian điều trị, chạy hóa chất, giờ đây chị như ngọn đèn trước gió, không biết lúc nào tắt.
Trong căn bếp vừa đủ kê một chiếc giường đôi cho cả 3 mẹ con, chị Loan nằm trên giường giọng thều thào: Tưởng lấy và sinh con cho ông ấy, mẹ con tôi sẽ được trông cậy. Nhưng hiện tại, sức khỏe của ông cũng rất yếu rồi, không biết còn sống được bao lâu. Khi chưa mắc căn bệnh quái ác này, tôi còn trồng lúa, trồng rau, còn ra đồng mò con tôm, con tép, nên dù nghèo, các con tôi vẫn còn có bát cơm mà ăn. Nhưng từ khi bị bệnh, tôi không còn cả sức để lo cho bản thân, chứ đừng nói lo được cho ai, mọi việc đều phải dựa vào cháu Hồng, đứa con tội nghiệp của tôi.
Vừa nói chị Loan vừa khóc, những giọt nước mắt cơ cực, tủi hờn của chị như cứa vào tim tôi: Tôi còn sống được bao lâu nữa chú!? Chỉ thương cho các cháu nhà tôi, chúng còn quá thơ dại, đã không được cha chăm sóc, giờ mà mất mẹ thì các cháu sẽ ra sao? Vừa rồi cháu Hồng cứ nằng nặc bỏ học để đi làm ăn xa, chỉ thương cháu còn quá nhỏ, cháu biết làm gì đây hả chú?
Mẹ chết 2 con thơ sẽ ra sao?
Do điều kiện gia đình cũng khó khăn nên anh Lê Bá Thọ (Thôn 2, xã Thiệu Vân) cũng phải bôn ba vào tận Nghệ An để mua bán phế liệu. Thương cảnh 3 mẹ con côi cút, không nhà cửa, anh Thọ mới bàn với gia đình cho 3 mẹ con mượn tạm căn bếp của gia đình lấy chỗ sinh hoạt.
Anh Thọ cho biết: "Nói thật, chúng tôi cũng muốn giúp 3 mẹ con chị Loan, nhưng bản thân gia đình tôi còn lo chưa xong, thì làm sao có thể lo cho ai được. Cho 3 mẹ con chị ở tạm căn bếp của gia đình, biết là bất tiện trong sinh hoạt của gia đình, nhưng không cho họ ở thì không biết 3 mẹ con họ sẽ sống ở đâu, rồi họ đi đâu, về đâu, hay là lại lang bạt đầu đường, xó chợ. Nhiều người trong gia đình cứ bảo không cho mẹ con họ ở nữa vì chị Loan không biết có cầm cự được mãi không, sức khỏe hiện tại của chị rất yếu, nếu lỡ may chết ở nhà tôi thì sao? Nhưng tôi thấy nếu làm như vậy thì thật thất đức và tội nghiệp cho mẹ con họ".
Trong căn bếp chật chội, ẩm thấp của gia đình anh Thọ, gia tài của cả 3 mẹ con ngoài góc học tập của cháu Hồng là sáng sủa, gọn gàng, ngoài ra chẳng có gì là đáng giá. Biết được hoàn cảnh của gia đình mình, cháu Hồng tỏ ra rất chăm chỉ, ngoài giờ đi học, cháu lại về giúp mẹ chăm em, chăm sóc sức khỏe cho mẹ; khi nào rảnh rỗi em lại ra đồng bắt cua, bắt ốc, nhặt từng hạt thóc vãi, những bông lúa sót lại ở ruộng để làm thức ăn cho cả nhà. Mặc dù nghèo đói, nhưng cháu vẫn ham học và học rất khá, được bạn bè, thầy cô quý mến. Hiện tại cháu đã học xong lớp 9, nhưng do hoàn cảnh gia đình nên cháu không dám học nữa.
Không người chăm sóc, phải tự lập và lo cho mẹ, cho em từ nhỏ, nên Hồng cũng bản lĩnh, già dặn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Khi hỏi về ước mơ của mình, với gương mặt ương ngạnh, tưởng rằng em sẽ không sao, nhưng đột nhiên em òa khóc nức nở, đứa em thơ thấy chị khóc cũng khóc theo, làm chúng tôi hết sức bối rối.
Rất may, khi nghe tiếng khóc, bà Nguyễn Thị Thảo, hàng xóm kế bên tưởng mẹ các cháu có chuyện chẳng lành chạy sang, khi hiểu được sự tình bà cho biết: "Đến khổ chú ạ! Con Hồng nó rất ham học và nguyện vọng của cháu cũng chỉ muốn được tiếp tục đi học thôi. Nhưng chú thấy đấy, với hoàn cảnh của cháu thì học hành làm sao được. Mẹ thì ốm đau, em thì nhỏ dại, cơm còn không đủ ăn nữa chứ đừng nói gì đến chuyện học hành. Đấy, mỗi lần mẹ các cháu đi truyền hóa chất ngoài Hà Nội, bà con lối xóm lại phải góp tiền giúp bà Loan chút ít gọi là vé xe, vé tàu đi đường, còn tiền thuốc men, cơm nước lại phải nhờ các bác sỹ ngoài bệnh viện, chứ 3 mẹ con họ thì làm gì ra tiền mà chữa bệnh. Cách đây mấy ngày thôi, để có tiền lấy thuốc, bà Loan phải bán cả con chó mẹ đang nuôi con, chúng tôi thấy mà thương".
Vừa trò chuyện, bà Thảo vừa vỗ về, động viên Hồng. Chưa hết khóc, em vừa mếu máo, vừa nói: "Chú ơi, lỡ may mẹ cháu chết thì cháu biết làm sao hả chú? Chú Thọ có cho chúng cháu ở nhờ nữa không? Chị em cháu rồi đây sẽ sống ra sao hả chú… Thốt được vài lời đó, em lại ôm mẹ, ôm em mà khóc và rồi cả 3 mẹ con họ đều khóc khiến chúng tôi và bà Thảo không dám ở lại.
Gạt nước mắt, chị Loan cố nói bằng giọng yếu ớt: "Nhiều hôm, trong người tôi rất yếu, tưởng sẽ không qua khỏi. Những lúc đó tôi lại nghĩ “nếu mà chết ở đây thì không được, không thể phụ lại lòng tốt của gia đình chú Thọ và nếu chết như thế này thì 2 con tôi sẽ ra sao, các cháu sẽ ở đâu và nương tựa vào ai”!?. Số tiền vay của anh em, làng xóm hơn 50 triệu đồng để chữa bệnh còn chưa trả được đồng nào, khi chết đi, các con tôi sẽ xoay sở thế nào. Vì thế, tôi đã nhiều lần làm đơn xin chính quyền xã Thiệu Vân giúp đỡ, cho mẹ con tôi mượn một mảnh đất, để mẹ con tôi dựng tạm túp lều ở tạm. Và nếu có chết thì tôi cũng chết ở đấy và 2 con tôi cũng còn có chỗ thờ cúng, nương tựa vào nhau mà sống. Nhưng mang đơn lên gặp chú chủ tịch xã thì chú hướng dẫn xuống gặp ông chính sách xã, gặp ông chính sách rồi thì ông lại hướng dẫn gặp chú địa chính xã, gặp chú địa chính thì chú cũng không biết phải làm thế nào. Chẳng biết hỏi ai, tôi lại mang đơn xuống Phòng Lao Động thương binh xã hội TP.Thanh Hóa, nhưng họ cũng yêu cầu xã phải xác nhận và đề xuất giải quyết".