Nghìn đô vào lớp 1: Không có bằng chứng

Ngày 15/06/2013 08:41 AM (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống (Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội),nếu báo chí nêu được trường hợp cụ thể nào đã nhận tiền của phụ huynh thì theo phân cấp quản lý sẽ có cách thức xử lý đúng quy định.

Tuyển sinh lớp 1 và mầm non trên địa bàn Hà Nội sẽ bắt đầu từ ngày 1/7 tới đây. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm này, nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 tỏ ra khá lo lắng khi lượng học sinh năm nay tăng lên do hệ lụy của năm "Heo Vàng 2007". Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hiệp Thống (Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội) về các vấn đề liên quan.

Không gây căng thẳng và bức xúc

Xin ông cho biết, một số thông tin về tình hình tuyển sinh lớp 1 và mầm non năm học 2013- 2014 trên địa bàn Hà Nội?

Ngay từ giữa tháng 3/2013, Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội báo cáo về hướng dẫn công tác tuyển sinh 2013-2014, thành phố đã phê duyệt. Giáo dục thủ đô là địa bàn có số học sinh đông đảo, thêm nữa năm học tới là hệ quả của năm “Heo vàng 2007”. Vì vậy, số lượng học sinh vào lớp 1 tăng hơn 11.000 so với năm ngoái nên tổng số học sinh vào lớp 1 của thành phố khoảng 125.000 học sinh. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa  là do hệ lụy của tình trạng nhập cư vào nội đô, điều này cũng là tình trạng chung ở một số thành phố khác như Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng.Về mầm non, số học sinh có tăng nhưng không có gì bất thường. Trước hết, ưu tiên 100% học sinh mầm non 5 tuổi được học tại trường công lập.

Với số học sinh vào lớp 1 tăng như vậy, ngành giáo dục cũng như thành phố Hà Nội đã có những biện pháp gì để giảm bớt áp lực?

Thành phố chỉ đạo đối với công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2013 -2014 không được gây căng thẳng, bức xúc cho cha mẹ học sinh. Để làm được điều đó, Hà Nội có mục tiêu 3 tăng – 3 giảm (3 tăng bao gồm chất lượng tuyển sinh, cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyển sinh, tăng quy mô tuyển sinh. Còn 3 giảm là giảm sĩ số học sinh trên lớp, giảm số lớp ở những trường có quy mô quá lớn, giảm tình trạng học sinh trái tuyến). Ngành giáo dục - đào tạo Hà Nội chỉ đạo các quận huyện xây dựng kế hoạch tuyển sinh, rà soát số học sinh trên địa bàn để lên phương án phân tuyến tuyển sinh phù hợp.

Điểm mới của công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2013-2014 trên địa bàn Hà Nội là gì, thưa ông?

Điểm mới của năm nay là yêu cầu 4 rõ, công khai minh bạch các nội dung tuyển sinh trên Website của Sở Giáo dục - Đào tạo và phòng Giáo dục – Đào tạo các quận huyện. Cụ thể, 4 rõ bao gồm rõ về chỉ tiêu tuyển sinh, tuyến tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, thời gian tuyển sinh.  

Thời gian gần đây có một phóng sự trên truyền hình nói về việc một trường tiểu học ở Sóc Sơn dự định sẽ cải tạo phòng chức năng thành phòng học vì sĩ số học sinh dự kiến tăng trong niên học 2013-2014. Theo ông, tình trạng này có phải là phổ biến?

Trên địa bàn Thủ đô, nếu tính đại trà thì sĩ số học sinh từ 35-40 học sinh/lớp. Tuy nhiên ở từng thời điểm và địa điểm thì sĩ số có thể lên 55-60 học sinh/lớp đối với những khu vực đông dân cư. Tại Sóc Sơn, năm học 2013-2014, số lượng học sinh vào lớp 1 tăng gần 2.000 so với năm ngoái. Tại một số điểm trường, do dân cư quá đông phải dành một phần cơ sở vật chất nhất định là phòng chức năng để làm phòng học, tình trạng đó không có nhiều.

Chúng tôi cho rằng trong điều kiện trước hết phải đảm bảo chỗ học cho học sinh vào lớp 1 thì đó cũng là một cách làm. Sau này, khi đầu tư xây dựng thêm phòng học thì Sóc Sơn là một trong những địa phương được quan tâm để đảm bảo cơ sở vật chất vì đây là huyện còn gặp nhiều khó khăn.

    Nghìn đô vào lớp 1: Không có bằng chứng - 1

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội

Ông có thể cho biết, trong đợt tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2013-2014 tới đây, những địa bàn nào tại Hà Nội sẽ chịu áp lực về số học sinh đông nhiều nhất?

Thông thường các khu vực nội thành như quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân…có số học sinh đông hơn cả. Tuy nhiên, theo báo cáo, các phòng Giáo dục – Đào tạo trên địa bàn Hà Nội đã điều tra kỹ số lượng học sinh vào lớp 1 để phân tuyến tuyển sinh phù hợp tránh để xảy ra trường hợp học sinh không có chỗ học.

Theo ông, năm nay Hà Nội liệu có tái diễn tình trạng xếp hàng, thức trắng đêm nộp hồ sơ cho con vào học mầm non nữa không?

Tất cả lãnh đạo quận, huyện cam kết không để xảy ra tình trạng thức trắng đêm nộp hồ sơ cho con. Tôi khẳng định, 100% trẻ 5 tuổi được học tại các trường công lập sau đó mới xét đến các cháu 4 tuổi. Với trẻ 5 tuổi không phải bốc thăm, nếu trường mầm non trên địa bàn không có cơ sở vật chất đáp ứng hết nhu cầu học của trẻ 5 tuổi sẽ được chuyển sang địa bàn lân cận.

Chưa nhận được bằng chứng về chạy trường tốn nghìn USD

Trong những năm qua, tình trạng học sinh trái tuyến khiến nhiều trường không khỏi đau đầu. Ông có thể cho biết, nguyên nhân của vấn đề này?

Ngành giáo dục không cấm học trái tuyến, chỉ có trong mục tiêu 3 giảm có nhắc đến việc giảm học sinh trái tuyến. Nhu cầu học trái tuyến có thể do bố mẹ muốn con học gần chỗ làm để tiện đưa đón vì không có  ông bà hay người giúp việc. Hoặc một số trường hợp có nhà gần ngay trường nhưng không thích cho con học do trường gần chợ, nằm trong ngõ hẹp. Một nguyên nhân nữa là phụ huynh rỉ tai nhau trường này tốt, trường kia có nhiều giáo viên tốt…  tạo nên tình trạng trái tuyến.

Theo ý kiến của tôi, thiệt thòi lớn nhất là phía các em học sinh khi phải học trái tuyến. Bởi, học sinh tiểu học đang ở lứa tuổi học mà chơi, chơi mà học nhưng khi học trái tuyến có khi phải thức dậy lúc 6h sáng, vội vã đánh răng, rửa mặt để đi cùng cha mẹ, cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Mùa đông rét mướt, mùa hè nắng bụi phải ngồi xe đi học 5-7km rất vất vả

Liệu năm nay vấn đề học trái tuyến có căng thẳng không, thưa ông?

Tăng số lượng học sinh đầu vào thì không chỉ trái tuyến mà đúng tuyến cũng căng thẳng. Vì vậy, việc cần kíp là tăng cường cơ sở vật chất để tiếp nhận học sinh. Với các trường hợp trái tuyến, hiệu trưởng không có quyền tiếp nhận mà phải thông qua hội đồng tuyển sinh của địa phương để xem xét.Với Hà Nội cũng như các tỉnh khác, năm học nào cũng có nhu cầu về học trái tuyến.

Một số bài báo có nêu lên thực trạng chi hàng nghìn USD chạy cho con vào lớp 1 ở trường tốt. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Việc này báo chí cũng đã nói nhiều, nếu báo chí nêu được trường hợp cụ thể nào đã nhận tiền của phụ huynh thì theo phân cấp quản lý sẽ có cách thức xử lý đúng quy định. Cá nhân tôi cho rằng, không có hiệu trưởng nào dại dột mang phẳm chất nhà giáo và  vị trí của mình đi vòi vĩnh đồng tiền của phụ huynh.Tuy nhiên, tôi e ngại có các đối tượng môi giới làm cho công tác tuyển sinh căng thẳng và phức tạp. Nhiều năm nay, tại Hà Nội, việc tuyển sinh thực hiện thông qua hội đồng tuyển sinh từng địa phương nên không có cá nhân nào được quyền tiếp nhận hồ sơ của học sinh.

Về chuyện chạy vào lớp 1 tốn chi phí nghìn USD, nếu phản ánh bằng chứng thực tế và cụ thể thì chúng tôi rất hoan nghênh. Nếu nhận được bất cứ một phản ánh nào về vấn đề này sẽ có biện pháp xử lý theo quy định.

Hà Nội không có trường điểm

Có một số phụ huynh vẫn rỉ tai nhau về trường điểm ở Hà Nội, ông có thể cho biết thực hư vấn đề này như thế nào?

Chúng tôi chưa hề nói về trường điểm và Hà Nội cũng không có trường điểm. Tại Hà Nội, hiện đang xây dựng mô hình trường chất lượng cao và chờ thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố có những trường tốt về cảnh quan sư phạm, đường đi lối lại,  đội ngũ giáo viên giỏi… cho nên ngành giáo dục thường xuyên có sự luân chuyển cán bộ, học tập kinh nghiệm và đào tạo bồi dưỡng chất lượng giáo viên.

Hiện nay, một bộ phận phụ huynh vẫn cho con học trước chương trình, rèn viết chữ đẹp tại nhà hoặc đến các trung tâm gia sư khi chuẩn bị vào lớp 1. Với tư cách là một người làm trong nghề giáo dục, ông có lời khuyên như thế nào về vấn đề này?

Chúng tôi khuyên các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 không nên cho con học trước chương trình. Bởi, khi trẻ vào lớp 1 sẽ được làm quen chữ cái, cách cầm bút, vị trí ngồi… nếu đã học trước sẽ khiến trẻ mang tâm lý chủ quan, nhàm chán. Thậm chí,  có những học sinh đã được học trước, về sau lại không bằng các bạn học nghiêm túc từ đâu. Việc tạo nề nếp biết rồi là điều không nên, ngày hè nên cho các cháu nghỉ ngơi.

Theo Anh Minh (khampha.vn)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tuyển sinh lớp 1