Mặc dù chỉ là cuộc kiểm tra nhận thức cho trẻ vào lớp 1 nhưng nhiều phụ huynh và học sinh tỏ ra khá lo lắng.
Sáng 26/5, trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn (Hà Nội) bắt đầu kiểm tra nhận thức đợt 1 cho trẻ vào lớp 1 năm học 2013 -2014. Vì là ngày nghỉ cuối tuần nên nhiều bố mẹ cùng sắp xếp thời gian để đưa con tới trường.
Tấp nập "xế" đẹp
Trong buổi sáng nay, nhiều phụ huynh đưa con đi thi bằng xe hơi. Ngoài ra, một số phụ huynh khác chọn taxi làm phương tiện đi lại,để di chuyển được nhanh hơn. Với những người sống trong khu đô thị Mỹ Đình ngay gần trường thì đi bộ là lựa chọn hàng đầu.
Theo lịch báo trước, 7h sáng mới bắt đầu kiểm tra nhận thức nhưng từ 6h15’ khá đông phụ huynh đã đưa con đến trường. Thậm chí, không ít học sinh còn tranh thủ uống sữa, ăn bánh mì cho bữa sáng ngay trước giờ kiểm tra.
Theo quan điểm của trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn, đây không phải là cuộc thi mà chỉ là kiểm tra nhận thức của trẻ. “Trường không kiểm tra bất cứ cái gì liên quan đến học sinh lớp 1, chỉ kiểm tra nhận thức, phát âm và cảm quan về sức khỏe. Hiện nay, nhiều phụ huynh thích cho con đi thi nhiều trường vì cho rằng để thử sức, nhưng thực ra lại gây áp lực cho con. Có một số trường có rất đông học sinh tham gia kiểm tra nhưng thực tế nhu cầu vào trường không nhiều”, cô Lý Thị Sơn (Phó hiệu trưởng – Trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn) cho biết.
Được biết, năm học 2013 – 2014, số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào lớp 1 của trường khoảng hơn 700. Số lượng dự kiến tuyển 12-14 lớp với tổng số học sinh khoảng 400 - 500 học sinh.
Dưới đây là một số hình ảnh sáng 26/5 tại trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn
Nhiều gia đình đưa con đến trường để kiểm tra nhận thức bằng xe hơi.
Trời lất phất mưa nên việc đưa đón bằng xe hơi cũng là để đảm bảo cho sức khỏe của các bé.
Những dòng xe hơi nối đuôi nhau đưa các bé đến trường để kịp giờ kiểm tra.
Xe phụ huynh đưa con đến trường xếp quanh khu vực quanh trường Lê Quý Đôn.
Một số phụ huynh chọn phương tiện taxi để đưa con đến trường
Một bé gái vội vã xuống taxi cho kịp giờ.
Vì là ngày nghỉ cuối tuần nên nhiều bố mẹ cùng đưa con đến trường.
Các bé tranh thủ ăn sáng ngay tại cổng trường cho kịp giờ.
Hai em bé đang trò chuyện cùng nhau trước giờ kiểm tra
Có bé tỏ ra rất tự tin và thoải mái.
Nhưng nhìn chung, tâm lý của phụ huynh lẫn các bé đều khá lo lắng.
Gương mặt suy tư của một bà mẹ trong lúc chờ đợi con.
Nhiều phụ huynh khác cũng tỏ ra khá căng thẳng trong lúc đợi kết quả kiểm tra.
Những bé đầu tiên hoàn thành phần kiểm tra bước ra với nụ cười tươi.
Phụ huynh chuẩn bị trước nhiều tháng
Mặc dù, chỉ là kiểm tra nhận thức về phát âm, nhận thức nhưng trước khi con vào lớp 1, hầu hết phụ huynh đều trang bị thêm cho trẻ kiến thức về tư duy, logic, tiếng Việt và tập đọc. Không ít gia đình, thuê gia sư về kèm tại nhà, cho con tham gia các lớp học làm quen với lớp 1 tại trường mầm non hoặc kèm cặp thêm để con tự tin hơn…Tuy nhiên, thời gian học cũng không quá gò bó, chỉ học thêm từ 1-2 tiếng mỗi tuần.
Anh Thắng (Phố Hoàng Hoa Thám – Hà Nội) tranh thủ đọc báo “giết” thời gian trong lúc chờ đợi con thi ngay cạnh cổng trường nhưng không giấu được sự lo lắng.
Theo lời anh Thắng, từ cách đây 6 tháng, con gái anh đã tập đọc, tập đếm, viết. Anh còn tìm gia sư về kèm riêng tại nhà cho con vào thứ 2 và thứ 6 từ 17h-19h.
Anh Thắng chia sẻ: “Hiện nay, vào lớp 1 thấy căng thẳng quá, vì trẻ lần đầu tiên đi học, cắp sách đến trường nên còn nhiều bỡ ngỡ. Bản thân bố mẹ hay các cháu đều lo lắng. Bố mẹ thì lo không biết con có đỗ không, còn với các cháu thì sợ sệt, khá bối rồi vì tiếp xúc với môi trường mới. Cháu nhà tôi thường tâm sự rằng rất lo lắng và không biết con có vượt qua kiểm tra được không…”.
Trong khi đó, để con có được kiến thức tốt nhất, gia đình anh Hùng (N01 – Khu đô thị mới Mỹ Đình, Hà Nội) lại tìm gia sư để kèm thêm môn tư duy logic. Tính chất công việc bận rộn kèm theo sự kiễn nhẫn có giới hạn, nên vợ chồng anh cậy nhờ gia sư chỉ bảo thêm cho cháu trước khi vào lớp 1.
Anh Hùng không mong con sẽ đạt giải cao trong các kỳ thi, bởi điều anh mong muốn là con trở thành người nhanh nhẹn. Hiện nay, vị phụ huynh này đang công tác trong một công ty đa quốc gia tại Việt Nam. Từ thực tiễn làm việc, bản thân anh nhận thấy người nước ngoài có thể không sâu sắc kiến thức về toán, lý hóa… nhưng lại tự tin khi giao tiếp.
Anh Hùng cho biết: “Ngoài kiến thức, thì những ngày gần đây, mẹ cháu cũng chú ý chăm lo chuyện ăn uống, bồi dưỡng cho cháu. Thêm nữa vấn đề tài chính để đầu tư cho việc học hành là chặng đường dài. Cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra khiến bố mẹ nào khi cho con vào học trường dân lập cũng phải suy nghĩ về vấn đề tài chính. Bản thân gia đình tôi nhận thấy việc kiếm tiền giờ khó khăn hơn”.