Công trình gỗ lim lớn nhất tại Việt Nam không chỉ gây ấn tượng với kiến trúc độc đáo mà còn khiến du khách choáng ngợp với nhiều hạng mục nội thất dát vàng thật có trị giá gần 40 tỷ đồng.
Chính điện Lam Kinh (thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) sau 10 năm tu sửa đã chính thức mở cửa đón khách du lịch tham quan, chiêm ngưỡng. Các thợ sửa chữa đã dần phục dựng và tái hiện phần nào diện mạo trước đây công trình này. Trong đó, Chính điện Lam Kinh là một trong những công trình kỳ vĩ lớn nhất bằng gỗ lim tại Việt Nam với nhiều hạng mục bên trong là đồ vật dát vàng.
Phía trước Chính điện Lam Kinh
Theo ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng ban quản lý khu di tích Lam Kinh cho biết: “Chính điện Lam Kinh được phục dựng vào năm 2010 theo đúng quy mô kích thước và kiến trúc thời xưa. Đến nay khoảng 21 hạng mục gồm: Chính điện Lam Kinh và các lăng mộ, nhà bia, các tòa Thái miếu, Nghi môn, sân Rồng, thềm Rồng, cầu Bạch, đền thờ Lê Lai và một số hạng mục như hồ Như Áng, giếng cổ, sông Ngọc, cảnh quan thiên nhiên... đã được tu bổ, tôn tạo và bảo vệ với kinh phí lên đến hàng trăm tỉ đồng. Kinh phí này được huy động từ ngân sách và các nguồn xã hội”.
Toàn cảnh Chính điện Lam Kinh - công trình gỗ lim kỳ vĩ nhất Việt Nam
Bên trong chính điện gồm 3 tòa nhà lớn được xây dựng trên nền đất rộng theo kiểu kiến trúc hình chữ Công. Có tổng cộng 3 tòa nhà, 19 gian và 4 chái. Ông Sỹ chia sẻ: “Công trình kiến trúc gỗ ở khu trung tâm, có quy mô lớn nhất Lam Kinh và được xem là công trình bằng gỗ lim lớn nhất Việt Nam hiện nay. Chính điện có 138 cột, đều làm bằng gỗ lim có đường kính lớn”.
Khi tham quan du khách không chỉ ngỡ ngàng bởi cột gỗ lim lớn mà còn choáng ngợp trước đồ thờ vật dụng được dát bằng vàng thật vô cùng nguy nga tráng lệ. Toàn bộ nội thất bên trong được phủ vàng với kinh phí lên tới 40 tỷ đồng. Hiện nay vẫn đang hoàn thiện và phủ vàng bên trong phía hậu cung.
Nội thất dát vàng tại khu giữa Chính điện Lam Kinh
Theo lịch sử ghi lại, Lam Kinh xưa vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi. Đây là vị vua có công lớn trong việc chiêu mộ hiền tài, quy tụ nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược (1418-1427).
Đến năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê và đóng đô ở kinh thành Thăng Long, lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt.
Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh. Theo đó, các cung điện hay miếu … đều được xây dựng tại đây. Các công trình này chủ yếu phục vụ là điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cũng bái tổ tiên và nơi ở của quan lại, quân lính thường trực trông coi Lam Kinh. Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính là điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời là khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.
Sau quá trình tu sửa thời gian dài đến nay, Chính điện Lam Kinh chính thức mở cửa vào dịp tết Nguyên Đán năm 2022. Bước chân vào đây, du khách đã choáng ngợp trước vẻ đồ sộ kỳ vĩ bên trong của công trình như 138 cột gỗ lim nguyên khối, 1 cây “lim” hiến thân được hạ từ rừng Lam Kinh. Bên cạnh đó, còn tương truyền nhiều câu chuyện ly kỳ gắn liền với thời kỳ anh hùng dân tộc Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược).
Hơn nữa, bên trong Chính điện còn có nhiều hạng mục nội thất làm bằng vàng thật như ngai vàng, bàn làm việc… với số lượng vàng rất lớn. Khu Di tích này được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2013.
Dưới đây là một số hình ảnh cận cảnh bên trong Chính điện Lam Kinh:
Chính điện được xây dựng trên nền đất rộng
Chính điện được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim
Họa tiết hình rồng được điêu khắc tinh xảo trên xà và cánh cửa vào Chính điện
Khu tiền điện
Các nội thất được trạm trổ dát vàng
Bên trong chính điện các du khách không chỉ lóa mắt về nội thất dát vàng mà công trình kiến trúc vô cùng độc đáo.
Toàn bộ nội thất của chính điện được phủ dát vàng với kinh phí gần 40 tỷ đồng.
Vẻ đẹp tráng lệ của ngai vua được phủ vàng từ trong ra ngoài
Ngai vàng của vua
Các họa tiết hình rồng được chạm trổ và dát vàng
Khung cảnh bên trong Chính điện
Các đồ thờ vật dụng đều được sơn son thếp vàng
Đến nay nhiều công trình được phục dựng và công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt