Không chỉ rộng nhất trong khu phố cổ, ngay tên gọi của ngôi đình này cũng toát lên sự giàu sang và được đặt trên con phố san sát những cửa hàng vàng bạc.
Với chiều dài chỉ hơn 300 mét nhưng phố Hàng Bạc từ xưa đến nay luôn là con phố sầm uất trong phố cổ nói riêng và Hà Nội nói chung. Đúng theo tên gọi, con phố này chủ yếu buôn bán mặt hàng vàng và bạc. Ngoài những loại mặt hàng được sản xuất, đúc đóng theo kiểu công nghiệp thì nơi đây vẫn còn một số người nhận chế tác, sửa chữa vàng và bạc theo yêu cầu của khách.
Phố Hàng Bạc năm 1883 (ảnh chụp lại từ tư liệu) và thời điểm hiện tại vẫn luôn có những cửa hàng buôn bán, chế tác vàng san sát nhau.
Theo một số hộ buôn bán vàng bạc lâu năm tại đây chia sẻ, sở dĩ việc buôn bán được thuận lợi là do tổ nghề phù hộ và để tưởng nhớ công ơn, hàng tháng cứ vào ngày Rằm hay Mùng 1 đầu tháng những người dân sinh sống lâu năm tại đây lại dâng hương cho tổ nghề.
“Ngay trên con phố Hàng Bạc này có một ngôi đình tên là Đình Kim Ngân, đó là nơi thờ tổ bách nghệ và người có công đưa nghề chế tác vàng bạc về lập dựng tại đây từ xa xưa. Nhiều khách thăm quan đến họ nói rằng, chỉ cần nghe tên đình là đã thấy sự giàu có, tiền bạc. Cùng với đó, ngôi đình lại đặt trên con phố buôn bán vàng bạc nổi tiếng nên nhiều người khi đến đây thường hay lui tới thăm quan, thắp hương”, bà Lan – một người dân buôn bán vàng bạc lâu năm ở phố Hàng Bạc chia sẻ.
Đình Kim Ngân đã được xếp hạng cấp Quốc gia, nơi đây thờ ông tổ bách nghề và người đưa nghề đúc bạc về đây từ thời Hậu Lê.
Tìm đến Đình Kim Ngân, ông Vũ Văn Tính – thủ từ đình Kim Ngân (người trông coi đình) cho biết, đây là ngôi đình lớn nhất trong phạm vi phố cổ và được rất nhiều khách trong nước, nước ngoài tìm đến thăm quan. “Người dân sinh sống tại đây họ chỉ đến thắp hương vào ngày đầu tháng, giữa tháng hay dịp lễ, tết. Còn khách thập phương họ đến quanh năm, nhất là người buôn bán, họ đến thành kính dâng hương mong việc làm ăn được thuận lợi, kiếm thật nhiều tiền”, ông Tính chia sẻ.
Theo ông Tính, ngôi đình đặt ở phố Hàng Bạc, lại thờ tổ nghề nên trước đây nhiều người buôn bán, chế tác vàng bạc còn mang cả vàng thật đến để dâng cúng mỗi dịp lễ tết. Sau đó, ban quan lý lo ngại vấn đề mất an ninh trật tự và trộm cắp nên đã không đồng ý mang hiện kim vào đình để cúng, mà chỉ mang những lễ vật theo truyền thống như bánh kẹo, hoa quả, vàng hương…
Ông Tín cho biết, trước có nhiều người mang cả vàng đến dâng cúng nhưng giờ ban quản lý đã cấm không cho thực hiện điều này.
“Trước có nhiều người mang vàng đến dâng cúng, xong họ để luôn tại đây không ai mang về nên việc quản lý cũng khó khăn. Gần đây vẫn có người mang vàng đến dâng cúng, dù đó chỉ là những sản phẩm mạ vàng 24k nhưng ban quản lý không cho phép để lên ban thắp hương nên họ cũng để lại ở đình luôn chứ không mang về. Chúng tôi cũng không dám dọn bỏ, nên cất lại ở đình”, ông Tính chia sẻ.
Chia sẻ về việc cúng vàng thật trong đình Kim Ngân, một cụ cao niên sinh sống và buôn bán vàng trên con phố Hàng Bạc cho biết, điều này là không nên và chỉ những người ở đâu về buôn bán mới làm vậy, còn với người sống lâu năm, gốc ở đây không ai cúng vàng thật.
Cụ ông này cho biết, việc dâng cúng cốt ở tấm lòng và bản thân phải thành tâm, nhằm mục đích tưởng nhớ đến người đã tạo dựng nên nghề đúc bạc, từ đó kiếm kế sinh nhai cho con cháu sau này, chứ không cần thể hiện bằng vật chất hay buôn bán gì dâng cúng cái đó.
Đình Kim Ngân được nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước đến tham quan, thắp hương.
Được biết, đình Kim Ngân được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ ông tổ bách nghệ (tổ trăm nghề) Hiên Viên. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, đình Kim Ngân có từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI do ông Lưu Xuân Tín người làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương làm quan Thượng thư bộ Lại thời Vua Lê Thánh Tông đã đưa cả làng ra đây làm nghề đúc bạc cho triều đình và xây dựng nên. Sau đó làng Châu Khê có tới nửa số dân đã lên cư trú tại đây. Sau này, để tỏ lòng biết ơn với ông Lưu Xuân Tín - người đã giúp dân Châu Khê lập nghiệp tại kinh thành xưa nên mọi người đã lập tượng thờ ông trong ngôi đền này. Bởi vậy, mọi người còn gọi đình Kim Ngân là đình hai ông.