Sử sách chép rằng, làng cổ Lộc Yên được hình thành vào thế kỷ XV - XVI trên vùng gò đồi cao, cảnh quan xanh mát. Vì thế từ xa xưa nó đã được mệnh danh là vùng đất “tiên cảnh phước lộc”.
Mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió luôn khiến người ta phải thương nhớ sau mỗi lần đặt chân tới. Ở nơi đó có một ngôi làng cổ tuyệt đẹp ít người biết nhưng hễ ai đặt chân tới đều có chung cảm xúc ngỡ ngàng giống như lạc vào thế giới cổ tích xưa.
Ngôi làng cổ ấy tên Lộc Yên (Tiên Phước, Quảng Nam) vốn được mệnh danh là làng cổ đẹp như miền đất tiên. “Làng Lộc Yên hội tụ rất nhiều cái đẹp như cảnh tựa chốn tiên cảnh bồng lai, địa hình và khí hậu mát mẻ, mờ mờ ảo ảo dù nằm giữa vùng đất đầy nắng và gió miền Trung. Mình tin chắc rằng ai đặt chân đến đều bị cuốn hút ngay từ lần đầu”, Bích Hiền (26 tuổi) – cô gái đến từ thành phố Hội An cho biết.
Ngôi làng cổ Lộc Yên hội tụ rất nhiều cái đẹp như cảnh tựa chốn tiên cảnh bồng lai, địa hình và khí hậu mát mẻ, mờ mờ ảo ảo.
Sử sách chép rằng, làng cổ Lộc Yên được hình thành vào thế kỷ XV - XVI trên vùng gò đồi cao, cảnh quan xanh mát. Vì thế từ xa xưa nó đã được mệnh danh là vùng đất “tiên cảnh phước lộc”. Hiện làng sở hữu diện tích lên tới 279ha, gồm nhà ở của người dân, ngõ đá, vườn cây và cả cánh đồng lúa thơm ngát. Đặc biệt làng có nhiều họ tộc cùng nhau sinh sống hoà thuận, giữ gìn bàn sắc văn hoá truyền thống lâu đời.
“Sở dĩ làng cổ Lộc Yên được mệnh danh là chốn tiên cảnh bồng lai vì những ngôi nhà ở đây đều được xây dựng với địa thế lưng tựa vào núi, mặt hướng ra đồng lúa bao la và xanh ngát. Đặc biệt, làng ẩn mình trong một thung lũng tròn, bao quanh là các dãy núi, dưới chân núi lại có sông suối nên cảnh sắc nơi này lúc nào cũng bình yên, tươi mát”, Bích Hiền cho hay.
Những ngôi nhà ở đây đều được xây dựng với địa thế lưng tựa vào núi, mặt hướng ra đồng lúa bao la và xanh ngát.
Một điểm đặc biệt khác của làng cổ miền Trung này chính là những ngõ đá độc đáo và lạ kỳ. Theo đó do cấu tạo địa hình ở làng là gò đồi nên từ xa xưa người dân địa phương đã sử dụng đá xếp hai bên ngõ tạo thành những bờ rào đá vững chắc quanh vườn nhà, đồng thời là giải pháp để giữ cho bờ đất không bị mưa lũ làm xói mòn. Ngoài ra nó còn giúp phân chia ranh giới những khu vườn một cách tự nhiên, đẹp mắt.
“Người ta còn gọi nơi này là Việt Nam thu nhỏ bởi hội tụ đầy đủ cảnh sắc tuyệt đẹp của khắp 3 miền nước non. Đó là hình ảnh ruộng bậc thang của miền núi Tây Bắc, làng quê cổ kính của Bắc Bộ, sông suối đặc trưng của miền đất Trung Bộ và vườn trái cây Nam Bộ. Do đó chỉ cần khám phá làng cổ, mọi người đã có thể trải nghiệm nhiều cảnh đẹp tuyệt vời”, cô gái xứ Quảng chia sử.
Một điểm đặc biệt khác của làng cổ miền Trung này chính là những ngõ đá độc đáo và lạ kỳ.
Ngôi làng cổ còn được mệnh danh là Việt Nam thu nhỏ bởi hội tụ đầy đủ cảnh sắc tuyệt đẹp của khắp 3 miền nước non.
Và cũng như những làng cổ khác trên dải đất hình chữ S, Lộc Yên có nhiều ngôi nhà cổ với tuổi đời 150 năm được chạm khắc vô cùng tinh xảo, đẹp mắt và cổ kính. “Theo mình tìm hiểu, ở làng cổ Lộc Yên có 8 căn nhà cổ được làm bằng gỗ mít, thiết kế 3 gian và 2 chái theo kiểu nhà rường. Mỗi nhà là một quần thể mang đậm giá trị về mỹ thuật, bao quanh bởi vườn cây xanh mát, có không khí trong lành, an nhiên và thơ mộng.
Trong đó có ngôi nhà cổ có tuổi đời gần 200 năm tuổi, thuộc sở hữu của gia đình ông Đình Sưu. Ngày xưa Ngô Đình Diệm từng ngỏ ý mua lại ngôi nhà này nhưng gia chủ không bán. Hiện nay nó trở thành địa điểm được nhiều du khách thường xuyên ghé tới”, Bích Hiền tiết lộ.
Lộc Yên có nhiều ngôi nhà cổ với tuổi đời 150 năm được chạm khắc vô cùng tinh xảo, đẹp mắt và cổ kính.
Không chỉ vậy, làng cổ Lộc Yên còn có nhiều vườn trồng cây ăn trái, quế chè, tiêu… Đây là ngành nghề chính của người dân địa phương. Họ từ bao đời nay sống dựa vào việc trồng trọt, phát triển kinh tế làng quê. Đặc biệt chính các loại cây này góp phần tạo nên khung cảnh êm ả, đậm chất làng quê của làng cổ.
Không chỉ vậy, làng cổ Lộc Yên còn có nhiều vườn trồng cây ăn trái, quế chè, tiêu…
Tháng 9/2019, làng cổ Lộc Yên được xếp hạng Di tích quốc gia, trở thành điểm đến hấp dẫn bao người khi đặt chân đến Quảng Nam. Nhờ đó người dân có thể phát triển du lịch, đem lại nguồn lợi kinh tế không hề nhỏ. “Hiện mỗi năm làng cổ đón hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế ghé thăm. Đây là tín hiệu đáng mừng của người dân quê bao đời sống chân chất và hiền lành”, Bích Hiền nói.