Theo anh Ba, quê hương của anh xưa nay vốn mang nét hoài cổ, truyền thống của làng quê xưa. Làng không hề thay đổi bất cứ thứ gì, từ kiến trúc, lễ hội,… cho đến cách sống của con người dù ngoài kia xã hội phát triển một cách nhanh chóng.
Hà Nội – mảnh đất phồn hoa, tấp nập, dòng người “chạy đua” theo sự phát triển của xã hội lẫn guồng quay cuộc sống. Song cách trung tâm thành phố không bao xa, có một ngôi làng cổ vô cùng thanh bình và yên ả đến khó tin. Đó là làng cổ Đường Lâm (thuộc thị xã Sơn Tây) hay còn được ví như “Cổ trấn bị lãng quên” – nơi vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng xưa: đình làng, cây đa, bến nước, miếu chùa….
Anh Ba (31 tuổi) sinh ra và lớn lên tại làng cổ Đường Lâm cho biết: “Dù khách du lịch gọi là làng cổ nhưng thực chất Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây. Trong đó, 5 làng Mông Phụ, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Cam Lâm và Đông Sàng liền kề nhau. Tất cả gắn kết thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi”.
Một góc của làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Nina May)
Cũng theo anh Ba, quê hương của anh xưa nay vốn mang nét hoài cổ, truyền thống của làng quê xưa. Làng không hề thay đổi bất cứ thứ gì, từ kiến trúc, lễ hội,… cho đến cách sống của con người dù ngoài kia xã hội phát triển một cách nhanh chóng.
“Người dân quê tôi sống chân chất, thật thà và hiếu khách vô cùng. Chỉ cần có người từ xa đến, dân làng chẳng cần biết họ là ai? đến từ đâu?... nhưng vẫn nồng hậu tiếp đón, giới thiệu từng nét cổ kính của làng. Thậm chí dân làng còn mang đặc sản như bánh gai, kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam… ra mời thưởng thưởng”, người đàn ông nói.
Nhắc đến chuyện người dân làng cổ Đường Lâm chủ yếu sống tại địa phương, anh Ba bật cười: “Có người thoát ly, ra ngoài làm ăn và xây dựng sự nghiệp chứ. Song không ít người khi ra ngoài cảm thấy cuộc sống ngột ngạt, bon chen nên quyết định hồi hương để cuộc sống yên bình. Ví dụ như tôi, gần chục năm bươn trải ngoài thành phố rồi nhận ra chẳng đâu bằng quê hương. Do đó tôi đã từ bỏ tất cả để trở về quê, chăn nuôi gà mía – một đặc sản nổi tiếng của làng. Cũng có người về làng duy trì nghề làm chè lam, kẹo dồi… Một số người đẩy mạnh, phát triển du lịch tại làng”.
Khung cảnh quen thuộc khi đặt chân đến làng cổ Đường Lâm.
Dù người dân đi xa làm ăn nhưng cứ đến mùa lễ hội là trở về thăm quê, người thân. Thường lễ hội truyền thống làng Mông Phụ diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 10, được xem là lễ linh thiêng nhất của năm. Lễ tế Thành Hoàng làng tổ chức tại ngôi đình làng cổ nhất với các hoạt động rước kiệu, dâng lợn, dâng gà. Sau đó người dân trong làng sẽ tham gia vào các trò chơi dân gian như cờ người, cờ tướng, chọi gà, bịt mắt bắt vịt,… tạo nên không khí lễ hội vui tươi, náo nhiệt.
6 ngày sau, lễ hội của làng Đông Sàng được tổ chức, cầu cho Quốc thái dân an, mùa màng bội thu với nhiều hoạt động hấp dẫn như múa lân, lễ rước nước, tế lễ. Đoàn rước nước bắt đầu từ đình làng đến bờ sông Hồng với rồng, lân, ngựa, cờ,… kéo dài suốt gần một ngày.
Thường lễ hội truyền thống làng Mông Phụ diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 10, được xem là lễ linh thiêng nhất của năm.
Không chỉ có lễ hội truyền thống, làng cổ Đường Lâm còn có nhiều công trình kiến trúc cổ như cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào năm 1833 với kiến trúc vòm và lớp đá ong tổ bên cạnh cây đa hơn 300 năm tuổi tạo nên một cảnh quan thực sự thanh bình và cổ kính. “Làng Mông Phụ vốn được người đời gọi bằng làng đá ong bởi đi đến đâu cũng thấy những ngôi nhà được làm bằng loại đá này. Và khi bước qua cổng làng, tất cả sẽ choáng ngợp với khung cảnh yên ả đến lạ với những ngôi nhà cổ có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm”, anh Ba nói.
Những ngôi nhà cổ nổi tiếng trong làng cổ Đường Lâm phải kể đến chính là nhà bà Điền, ông Hùng. Cụ thể, ngôi nhà cổ bà Điền có tuổi đời 200 năm mang kiến trúc Bắc Bộ xưa, gồm: 3 gian, bàn thờ đặt chính giữa hướng ra phía cửa, ngoài sân là vườn hoa và những chum rượu lâu đời. Còn nhà cổ ông Hùng được xây dựng từ năm 1649 với 12 đời sinh sống. Nhà có chiếc cổng cổ được xây bằng chất liệu đất đá, bã chấu, bùn để tạo chất kết dính. Ngôi nhà kết cấu theo kiểu 5 gian 2 dĩ, 3 gian giữa là nơi để thờ cúng tổ tiên bên cạnh bài trí là bộ trường kỷ dùng để tiếp khách, 2 gian bên cạnh dùng làm phòng để ngủ, hệ thống cửa cánh phố ở chính giữa ngôi nhà.
Những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm được xây dựng bằng đá ong.
“Những ngôi nhà cổ ở đây hiện vẫn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn những nét tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc Việt. Đặc biệt khách du lịch ghé tới đều được chủ nhà tiếp đón rất nồng hậu, mời uống trà ăn kẹo và trò chuyện như thể đã thân quen từ lâu’, anh Ba tâm sự.
Ở làng cổ có một ngôi đình mang tên Đình Mông Phụ được xây dựng cách đây 380 năm, rộng 1800m2, mang đậm nét kiến trúc Việt - Mường, mô phỏng kiến trúc của nhà sàn với sàn gỗ cách đất. Phía bên trong đình có treo rất nhiều hoành phi câu đối nổi bật. Ngoài ra, tới làng Đường Lâm, chúng ta không thể không nhắc tới nhà thờ giáo họ Mông Phụ - nổi bật giữa hàng trăm mái nhà cổ từ trên cao nhìn xuống.
Khung cảnh thanh bình ở Đường Lâm.
“Có một nét đặc trưng ở làng cổ Đường Lâm mà không ngôi làng cổ nào ở miền Bắc có được, chính là đi quanh khắp các con đường, ngõ nhỏ sẽ bắt gặp nhiều quan nước ven đường. Đây là nơi tiếp đón khách du lịch dừng chân mỗi khi đã mỏi. Mọi người tha hồ lựa chọn đặc sản của làng để thưởng thức mà giá cả rất phải chăng”, anh Ba cho hay.
Người đàn ông tiếp tục tự hào: “Hễ đến tháng 5-6 hàng năm – khi cánh đồng lúa vào độ chín rộ, quê tôi vào ngày mùa cũng là lúc du khách kéo về đây đông nhất. Họ sẽ trải nghiệm cảnh sắc đường trải đầy thóc và rơm khô tạo nên khung cảnh làng quê ấm no, yên bình mà hiếm nơi nào có được”.