“Mả ông thiêng” không chỉ gắn liền với hai chữ “thần tài” mà còn liên quan đến những câu chuyện rùng rợn về việc trách phạt người dám đến xâm phạm cụ ăn xin.
Ở Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội) có một ngôi mộ vô danh vô cùng nổi tiếng với bao giai thoại ly kỳ đến "sởn gai ốc". Người dân tại làng Thanh Trần – nơi toạ lạc của ngôi mộ không biết ngôi mộ là của ai nhưng từ bao đời nay bà con đều gọi là “mả ông thiêng” và đồn thổi mộ xưa giờ không có ai đắp nhưng cứ tự “lớn” dần.
Thực hư chuyện ngôi mộ vô danh “tự lớn” mỗi ngày
Một cụ cao niên ở làng Thanh Trần cho biết, năm 1945, khi xảy ra nạn đói, những người ăn xin vật vờ khắp nẻo đường cũng là thời điểm họ kéo về làng rất đông. Trong số đó có một cụ tuy rách rưới, gầy guộc nhưng phong thái hơn người. Cụ không tranh cướp đồ ăn với người ăn xin khác, chỉ để nón trước mặt với hi vọng ai ngang qua thương tình cho gì thì cho.
Lúc này nhiều người trong làng đã mang đồ ăn ra cho cụ. Cụ nhẹ nhàng cúi đầu cảm ơn rồi ăn một cách từ tốn. Người ta nghe giọng cụ đã đoán rằng cụ là người Thái Bình lánh nạn đói về đây. Đặc biệt trong cái bị của cụ còn có vài quyển sách chữ Hán nên ai cũng đồ cụ là một nhà nho thất thế.
Sau đó cụ không đi ăn xin nữa, chỉ ngồi một chỗ ở gốc cây trước làng cho đến khi qua đời. Lúc ra đi, đầu của cụ dựa vào gốc cây và ánh mắt nhìn lên trời. Lý trưởng trong làng thấy thế đã sai người khiêng xác cụ ra cạnh ven đường vứt xuống và vùi lấp qua loa bởi ngày đó người chết vì đói nhiều vô kể.
Có một điều kỳ lạ đã xảy ra tại ngôi mộ của cụ. Nó tuy được lấp sơ sài nhưng qua tháng năm, người trong làng cứ thấy cao dần lên dù chẳng có ai bồi đắp thêm. “Thuở ấy, đường làng còn thấp lắm, lúc chôn chưa cao bằng mặt đường. Vậy mà giờ đây mộ lại cao vượt. Chúng tôi nhận định ngôi mộ đã cao lên mấy mét liền so với lúc đầu bởi đường đã được làm cao hơn một mét mà vẫn chưa “đuổi kịp” ngôi mộ. Hiện nó trở thành gò đất cao, cây cối mọc um tùm”, một người dân trong làng quả quyết.
Ngôi mộ nằm ở nơi cây cối rậm rạp.
Thấy ngôi mộ cứ “lớn lên” mỗi ngày, người dân trong làng Thanh Trần cho rằng ông cụ ăn xin là một người phi thường, tự làm mồ cho chính mình nên thờ cúng rất cẩn thận. Ngoài ra, ngôi mộ còn được mệnh danh là “ông thần tài” của người buôn bán. Họ đồn rằng cứ sáng ra đi chợ buôn hay bán thứ gì mà ghé vào mộ thắp hương cầu lộc là sẽ đắt hàng, lời lãi cao.
Câu chuyện này bắt nguồn từ việc xưa có người đàn bà nghèo ở làng bên sáng dậy gánh rau non đi chợ sớm. Song người này ngồi đến trưa vẫn chẳng có ai hỏi mua, còn nguyên gánh đành dứt ruột mang về.
Khi đi qua ngôi mộ của cụ ăn mày, họ ngồi nghỉ và thấy nấm mồ vô danh cây cỏ um tùm liền tiện tay đặt quả ổi nhặt được ở chợ lên rồi khấn vái cầu xin có thể kiếm được vài đồng mua gạo nấu cháo cho đám nhỏ. Sau đó họ đứng dậy toan gánh rau về nhà thì có người đi qua hỏi mua vài mớ.
Người phụ nữ nghèo mừng phát khóc bởi đã có tiền đong gạo cho con. Đặc biệt về đến nhà họ đã bán sạch gánh rau… Sáng hôm sau, họ tiếp tục hái rau đi bán và không quên ngang qua ngôi mộ khấn vái. Họ đem rau ra chợ bán đắt hàng hơn bao người. Từ đó, người làng biết chuyện nên ai đi chợ cũng ghé vào ngôi mộ khấn vái xin được thuận lợi và đều được toại nguyện.
Ngoài ra, ngôi mộ này còn được xem là “thần tài” của học sinh, sinh viên. Mọi người kháo nhau chỉ cần trong mùa thi cử, ai ghé đến “mả ông thiêng” để xin là thi cử suôn sẻ và y rằng sẽ đỗ đạt.
Hàng loạt câu chuyện ly kỳ xảy ra
“Mả ông thiêng” không chỉ gắn liền với hai chữ “thần tài” mà còn liên quan đến những câu chuyện rùng rợn về việc trách phạt người dám đến xâm phạm cụ ăn xin. Theo đó chục năm trước, có một người đàn ông vì thấy hai cây xoan to mọc trên gò đất của ngôi mộ liền đem dao ra chặt rồi đem bán cho một gia đình làm củi đun. Không lâu sau, người này bỗng dưng mắc bệnh không quá nguy hiểm nhưng trị mãi không khỏi và chết.
"Mả ông thiêng" được người dân cúng bái cẩn thận.
Còn gia đình người mua hai cây xoan về làm củi đun lò gạch thì sập cả lò dù rất chắc chắn và kiên cố. Lúc này, một người trong nhà đi xem bói, thầy cho biết gia đình bị quở vì dám dùng hai cây xoan chặt ở “mả ông thiêng” để đốt lò. Gia đình bèn đem ra trả lễ thì lò gạch lần sau mới được mẻ gạch thành công.
Chưa dừng ở đó, khi hai cây xoan được đốn đi còn trơ lại gốc, có người ở làng bên không tin vào ma quỷ, lại gần Tết chẳng có củi đun bánh chưng nên hai bố con cùng nhau ra đào gốc xoan đem về phơi làm củi. Song củi chưa kịp khô bỗng cả hai bố con bỗng dưng lăn ra ốm, chạy vạy khắp nơi thăm khám mà không ra bệnh. Cuối cùng người con qua đời, con bố mãi mới khỏi bệnh.
Thời gian sau, đường ở ngôi mộ được rải nhựa, mở rộng nên phải cuốc một phần mộ đi để tiện cho việc thi công. Song máy xúc hỏng, công nhân thay máy khác để chuẩn bị xúc thì bỗng dưng ngã xuống. Khi ấy chẳng còn ai dám động đến nữa.
Qua những chuyện đó, người dân trong làng càng tin vào sự linh thiêng của ngôi mộ, chẳng còn ai dám lại gần xúc phạm. Người dân cứ nhằm ngày rằm, mùng 1 là đến cúng khấn và lập cái bàn thờ nhỏ ở giữa trong khu gò mộ để mọi người có thể dễ dàng thắp hương.
Theo lãnh đạo thôn Thanh Trần, chuyện ngôi mộ tự cao lên chưa hẳn đã đúng. Có lẽ hằng ngày người dân đi qua thường hay đắp cho cụ một hòn đất nên ngày càng cao và vững chắc. Còn chuyện trách phạt người xúc phạm đến ngôi mộ có lẽ là ngẫu nhiên, chứ không phải do “hỗn” với ông cụ ăn xin. Dù vậy người dân nơi này đến giờ vẫn truyền tai nhau những mẩu chuyện xung quanh “mả ông thiêng”.