Thông qua quan sát có thể thấy, khu mộ cổ được thiết kế và xây dựng vô cùng công phu với kiến trúc kết hợp giữa Tây và Đông.
Ghé Tân Thới (Phong Điền, TP.Cần Thơ) hỏi thăm vườn cây vú sữa của gia đình ông Trần Thanh Hùng (SN 1965) ai cũng biết. Bởi nơi này có một khu mộ cổ rộng lớn và hoành tráng như cung điện. “Dân xứ này ai cũng biết khu mộ cổ ấy. Nó nằm trong vườn vú sữa ở ấp Trường Đông A, xã Tân Thới gần 2 thế kỷ rồi nhưng vẫn đẹp và khang trang lắm! Chỉ cần nhìn qua sẽ thấy dòng họ Trần giàu có và vương giả như thế nào”, anh Dũng Vũ – một người dân tại huyện Phong Điền tự hào khi nhắc đến khu mộ cổ - nét đẹp riêng làm nên tên tuổi của quê hương.
Ông Thanh Hùng là cháu đời thứ 5 của gia tộc họ Trần, đồng thời là người bảo quản khu mộ cổ này. Ông từng cho biết, năm 1842, khu mộ được hình thành. Người quyết định dựng lên là ông tổ của dòng họ tên Trần Để (hay còn gọi là Trần Ban Tế) vốn là người Phúc Kiến (Trung Quốc).
Khu mộ cổ nằm trong vườn vú sữa ở ấp Trường Đông A, xã Tân Thới gần 2 thế kỷ
“Tôi nghe người lớn trong dòng họ kể rằng vào thế kỷ XIX, ông tổ Trần Để đến miệt Phong Điền lập nghiệp. Ông tổ có 2 người vợ: bà vợ lớn tên Võ Thị Quý song do không sinh con đã tìm một người phụ nữ khác để ông lấy làm vợ lẽ rồi có với nhau 8 người con”, ông Thanh Hùng nói.
Tại mảnh đất mới, ông Trần Để đã làm ăn thuận lợi, trở nên giàu có thuộc hạng nhất xứ Cần Thơ lúc bây giờ. Lúc này, ông bắt đầu bỏ ra số tiền, vàng lớn để xây dựng lên căn dinh thự lớn nhất nhì vùng Nam Kì lục tỉnh xưa. “Xưa ông tổ của dòng họ nhà tôi có căn dinh thự lên tới 100 cửa… Nhưng sau đó ông đã đập đi”, người đàn ông miền Tây tự hào kể.
Về khu mộ cổ, ông Trần Để đã thuê người vé sơ đồ để xây dựng. Khi ông qua đời, ngôi mộ vẫn đang trong thời gian thi công. Vì thế thi thể của ông để lại đến 3 tháng 10 ngày mới được đem chôn cất. Khi chôn xong, người con thứ 5 của ông tổ vẫn đứng ra tiếp tục thi công cho đến khi hoàn thành”, ông Hùng nói.
Khi ông tổ Trần Để qua đời, ngôi mộ vẫn đang trong thời gian thi công.
Nhắc đến chuyện thi thể ông tổ Trần Đề để 100 ngày mới đem chôn là thật hay hư, cháu đời thứ 5 của gia tộc họ Trần cho biết người lớn trong họ nói rằng khi ông tổ qua đời, thi thể được tẩm liệm trà rồi mới cho vào quan tài, đổ nhựa thông để kết dính nguyên khối.
Thông qua quan sát có thể thấy, khu mộ được thiết kế và xây dựng vô cùng công phu với kiến trúc kết hợp giữa Tây và Đông. Khu mộ có tường cao bao quanh cùng họa tiết, hoa văn cổ kính – nhìn có thể thấy dấu ấn của thời gian.
“Cổng chính của khu mộ là cánh cửa bằng thép, chứa nhiều điều bí ẩn. Bởi nó là thanh sắt đặc, không hàn dính với nhau nhưng vẫn trường tồn qua hàng trăm năm trời.
Ngôi mộ toát lên nét cổ kính.
Tiến sâu vào đó là 5 ngôi mộ được thiết kế riêng biệt, có mái che với nhiều hoạ tiết sắc sảo. Mộ của ông tổ Trần Để nằm ở giữa và lớn nhất, hai bên là mộ của bà cả bà hai. Đến giờ chưa ai có thể giải mã hết những ký tự trên bia sau mộ của 3 ông bà tổ là gì, kể cả một số người biết tiếng Hán. Tôi nghĩ đó cũng là một điều bí ẩn trong khu mộ của gia tộc họ Trần”, ông Hùng cho biết.
Ngoài 3 ngôi mộ chính trên, trong khu còn có 2 ngôi mộ mang đậm phong cách Pháp. Đó là mộ của vợ chồng người con thứ 7 của ông tổ Trần Để. Ly kỳ hơn, các bức tường bên trong khu mộ cổ ẩn chứa những hoa văn được vẽ sắc nét. Song chỉ khi các lớp vôi bên ngoài bong tróc thì hoa văn mới lộ dần. “Hiện tại tất cả những bí ẩn trong khu mộ cổ vẫn chưa có lời giải đáp! Có lẽ khi xây dựng khu mộ, ông tổ chính là người tạo ra bí ẩn để con cháu đời sau cùng “khám phá”, ông Thanh Hùng nói.