Người đàn ông đi bằng tay nuôi vợ tâm thần

Ngày 20/05/2013 09:50 AM (GMT+7)

Khi tuổi dần đến xế chiều, ông phải bò bằng tay nuôi vợ tâm thần trong cái túp lều tuềnh toàng.

Phận đời nghiệt ngã

Tìm đến xóm 10, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) để hỏi nhà người đàn ông đi bằng hai tay suốt hơn chục năm qua, chúng tôi vô tình gặp một người đàn bà ngay khi bước đến đầu con ngõ. Chưa kịp mừng rỡ vì có người để hỏi đường, tôi đã phát hoảng khi người đàn bà đó bỗng lấy hai tay che mặt rồi chạy bán sống bán chết vào trong một cái quán nhỏ. Hỏi ra mới biết, đó chính là bà Trần Thị Xuân, vợ ông Lê Xuân Hồng (SN 1964), người đàn ông mà chúng tôi đang tìm kiếm.

Tiếp chuyện chúng tôi trong cái quán nhỏ chật hẹp chỉ vỏn vẹn 12m2, ông Hồng ngậm ngùi kể về cuộc đời chìm nổi long đong, lận đận của mình. Sau ba năm đi bộ đội, xuất ngũ trở về năm 1985, chàng trai trẻ Lê Xuân Hồng đã gặp gỡ và kết duyên với Hải, một cô gái cùng quê. Để rồi sau bốn năm ròng chạy chữa khắp nơi, hai vợ chồng mới sinh được cô con gái đầu lòng Lê Thị Huyền (SN 1989).

Trớ trêu thay, khi con gái ra đời không lâu cũng là lúc Hồng phát hiện vợ anh bị bệnh viêm cầu thận nhiễm mỡ. Vừa nuôi con nhỏ lại phải vừa chăm sóc, kiếm tiền chạy chữa cho người vợ bệnh tật, vậy mà hơn một năm sau đó, Hải vẫn bỏ chồng, bỏ con để đi đến một thế giới khác. Khi ấy, Huyền mới tròn ba tuổi.

Vợ mất, con thơ dại, tiền bạc cạn kiệt khi đã dồn hết vào để chữa trị cho vợ, công ăn việc làm không ổn định, Hồng quyết định gửi con lại cho bà nội nuôi để quyết chí vào Gia Lai kiếm việc làm lấy tiền nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ già. Sau khi xin được vào làm công nhân cho một lâm trường ở đó một thời gian, quá nhớ con nên ba tháng sau, anh quyết định trở về đón bé Huyền vào sống cùng.

Người đàn ông đi bằng tay nuôi vợ tâm thần - 1

Để di chuyển xung quanh nhà, ông Lê Xuân Hồng phải nhờ đến chiếc ghế nhựa

Một mình trong cảnh gà trống nuôi con, không nhà, không cửa, cuộc sống của hai bố con anh thật sự vô cùng bấp bênh. May mắn trong quãng thời gian đó, Hồng quen với Trần Thị Xuân (SN 1964), một người phụ nữ gốc Vinh cùng cảnh ngộ với mình. Chị cũng sống một cuộc đời bất hạnh khi gia đình ly tán, chồng mất, một mình nuôi cậu con trai thơ dại phải lang bạt vào vùng Tây Nguyên kiếm sống.

Hai con người cùng cảnh ngộ gặp nhau, dựa vào nhau sống qua ngày đoạn tháng, rồi họ cũng quyết định đi đến bến bờ hạnh phúc. Ba năm sau cái ngày chị Hải mất, năm 1994, Hồng kết duyên cùng Xuân bằng một bữa tiệc nhỏ trước sự chứng kiến của bạn bè, người thân ngay trên cái mảnh đất được coi là quê hương thứ hai ấy. Đến năm 1996, anh chị có thêm một cô con gái Lê Thị Quỳnh và rồi cũng tích cóp được tiền mua nhà, mua đất để gia đình có chỗ trú ngụ, làm ăn sinh sống.

Thế nhưng, niềm vui chưa được tày gang khi vào năm 2000, Hồng bỗng nhiên bị đau hai bên sườn xương chậu, khiến anh phải bán hết nhà cửa, đất đai đưa cả gia đình trở về Vinh để tiện cho việc chữa bệnh. Số phận nghiệt ngã đã khiến đôi chân của anh ngày càng teo tóp và đau đớn không thể đi lại như người bình thường được nữa, dù anh em họ hàng đã đưa đi chữa trị nhiều nơi.

Và rồi anh đành chấp nhận gắn cuộc đời mình với đôi chân tật nguyền khi đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác ngoài Hà Nội, các bác sĩ đều có chung một kết luận: Anh bị loãng xương lâu ngày, dẫn đến gãy không thể phục hồi.

Bò bằng tay nuôi vợ tâm thần

Tiền bạc, tài sản đều tiêu tán hết, cả gia đình bốn người trú ngụ trong một cái quán nhỏ thuê lại của người ta ở TP.Vinh để làm ăn sinh sống. Hồng không thể đi lại được bằng chân, anh phải tập dần với việc đi bằng hai tay rồi thỉnh thoảng chữa, vá một vài chiếc xe đạp không may bị hỏng chứ xe máy anh cũng không vá nổi.

Vợ anh Hồng cũng cố chèo lái gia đình bằng một vài mớ rau để bán cùng với chồng. Thương nhất vẫn là cô con gái đầu lòng phải nghỉ học sớm để ra chợ nhặt nhạnh từ ngọn rau, cọng hành rơi rớt sau những chuyến bốc hàng rồi bán lẻ lại cho người ta kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ.

"Cuộc sống vốn khó khăn lại chồng chất khó khăn khi tôi nghe lời vợ dồn tất cả số tiền còn lại sau khi bán nhà ở Gia Lai để mua một mảnh đất ở huyện Hưng Nguyên. Cuối cùng lại bị họ lừa. Năm 2009, tiền mua đất được người ta trả lại chỉ với vài triệu đồng, cũng lúc đó Xuân lại đột ngột giống như một "đệ tử ruột" theo một ông thầy cúng đi khắp nơi suốt ba năm ròng rã mà quên mất trách nhiệm của một người vợ, người mẹ. Bà ấy để mặc mấy bố con nheo nhóc tự sinh, tự diệt qua ngày đoạn tháng", nhớ lại quãng thời gian đó, ông Hồng ngấn lệ chia sẻ.

Cuộc đời chưa hết khốn khổ sau khi cô con gái đầu theo chồng vào Bình Định thì lúc đó bà Xuân trở về với cái vẻ của một kẻ thân tàn ma dại. Như một người bị ma ám, lúc nào bà cũng ra ngẩn vào ngơ, thơ thơ thẩn thẩn. Không còn cách nào khác, ông lại khăn gói đưa vợ con về quê trú ngụ, những mong có nơi để chui ra chui vào, sống qua ngày.

Thấy khách lạ, bà Xuân cứ rúm ró, trú mình trong cái góc giường và lấy áo trùm kín mặt lại, rồi thỉnh thoảng lại hé một mắt quay ra nhìn trộm khiến chúng tôi rùng mình. Nhìn vợ như vậy, ông Hồng lại sụt sùi tâm sự tiếp: "Bà ấy bình thường thì còn đỡ, chứ thỉnh thoảng lại chạy như điên ngoài đường không ai ngăn lại được, có khi cả tuần, mươi ngày không ăn, không uống cứ đi đi lại lại rồi lại ngồi vạ vật như thế, không nói không rằng với ai".

Từ ngày trở về quê, nguồn sống chủ yếu của hai vợ chồng đều phụ thuộc vào đôi tay của người đàn ông tật nguyền Lê Xuân Hồng. Với ông, đôi tay không những dùng để làm việc, để vá xe, để bán hàng nuôi vợ, nuôi con, mà nó còn thay cho chức năng của một đôi chân lành lặn được dùng để đi nữa.

Theo My Khánh - Hồng Điệp (Người đưa tin)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot