Cô bé càng lớn càng không biết đau và sợ hãi bất cứ điều gì. Bé nghịch ngợm giống như một bé trai đến mức chân phải gãy làm đôi mà không hề kêu la đau đớn.
Đau đớn – sợ hãi là một trong những cảm giác hết sức tự nhiên ở con người. Song vì lý do đặc biệt nào đó, một số người trên thế giới gần như hoặc bị mất hoàn toàn cảm giác đó. Và ở Việt Nam có một cô bé mang “hiện trạng” như thế mà đến giờ bác sĩ cũng như khoa học chẳng thể lý giải nổi.
Bé gái có tên Nguyễn Ngọc Ánh (12 tuổi, Bình Dương) sinh ra với cơ thể hoàn toàn lành lặn, giống như bao đứa trẻ khác. Bé lên 3-4 tuổi, gia đình bắt đầu phát hiện điểm bất thường khi đưa đi tiêm phòng.
“Ngày đó tôi cũng không để ý gì đâu, cho đến khi thằng lớn thắc mắc vì sao con bé bị chích kim tiêm vào tay không có cảm giác sợ hãi, đau đớn và khóc như đám trẻ trong ấp. Sau đó thằng lớn lấy que tăm nhọn chọt vào tay, nó vẫn chẳng phản ứng gì cả. Lúc này tôi đoán con bé có vấn đề gì đó nhưng không bận tâm vì nghĩ chẳng ảnh hưởng gì nguy hại đến sức khoẻ”, chị Hai – mẹ của bé Ánh tâm sự.
Cô bé càng lớn càng không biết đau và sợ hãi bất cứ điều gì. Bé nghịch ngợm giống như một bé trai đến mức chân phải gãy làm đôi mà không hề kêu la đau đớn. “Nó bị té, gãy cái giò phải lủng lẳng luôn. Vậy mà nó vẫn đứng nguyên một chỗ, giữ nét mặt bình tĩnh, mặc cho máu chảy. Tôi hoảng quá gọi mọi người đưa đi cấp cứu.
Bé Ngọc Ánh lên 3-4 tuổi, gia đình bắt đầu phát hiện điểm bất thường khi đưa đi tiêm phòng.
Lên tới viện, bác sĩ cũng không hiểu vì sao con bé không có cảm giác đau. Thậm chí họ chẩn đoán phải cắt bỏ chân vì khó có thể nối liền. May sao giờ cái chân vẫn còn vẹn nguyên nhưng các móng đã cụt ngủn”, chị Hai nói.
Khi được hỏi: “Việc móng chân cụt hết như vậy có liên quan gì đến vụ tai nạn gãy chân hay không?”, người phụ nữ cười: “Không! Móng chân móng tay cụt do nó tự bứt tự cắt đó. Nó ngồi nghịch rồi bứt ra, máu chảy ròng ròng nhưng như không ấy. Tôi xót ruột cản con, giải thích cho nó hiểu nhưng dường như vô tác dụng. Nó vẫn không thể dừng việc đó lại cho đến khi chân tay thành ra như thế này”.
Ngọc Ánh không chỉ tự “làm hại” chính mình mà còn gặp rất nhiều vụ tai nạn tưởng chừng không vượt qua khỏi. Lần đó, cô bé bị cây sắt đâm vô chân, không có cảm giác đau đớn nên để máu chảy đến mức mất quá nhiều máu. Chị Hai khiếp đảm liền đưa con lên Sài Gòn, đến bệnh viện đầu ngành thăm khám.
Chị Hai kể đã đưa Ngọc Ánh sang Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 để kiểm tra tổng quát nhưng bác sĩ đều không phát hiện ra con gái mắc bệnh gì. “Gần một tháng trời, tôi bế con bé chạy khắp các bệnh viện để làm xét nghiệm và kết quả đều bình thường, không có gì bất thường cả.
Ngọc Ánh nhiều lần tự làm thương bản thân khiến ngón chân ngón tay cụt lủn.
Nhiều người bảo tôi đưa con bé sang khoa Thần kinh kiểm tra não bộ xem có vấn đề không? Tôi cũng đưa đi nhưng kết quả tốt, chẳng có gì đáng lo ngại cả. Thực sự đến giờ tôi vẫn không biết con bé bị làm sao, gia đình cũng không có ai mắc bệnh như vậy”, người phụ nữ bộc bạch.
Chứng kiến cảnh con không biết đau đớn, thường xuyên tự làm bản thân bị thương… chị Hai đã không kìm chế nổi nỗi đau. Chị quyết đưa con đi chụp cắt lớp vi tính (CT) toàn bộ cơ thể. Lần đó Ngọc Ánh đã khiến bác sĩ phải giật mình khi trích 2 mũi thuốc vẫn không có cảm giác đau. “Con bé không hề đau dù chỉ một chút. Bác sĩ bảo có vài đứa trẻ không sợ tiêm, chỉ thấy nhói một chút rồi thôi. Đó là bản tính kiên cường, chịu được đau. Còn trường hợp của con bé có 1-0-2, không có cảm giác gì cả. Điều này vô cùng nguy hiểm nhưng kiểm tra toàn bộ vẫn ra kết quả bình thường”, người mẹ trăn trở.
Biết bản thân là “vua lì đòn”, Ngọc Ánh thường xuyên không sợ bất cứ thứ gì. Cô bé sẵn sàng nghịch những thứ mình muốn, dù có thể gây tổn hại đến sức khoẻ. Bởi vậy chị Hai không dám cho con đến trường, sợ có chuyện gì xảy ra sẽ không kịp xử lý. Thậm chí chị còn sắm một dây xích để “bảo vệ” con gái.
“Tôi muốn mần này mần kia phải xích con bé lại một góc. Tôi biết việc đó là không nên nhưng chẳng biết phải làm sao cả. Tôi mà để nó ngồi không thì trong giây lát nó sẽ phá hết chỗ này chỗ kia, thậm chí sang hàng xóm quậy đến độ đổ máu. Tôi không thể để nó quậy mãi, bị người ta mắng vốn hoài được.
Tôi cũng không thể ở sát bên con bé 24/24 vì như thế lấy đâu tiền mà lo cho hai mẹ con. Thằng anh nó có gia đình rồi, cũng phải tự chăm sóc cho tổ ẩm nhỏ. Giờ tôi chỉ mong bản thân không ốm đau, làm chỗ dựa và bảo vệ nó khỏi những sự cố, tai nạn”, chị Hai tâm sự.