Không chỉ ngôi nhà màu tím, mọi vật dụng trong đó đều được sơn màu tím, ví dụ như bộ bàn ghế, ấm chén, phích nước, giường, nhà tắm. Ông Tiếp bảo vì quá say mê màu tím thuỷ chung nên muốn bất cứ thứ gì là của mình cũng… tím.
Sa Đéc (Đồng Tháp) vốn được mệnh danh là “thủ phủ hoa” với rất nhiều loài có tên – màu sắc độc lạ. Đặc biệt vào Tết Nguyên đán, ngàn hoa khoe sắc khắp các làng đã tô điểm cho vùng sông nước tươi đẹp và ngát hương. Và từ đây, hoa được chuyển đi khắp các vùng góp phần tạo hương sắc cho ngày Tết, lễ hội, cưới hỏi…
Nơi đây có một nghệ nhân nổi tiếng với đam mê bất tận với màu tím – đó là ông Trần Văn Tiếp (73 tuổi) – hay còn gọi là Giáo Tiếp. “Ở vùng này, ai cũng biết ông Giáo Tiếp bởi mấy chục năm qua luôn tìm tòi, lai tạo các loài hoa màu tím. Ông ấy thích màu tím đến độ tất tần tật mọi thứ trong khuôn viên nhà đều là màu tím”, một người dân sống cạnh đó cho hay.
Chúng tôi được đưa đến nhà ông Giáo Tiếp và không khỏi choáng ngợp trước khung cảnh trước mắt: từ cây cầu, nhà, vườn hoa, lán ngoài vườn… đều có chung màu sắc tím lịm. Lúc này ông Tiếp vội vàng giải thích: “Tôi đam mê màu tím! Do đó tôi biến tất cả thứ quanh mình trở thành màu tím.
Từ cây cầu, nhà, vườn hoa, lán ngoài vườn… đều có chung màu sắc tím lịm.
Ngôi nhà này có bức tường chưa được tím lắm do sơn chưa ăn màu. Ban đầu tôi muốn nó màu tím hồng phai nhưng thợ sơn không chuẩn nên mới ra màu như bây giờ. Mấy nữa tôi có thời gian rảnh sẽ sơn lại theo đúng ý tưởng ban đầu”.
Không chỉ ngôi nhà màu tím, mọi vật dụng trong đó đều được sơn màu tím, ví dụ như bộ bàn ghế, ấm chén, phích nước, giường, nhà tắm… Ông Tiếp bảo vì quá say mê màu tím thuỷ chung nên muốn bất cứ thứ gì là của mình cũng… tím.
Chúng tôi thấy thế liền hỏi: “Vậy đâu mới là màu tím “chủ đạo” trong cuộc sống của ông?”. Ông Tiếp cười: “Hoa. Tất cả là hoa. Và cơ duyên đưa đẩy tôi đến với hoa tím khá hi hữu. Có lẽ tôi kể ra ít ai tin được bởi trên đời làm gì có ai yêu màu tím mù quáng như thế”.
Ông Tiếp chia sẻ lý do vì sao lại hô biến mọi thứ trong nhà thành màu tím thuỷ chung.
Xưa ông Tiếp làm nghề “gõ đầu trẻ” song cuộc sống khó khăn, đồng lương ít ỏi từ nhà giáo chẳng thể giúp gia đình đủ ăn đủ tiêu. Vì thế ông quyết định đi học thêm nghề trồng hoa với mục đích bán bông kiếm thêm thu nhập.
“Một thời gian theo nghề trồng cây trồng hoa, tôi nhận ra nông dân trồng đủ các loại hoa, đủ màu nên thành ra chẳng có tên tuổi gì cả. Năm 1977, tôi xuống vườn hoa thấy cây hồng nhung có bông màu tím đen trông rất đẹp. Tôi liền ước ao và khát vọng xây dựng cho mình dòng hoa tím mang thương hiệu ông Giáo Tiếp. Cuối cùng qua nửa thế kỷ tôi mới thành công”, người đàn ông miền Tây nói.
Tính đến nay ông Tiếp đã lai tạo hơn 100 cây, loài hoa màu tím… Ông bảo bản thân có quan niệm sẽ đi tìm cái gì lạ màu tím rồi làm trước. Khi thành công ông sẽ chỉ cho anh em trong làng hoa làm sau. Hiện tại, ông đang nghiên cứu lai tạo thêm một loài bướm màu tím mang thương hiệu riêng và sắp thành công. Để làm được điều này, ông cho ăn hoa màu tím để ra con nhộng tím, rồi nở thành bướm tím.
Bàn ghế, bộ ấm chén... cũng màu tím.
Nhắc đến chuyện yêu màu tím “thái quá” có bị thiên hạ cười đùa, ông Tiếp thành thật thừa nhận từng bị người đời chỉ trò và bàn ra tán vào là người quái dị song không hề giận. Ông yêu màu tím vô cùng nên luôn khắc khoải việc biến nó thành của riêng mình. Vì thế mỗi dịp lễ tết, khách thập phương ghé tới nhà ông tham quan, chụp ảnh rất nhiều.
Và đúng như tính cách của người yêu máu tím, ông Tiếp sống rất tình cảm và cởi mở với du khách. Ông luôn cho họ tham quan miễn phí, hướng dẫn thêm về kinh nghiệm chăm sóc cây, hoa. Thậm chí ông còn trổ tài đánh đàn, ca hát cho mọi người cùng thưởng thức.
Ông Tiếp còn có đam mê đờn ca khi rảnh rỗi.
Không chỉ vậy, năm 2018, ông Tiếp còn cho ra đời hội quán mang tên “Tôi yêu màu tím”. Nơi này tập hợp các nông dân có tình yêu với hoa kiểng, đặc biệt là những giống hoa độc lạ, với tâm huyết xây dựng Sa Đéc thành điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương, trở thành thành phố hoa miền đồng bằng trong tương lai gần.
Hiện hội quán sinh hoạt hằng tháng, nông dân trong hội sẽ cùng bàn bạc thị hiếu khách hàng cũng như chia sẻ các giống hoa cho nhau để cùng phát triển kinh tế. Gần đây các hội viên đã chủ động tìm bạn hàng cung ứng hoa tết, thay vì ngồi chờ khách hàng tìm tới.