Nhắc đến chuyện ông Tẩu có cái tên xấu lạ liệu có ảnh hưởng gì trong cuộc sống, bà Chính cười bảo cũng có chút phiền phức.
Theo quan niệm truyền thống của người phương Đông, việc cha mẹ chọn một cái tên để gửi gắm niềm mong đợi, sự hy vọng cho con là điều rất được coi trọng. Bởi nó sẽ gắn liền với tuổi thơ và tương lai, quyết định phần lớn đến cuộc sống sau này của đứa trẻ.
Ở một số địa phương tại nước ta có những gia đình có cách đặt tên con vô cùng độc đáo, đến mức người đối diện chỉ cần nghe một lần cũng cảm thấy choáng váng. Điển hình như người dân ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu (nay là phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An).
Gia đình có các thành viên tên siêu độc lạ
Người dân vùng đất Quỳnh Phương trước đây sống chủ yếu dựa vào nghề biển. Nhà nào cũng có truyền thống đẻ nhiều, từ 8-9 con để có nhiều lao động đi biển. “Cách đây vài chục năm, nơi này đẻ nhiều không phải chuyện lạ. Song ấn tượng nhất chính là gia đình ông Nguyễn Văn Tẩu, có đông anh em, được bố mẹ đặt tên theo vần điệu “siêu độc lạ””, bà Vũ Thị Chũ cho nói.
Bà Nguyễn Thị Chính – vợ ông Tẩu từng cho biết: “Ban đầu, tôi mới về nhà chồng, nghe đọc hết tên của các anh chị em trong nhà mà không dám tin là thật. Song ông xã cứ khẳng định đi khẳng định lại và sau khi tìm hiểu thêm, tôi mới chắc chắn đó là thật”.
Bà Chính kể về cái tên của chồng cũng như anh chị em bên nhà chồng.
Theo lời bà Chính, bố mẹ chồng bà có tất thảy 9 người con, lần lượt là: Sằn, Siu, Đíu, Tẩu, Lảu, Hoa, Cành, Đào, Việt. Thậm chí bà còn tự sắp xếp lại tên anh chị em chồng cho vần điệu và dễ đọc, dễ nhớ hơn: Sằn Siu Đíu Tẩu Hoa Lảu Cành Đào Việt.
Thấy người nghe “mắt chữ A, miệng chữ O” trước tên các thành viên trong gia đình ông Tẩu, bà Chính kể, thời bà đi bộ đội còn ở cùng cô bạn đồng hương có tên độc lạ không kém gia đình nhà chồng của bà là bao. Đó là: Đánh, Đình, Đoàng, Xình, Xooàng, Phàng, Phoòng, Phèng.
“Ở Quỳnh Phương không chỉ có gia đình bên nhà chồng tôi có anh em tên độc lạ như vậy đâu. Nơi đây còn những hộ có tên các thành viên độc đáo như: Cúc, Phúc, Túc, Đúc, Thúc hoặc Biển, Vàng, Ngọc, Kim, Cương, Đô La hoặc Hĩm, Hợi, Đợi, Chờ, Chực, Rình, Bưng, Chạy. Thậm chí có nhà lại đặt con theo một nghĩa gửi gắm đầy sự kỳ vọng và mong mỏi: Thương, Nhớ, Đợi, Chờ, Vô, Duyên, Cần, Vượt”, bà Chính nói.
Gặp phiền phức với chính cái tên của mình
Người dân Quỳnh Phương có cách đặt tên không giống ai sở dĩ do sinh nhiều con, muốn những cái tên thật vần thật điệu cho dễ nhớ. Hơn cả họ quan niệm rằng đặt tên con càng xấu càng dễ nuôi, không ốm đau bệnh tật gì cả.
Nhắc đến chuyện ông Tẩu có cái tên xấu lạ liệu có ảnh hưởng gì trong cuộc sống, bà Chính cười bảo cũng có chút phiền phức. Hồi còn đi bộ đội, mỗi lần viết thư cho người yêu, bà đều phải giấu để đồng đội không biết. Song “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, đồng đội biết, đọc đến tên Tẩu là tất cả cười ồ lên.
Chị gái của ông Tẩu có cái tên độc lạ không kém.
“Tôi nhớ nhất là có lần đưa ông ấy đi phòng khám. Người ta hỏi tên chồng tôi, tôi bảo ông ấy tên Tẩu, nói đi nói lại mấy lần mà người ta không nghe ra. Tôi phải cầm bút viết lên giấy mà họ còn phải hỏi lại xem đã đúng chưa”, bà Chính nhớ ra.
Gần nhà ông Tẩu là gia đình của bà Nguyễn Thị Đíu – chị gái ông. Con gái bà Đíu cho biết, tên mẹ lạ nên cũng hay gặp trục trặc về giấy tờ. Ví dụ như bà đi đổi chứng minh nhân dân khai tên là Nguyễn Thị Đíu, nhưng đã bị nhầm thành Nguyễn Thị Điếu. Cuối cùng bà phải đi làm lại.