Sau khi bị cho ngồi tù vì tội giết người và trộm cướp, người đàn ông này gần như đã dành cả đời để vượt ngục, tổng cộng đã trốn thoát khỏi nhà tù 4 lần nhưng đều bị bắt lại.
Ở Nhật Bản, thời Minh Trị (kéo dài từ 1868-1912) được coi là một trong những thời kỳ khắc nghiệt đối với tù nhân. Vì vậy, việc vượt ngục thực sự phổ biến hơn. Năm 1881 ghi nhận số lượng tù nhân vượt ngục thành công cao kỷ lục, chính xác là 1.821 người. Nhật Bản đã nỗ lực cải cách hệ thống nhà tù kể từ thời Minh Trị. Từ đó, việc vượt ngục trở nên hiếm hơn. Và đến giữa những năm 1970, số tù nhân trốn thoát hàng năm đã giảm xuống chỉ còn một chữ số. Trong đó, có một câu chuyện huyền thoại về một cao thủ vượt ngục đến nay vẫn được lưu truyền.
Cao thủ phá khóa
Không một ai trong lịch sử thể hiện sự khinh thị với nhà tù hơn Yoshie Shiratori. Ông được biết đến là người trốn tù nổi tiếng nhất mọi thời đại tại Nhật Bản. Người đàn ông này được mệnh danh là người mà "không nhà tù nào có thể giam giữ". Yoshie đã trốn thoát khỏi hệ thống nhà tù của Nhật Bản 4 lần!
Công việc đầu tiên của Yoshie là ở một cửa hàng đậu phụ, sau đó ông làm thuyền viên cho một con tàu đánh bắt của cho Nga. Sau khi vài lần đổi việc thất bại, ông ta trở nên nổi tiếng vì nghiệp cờ bạc và trộm cắp.
Yoshie ban đầu bị buộc tội giết người và cướp của, bị kết án đến nhà tù Aomori. 3 năm sau, ông đã phá hóa còng tay bằng một sợi dây kim loại ngắn được tìm thấy ở chiếc xô gỗ đựng nước tắm. 3 ngày sau đó, ông bị cảnh sát bắt lại, bị kết án tù chung thân vì vượt ngục và ăn cắp tiền tiếp tế từ một bệnh viện. Cuối cùng, ông được chuyển đến nhà tù Akita vào năm 1942.
Tại nhà tù Akita, Yoshie bằng cách nào đó đã trèo lên một bức tường trơn láng và thoát qua lỗ thông hơi. Ông ta trèo lên, trèo xuống mỗi đêm và cuối cùng mở được lỗ thông hơi thoát ra ngoài. Có lẽ đã kiệt sức vì chạy trốn và lẩn trốn, ông quyết định tới nhà một sĩ quan cảnh sát, người duy nhất tỏ ra nhân từ với ông ở trong nhà tù Aomori. Tuy nhiên, viên cảnh sát này cuối cũng đã trao Yoshie cho cảnh sát. Lúc này, Yoshie thề sẽ không bao giờ đặt niềm tin vào một sĩ quan cảnh sát nữa.
Vượt ngục bằng súp Miso
Yoshie được chuyển đến nhà tù Abashiri lần thứ hai, nằm ở một địa điểm hẻo lánh tại bắc Hokkaido. Abashiri không phải là nơi giam giữ những tội phạm bình thường, nó dành riêng cho những tội phạm nguy hiểm nhất ở Nhật Bản. Yoshie được đưa tới đây vì ông đã trốn tù 2 lần và cảnh sát muốn ông ta lần này không vượt ngục được nữa. Thế nhưng cuối cùng, may mắn vẫn mỉm cười với Yoshie, ông đã trốn được khỏi Abashiri. Bảo tàng Nhà tù Abashiri thậm chí còn có một nhân vật dành riêng cho Yoshie khi ông trốn thoát khỏi nhà giam mà không mặc gì, chỉ mang đồ lót trên người.
Vậy lần này làm sao Yoshie trốn thoát được? Mỗi buổi sáng, ông ta nhổ súp miso vào chấn song nhà tù. Muối và độ ẩm của món ăn đã bào mòn và làm yếu khung cửa. Ngày 26/8/1944, xảy ra mất điện và lúc đó Yoshie bị trật khớp vai. Ông ta đã lách mình ra khỏi không gian nhỏ hẹp của khung kim loại mà lính canh đẩy đồ ăn vào. Một lần nữa, lối thoát của Yoshie được công khai và trở thành tiêu đề cho hàng loạt tờ báo ở Hokkaido Shimbun.
Lần đặt cược cuối cùng cho sự tự do
Yoshie một lần nữa cố gắng bỏ trốn và ông bị Tòa án quận Sapporo kết án tử hình. Ngoài ra, Yoshie còn được chỉ định 6 quản giáo có vũ trang, bị giám sát 24/24. Tại nhà tù Sapporo, ông bị giam trong một căn phòng được chế tạo đặc biệt, có thiết kế ngăn vượt ngục qua lỗ thông hơi trên trần nhà. Vì quá chú ý đến trần nhà nên sàn nhà sẽ bị bỏ ngỏ và đó là khiếm khuyết lớn nhất của nhà tù này. Các quản giáo tại Sapporo có niềm tin mãnh liệt rằng phòng giam mới được cải tạo tới nỗi họ không cần bận tâm đến việc còng tay tù nhân nữa. Và đây là sai lầm thứ hai.
Thực tế thì Yoshie đã già và đuối sức vì ông là tù nhân và không ngừng bỏ trốn. Tuy nhiên, vẫn có một thứ thôi thúc ông đó là sự tuyệt vọng. Trong lúc chờ thi hành án vào năm 1947, Yoshie cuối cùng cũng đặt cược lần cuối cho sự tự do bằng cách mở các bulong gắn các tấm gỗ ở sàn phòng giam. Ông dùng một cái bát đựng thức ăn để đào đường vượt ngục và thành công.
Sau một năm tự do, người ta nói rằng Yoshie được một sĩ quan cảnh sát tặng cho điếu thuốc (thuốc lá rất đắt sau chiến tranh). Cảm động trước lòng tốt của viên cảnh sát, Yoshie thú nhận mình là một người bị kết án và đã vượt ngục, đề nghị viên cảnh sát đưa trở lại nhà tù. Một lần nữa, ông lại bị tòa án Tối cao Sapporo xét xử. Họ lưu ý rằng cả 4 lần vượt ngục của ông đều không gây tổn hại thân thể cho bất cứ quản giáo nào mặc dù việc quản giáo lạm dụng thì tràn lan ở tất cả các nhà tù.
Tòa án tối cao quyết định thu hồi án tử hình trước đó. Thay vào đó, ông bị kết án 20 năm tù. Yoshie yêu cầu ông được giam ở Tokyo. Ông bị giam ở nhà tù Fuchu cho đến năm 1961 thì được tạm tha.
Hơn một thập kỷ sau đó, ông tới tỉnh Aomori để đoàn tụ với con gái và kể cho cô nghe về câu chuyện cuộc đời mình. Yoshie sống thêm một thập kỷ nữa, làm những công việc lặt vặt để sống. Cuối cùng, ông bị đau tim và qua đời năm 1979. Một người phụ nữ chăm ông khi còn sống cũng đã chăm lo cho tro cốt của ông sau này. Hài cốt của ông được chôn cất trong một ngôi mộ nhìn ra núi Phú sĩ.