Chú Tư Chiến nghèo, cuộc sống nhiều thử thách nhưng có một cuộc hôn nhân viên mãn bên cạnh người vợ kém 16 tuổi.
Tại Gò Quao (Kiên Giang) có một cặp vợ chồng chênh lệch tuổi tác lên đến 16 tuổi khiến bao người không khỏi ngỡ ngàng. Đáng nói, người chồng còn tật nguyền, chẳng thể lao động được nhưng người vợ trẻ vẫn luôn sát cánh bên ông hàng chục năm qua.
Đó là chú Tư Chiến (59 tuổi) – ngày ngày rong ruổi khắp ấp trên ngõ dưới bằng chiếc xe tự chế trông vô cùng ngộ nghĩnh và độc lạ. Chị Phương – người bán vé số tại Gò Quao cho biết: “Hôm bữa, tôi đang đi đường bán vé số thì gặp chú Tư cứ cồng kềnh trên chiếc xe có mấy cái vòi lận. Tôi để ý thì chú đi xe bằng tay, hai chân như bị liệt nên thương lắm. Ở vùng này ai cũng biết vợ chồng chú nghèo nhưng yêu thương nhau hết mực”.
Chị Phương vừa dứt lời, chú Tư tự hào khi giới thiệu về chiếc xe do mình tự “sáng tạo” để phù hợp với đôi chân tật nguyền: “Tôi gọi chiếc xe này là xe mù u bởi được làm từ khúc gỗ mù u. Tôi liệt hai chân từ bé, không đi lại được như người ta, chỉ lết được đoạn ngắn là mệt nhoài. Bữa đó, tôi nhặt được khúc gỗ ngoài đường nên đem về nhà đục đẽo, làm mịn từng đoạn một. Sau đó tôi kết hợp với chiếc xe đạp cũ kỹ tạo thành chiếc xe 4 bánh.
Chiếc xe do chú Tư tự “sáng tạo” để phù hợp với đôi chân tật nguyền.
Thường xe sẽ dùng động cơ bằng lực đẩy hoặc điện song xe của tôi dùng sức tay. Tôi chỉ cần kéo lên kéo xuống là có thể chạy tới chạy lui. Nếu không có chiếc xe này, tôi không thể đi đâu được”.
Lúc này chúng tôi nhắc đến chuyện thay vì sáng chế chiếc xe cồng kềnh, tại sao không mua xe lăn cho tiện, người đàn ông tật nguyện e thẹn: “Nhà nghèo quá, ăn chẳng đủ thì lấy đâu tiền mà sắm xe chứ”.
Chiếc xe mù u “sát cánh” bên chú Tư một thời gian dài. Nó đưa chú đi rong ruổi khắp nơi, vượt khỏi luỹ tre làng – điều mà trước kia chú chưa bao giờ chạm tới. Bởi vậy khi người ta trả giá chiếc xe 50 triệu, chú đã từ chối thẳng thừng.
“Với tôi, 50 triệu đồng là số tiền khổng lồ, thậm chí làm cả đời cũng chẳng có được. Song tôi không muốn bán chiếc xe vì có bao kỉ niệm ở đó. Tôi mất 2 tháng ròng rã để lắp ráp rồi thử đi thử lại biết bao lần mới có thể chạy tốt như bây giờ. Hơn cả, nó chính là người bạn thân thiết của tôi trên mọi nẻo đường nên không muốn rời xa.
Người ta cũng ngỏ ý nhờ tôi làm một cái xe y hệt như thế. Tôi từ chối vì không còn tâm sức gì nữa. Tôi nghĩ khi mình không dồn hết cái tâm để làm thứ mình muốn thì gượng đến mấy cũng thất bại”, người đàn ông gần 60 tuổi nói.
Chiếc xe mù u “sát cánh” bên chú Tư một thời gian dài.
Chú Tư nghèo nhưng có một cuộc sống hôn nhân viên mãn. Chú kể rằng bản thân tật nguyền từ nhỏ, lại không được học hành tử tể, vì thế trưởng thành chẳng có việc làm như người ta. Chú cứ ngỡ cả cuộc đời sống tối tăm, đơn chiếc. Song trời đã thương lấy người đàn ông này, “ban” một cô vợ trẻ tuổi chịu thương chịu khó.
Vợ của chú Tư kém chú đến 16 tuổi, lành lặn và có sức khoẻ. “Tôi tật nguyền nên chỉ trông nhà cửa, quanh quanh nấu nồi cơm phụ vợ. Còn bà xã đi làm thuê làm mướn kiếm tiền lo đủ thứ trên đời. Tôi thương cô ấy nhưng không biết phải làm sao nữa. Vì thế tôi luôn tự động viên bản thân phải thương vợ, bù đắp tất cả thiệt thòi”, chú Tư tự hào khi nói về người vợ đầu ấp tay gối gần 20 năm.
Trong khi đó, cô Tư cũng không khỏi tự hào về người chồng tật nguyền: “Chồng tôi già và không có sức lao động nhưng tính tình hiền lành. Ông ấy biết thương vợ thương con lắm! Suốt 19 năm lấy nhau, ông ấy chưa bao giờ to tiếng gì với tôi cả. Tôi hạnh phúc khi ở bên ông ấy. Nhiều người bảo tôi ngu khi cưới ông ấy nhưng nghĩ đi nghĩ lại tất cả do duyên trời định rồi”.
Vợ của chú Tư kém chú đến 16 tuổi, lành lặn và có sức khoẻ.
Chia sẻ về mối duyên trời định, cô Tư cho biết ngày ấy được người thân làm mai. Ban đầu cô khá ngỡ ngàng khi thấy người đàn ông 40 tuổi liệt hai chân nhưng càng tiếp xúc càng thấy mến thương. Cô quyết định chọn lựa người này làm chồng dù xung quanh có rất nhiều chàng trai tán tỉnh.
“Đó là duyên nợ mà trời đã “an bài” cho chúng tôi. Vì thế cả hai gặp nhau 2 tháng là cưới luôn rồi sinh một con gái. Nó giờ 16 tuổi, đang đi làm kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Chúng tôi không giàu sang phú quý nhưng sống vui vẻ lắm”, cô Tư thành thật.