Khác với những loại hoa bó, hoa bông bán đầy ngoài chợ phục vụ nhu cầu cúng rằm, ở một góc nhỏ Hà Nội lại có những đĩa hoa cúng chỉ dành cho những người biết chơi hoa.
Ngày Rằm tháng 7, thị trường hoa cúng-lễ vô cùng sôi động từ các siêu thị hoa đến các chợ cóc, và cả các gánh hàng rong. Các loại hoa phục vụ cúng lễ thường là hồng hoặc cúc, được người dân mua về cắm lọ trưng lên ban thờ làm lễ gia tiên, thần linh.
Thế nhưng, ở một số góc nhỏ tại Hà Nội, có những người phụ nữ lại chuẩn bị những loại hoa lễ mang nét đặc trưng riêng và theo họ, chỉ những người Hà Nội gốc mới biết được ý nghĩa của những gói hoa, đĩa hoa này. Một góc nhỏ trên phố Hàng Khoai (Hà Nội), sạp hoa của chị Nhung chẳng trưng bày nhiều, chỉ để vài mẹt hoa, gói hoa của khách đã đặt hàng trước lên trên thùng xốp. Chị chia sẻ rằng, nơi chị đang bán hàng trước kia do mẹ chị quản lý, đã bán ở đó 70 năm nên khách muốn mua hoa lễ, chơi hoa đĩa chẳng cần giới thiệu thì ai cũng biết.
Những đĩa hoa, mẹt hoa-quả hay cả những gói hoa truyền thống được chị Nhung bày bán trong ngày Rằm tháng 7.
Gia đình chị Nhung vốn là người dân gốc ở làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội) và có truyền thống gói hoa đĩa nhiều đời nay. Giờ đây, khi mẹ chị mới qua đời, chị tiếp tục thực hiện theo di nguyện của bà làm nghề gói hoa lễ, cốt để giữ lại được nét đẹp truyền thống của gia đình và phần nào đó là bản sắc văn hóa của người Hà Nội. Dù khá bận nhưng chị vẫn làm theo yêu cầu của khách, bởi mỗi loại hoa, mỗi một cách bố trí có một ý nghĩa khác nhau, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng.
Khách đến mua hàng chủ yếu là khách quen.
Đúng ngày Rằm tháng 7, khách đến cửa hàng mua hoa mẹt, hoa gói rất đông. Con gái chị Nhung cũng phải ra hỗ trợ mẹ bán hoa, còn chị phải nhập tâm để thổi hồn vào những gói hoa, mẹt hoa khách đặt trước hoặc đang chờ. “Dù ngày này hàng bán rất chạy, cũng chẳng ai mặc cả về giá nhưng tôi vẫn bán như ngày thường, một mẹt hoa đắt nhất có giá 150.000 đồng, còn tùy kích cỡ, tùy loại sẽ có giá khác nhau”, chị Nhung chia sẻ.
Khách đến mua hoa vô cùng ưng ý vì đã chọn được đĩa hoa ưng ý để cúng rằm.
Một đĩa hoa cúng này có giá là 150.000 đồng.
Với khách hàng, khi tìm mua những mẹt hoa truyền thống ngoài trân trọng vẻ đẹp, thì phía sau đó còn ẩn chứa bao tinh hoa, ý nghĩa chứ không phải tùy tiện mua về để đặt lên ban thờ. “Cá nhân tôi thấy giá 150.000 đồng một đĩa hoa như thế này là quá rẻ, nhưng tôi không bao giờ tính toán về vật chất, quan trọng là ý nghĩa các loài hoa ở trong đó, cũng như sự thuần khiết, tinh khôi của các loại hoa khi dâng lên để thờ cúng”, chị Hương chia sẻ.
Qua phố Hàng Khoai tới phố Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội), ngồi lọt thỏm giữa những cửa hàng bán đồ ăn truyền thống là hàng hoa của chị Hợp. Dịp Rằm tháng 7 này, chị Hợp không nhớ nổi mình đã bán bao nhiêu đĩa hoa cho khách, riêng sáng nay chị “cháy hàng” vì một mình chị làm không kịp, phải hẹn khách đến theo giờ hoặc đi mua đồ khác, lúc sau quay lại. Bán hàng lâu năm ở Hàng Bè, chị Hợp gần như chắc chắn một điều rằng những người chơi hoa đĩa đều là người Hà Nội.
Tiệm hoa lễ nhà chị Hợp ở Hàng Bè hôm nay cũng cháy hàng, một mình chị không thể làm kịp.
“Gia đình tôi gói và bán hoa đĩa đến nay đã 3 đời. Dù làm quanh năm, nhưng bán chạy nhất là dịp rằm hoặc ngày mùng một. Hiện nay nhiều gia đình dâng hoa cúng họ thường cắm lọ cho tiện, nhưng với nhiều người gốc Hà Nội việc dùng hoa đĩa để thắp hương đã là nét truyền thống của gia đình được truyền qua bao thế hệ”, chị Hợp chia sẻ.
Với người bán hoa lễ truyền thống như chị Hợp, khi làm việc cần phải có cái tâm, cần thả hồn vào từng bông hoa thì mới cho ra sản phẩm đẹp. Đáng nói, giá bán mỗi sản phẩm cho khách lại rẻ bất ngờ, chỉ với 50.000 đồng/mẹt hoa thành phẩm. “Hoa đĩa, hoa mẹt truyền thống chỉ dành cho người biết chơi và biết trân trọng nét đẹp văn hóa, vì thế mình cũng phải trân trọng họ và cái mình muốn là truyền tải giá trị văn hóa hơn là bán hoa”, chị Hợp nói.
Theo chị Hợp, việc chọn hoa để làm đĩa hoa lễ rất cầu kỳ, công phu chứ không hề đơn giản.
Cả chị Nhung và chị Hợp đều chia sẻ rằng, hoa gói hay hoa đĩa dùng để làm lễ không phải loại nào cũng làm được, mà chúng phải có những tiêu chí rất khắt khe, có như vậy mới “chiều lòng” được những người Hà Nội khó tính nhất. Theo đó, hoa cúng phải đảm bảo các tiêu chí như bền, đẹp, thơm, sắc và thanh khiết. Những đĩa hoa dâng lên ban thờ thơm cho đến lúc úa khô, chỉ việc rời đĩa hoa đi mà không gây mùi khó chịu, phải như vậy mới chạm tới ngưỡng thoát tục.
Chị Nhung chia sẻ rằng, chơi hoa đĩa cũng ứng theo các mùa, nhưng hoa vẫn phải đạt được những tiêu chí trên. Đầu tiên khi chọn hoa đĩa phải chọn một số loại để lấy hương trước, như hoa hoàng lan, hoa ngọc lan, hoa bưởi. Tiếp theo đó là những loài hoa mang ý nghĩa vào từng thời điểm như hoa ngâu vàng nhỏ li ti, nở vào tháng 7, tháng 8 Âm lịch, mùa mưa ngâu. Hay hoa Thiên lý cũng có nhiều vào mùa Thu, những chùm màu xanh ánh vàng, mùi thơm mộc mạc như “cô thôn nữ xưa thắt lưng xanh màu hoa Lý”….
Hoa lễ đều có những quy định khắt khe, trong đó phải thể hiện được ý nghĩa và sự thuần khiết.
Đối với cách bài trí hoa trên đĩa, sẽ tùy vào cách “thưởng hoa” của khách hàng để tạo ra những đĩa hoa với đầy ý nghĩa sâu xa. Dịp tháng 7 – mùa Vu lan, những đĩa hoa được lựa chọn đa phần tuân thủ theo quan niệm của phật giáo. Một bông sen hồng hay trắng biểu thị cho Chân Như "thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Ba bông sen là ba kiếp Quá Khứ - Hiện Tại - Tương Lai. Bốn bông là Tứ diệu đế. Năm bông là Ngũ Giới. Sáu bông là Lục Thức, Lục Trần, Lục Dục. Tám bông là Bát Chính Đạo. Chín bông là vũ trụ bao la nhưng vẫn trong bàn tay của Phật.
Cấu trúc mỗi đĩa hoa và các loài hoa đều có sự tượng trưng theo từng thời điểm hoặc lễ cúng nhất định.
Ngày nay, dù mạng xã hội phát triển, xuất hiện nhiều những shop hoa mẹt trên mạng, dù rất đẹp nhưng để làm nên một đĩa hoa với đầy đủ ý nghĩa thì không phải ai cũng biết. “Có nhiều người bán hàng trên mạng, họ đặt hàng tôi cắm hoa mẹt rồi lấy về để bán và tôi làm theo yêu cầu của họ. Còn việc họ hiểu được ý nghĩa hay không tôi không dám bàn luận, kể cả việc họ lấy hoa về bán giá rất cao thì đó cũng là công việc của họ”, chị Nhung chia sẻ.