Trước khi khắc “của quý”, ông Viêng phải chuẩn bị gỗ trước đó 3 tháng trời và khi khắc phải làm 1 mình không để cho ai biết.
Lễ hội Ná Nhèm (Lạng Sơn) là một trong những lễ hội táo bạo nhất Việt Nam khi người dân nơi đây rước một sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt) rất lớn đi quãng đường dài.
"Của quý khổng lồ" trong lễ hội Ná Nhèm năm 2018
Nhiều người ví von đây là “của quý” lớn nhất Việt Nam, nhưng ít ai biết rằng để làm ra được “của quý” ấy, các bô lão trong làng và người được giao trách nhiệm đục đẽo (điêu khắc) phải mất rất nhiều thời gian, công sức.
Trong lễ hội Ná Nhem 2018, ông Viên (56 tuổi, thôn Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) được các bô lão trong làng lựa chọn và giao trách nhiệm khắc “của quý” để rước vào chính hội.
Người đàn ông được giao nhiệm vụ khắc "của quý" trong lễ hội năm 2018.
Ông Viêng cho biết để hoàn thành công việc được giao, ông phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Từ tháng 9 âm lịch, ông đã phải lặn lội đi lấy gỗ về cất giữ để gần đến lễ hội mới bí mất mang đi khắc.
Loại gỗ ông lựa chọn để khắc “của quý” phải là loại gỗ tốt, có màu và vân đẹp. Sau nhiều lần cân nhắc, ông đã quyết định lấy gỗ dổi.
Đối với khâu chọn gỗ là vậy, còn thời điểm khi bắt tay vào điêu khắc, việc khắc theo mẫu nào cũng được các bô lão đưa ra bàn thảo. Cuối cùng, “của quý” được thể hiện không theo một mẫu cố định nào, mà làm theo những mẫu ngày xưa các cụ đã làm, đa phần là do trí tưởng tượng.
"Của quý" được bịt kín trước giờ rước hội.
“Các cụ bảo làm như ngày xưa, không làm phô trương quá, chỉ là tượng trưng thôi”, ông Viêng chia sẻ.
Khi bắt tay vào khắc “của quý”, ông Viêng phải làm bí mật không để cho ai biết, kể cả là ban tổ chức lễ hội. “Các cụ bảo phải bí mật mới thiêng, chỉ khi nào đưa ra rước ở hội mọi người mới được chiêm ngưỡng. Vậy là tôi cứ âm thầm, lặng lẽ làm liên tục ngày này qua ngày khác”, ông Viên cười và nói.
Người dân nô nức đến chiêm ngưỡng "của quý"
Theo tiết lộ của người thợ đẽo, "của quý” năm nay được ông hoàn thành trong 7 ngày, khi làm ông không bị áp lực gì vì không ai được xem, nên không có ý kiến dèm pha. “Tóm lại, tôi cứ làm giống ngày xưa các cụ làm thôi”, ông Viêng nhắc lại.
Ông Viêng cho biết thêm, "của quý" năm nay có đường kính khoảng 22cm, chiều dài 1m30, trọng lượng trên 50kg, sơn màu gụ (giống màu đất).