Người “không tồn tại” hơn 30 năm tìm được cha, bất ngờ khi biết thông tin về chính mình

Trương Thi - Ngày 08/01/2024 12:12 PM (GMT+7)

Sau hơn 30 năm lang thang không xác định được danh tính, người đàn ông này đã tìm được gia đình của mình.

5 giờ chiều ngày 5/1, người đàn ông Trung Quốc được mệnh danh người “không tồn tại” hơn 30 năm tên Wang Ping nhận được thông báo từ cảnh sát Thành Đô, Trung Quốc rằng anh có khả năng tìm được người thân của mình. Người được cho là cha của anh đã tiến hành so sánh ADN. Đến chiều ngày 7/1, phía cảnh sát cho biết kết quả trùng khớp. Điều đó có nghĩa cuối cùng anh đã tìm được gia đình và có thể có giấy tờ cá nhân.

Bị bắt cóc từ khi còn nhỏ, tên do người khác đặt cho 

Bạn bao nhiêu tuổi? Bạn sinh ngày nào? Nhà ở đâu? Những câu hỏi này luôn khiến người đàn ông tên Wang Ping (tự nhận) lo lắng đến bạc tóc. 

Wang Ping là người đã sống lang thang, nay đây mai đó hơn 30 năm, không có giấy tờ tùy thân và hầu như không cố định chỗ ở. Ở một khía cạnh nào đó, anh ấy dường như là một người "không tồn tại".

Wang Ping không dám xác nhận năm nay mình bao nhiêu tuổi. Trong trí nhớ mơ hồ của anh, anh sinh năm 1991 hoặc 1990, nhưng nghiêng về thích con số 1991 hơn. Anh sống trong một căn nhà thuê chỉ vỏn vẹn chục mét vuông ở cộng đồng Gubai, quận Jinniu, Thành Đô. Căn phòng tuy nhỏ nhưng được anh sắp xếp khá ngăn nắp. Người đàn ông cũng trồng rất nhiều loại xương rồng. 

 Wang Ping trong căn phòng thuê.

 Wang Ping trong căn phòng thuê. 

Theo lời của Wang Ping, anh sinh ra ở Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây. Anh nhớ hồi nhỏ, trước nhà có một cây nhãn. Anh thường ăn hải sản, chuối, mít và các món ăn miền Nam khác. Wang Ping nhớ mình “ăn thịt xiên và sữa của người lạ, khi tỉnh dậy đã thấy mình ở trong xe.”

Năm 1994, anh được cảnh sát giải cứu và đưa đến nhà phúc lợi ở huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông. Trong trại trẻ mồ côi, cậu tên là "Xiao Bingbing" và tiếp tục theo học trại trẻ mồ côi cho đến năm lớp 3. Wang Ping nhớ rõ mình từng 2 lần sinh nhật ở cô nhi viện nhưng đó không phải là ngày sinh thật mà là ngày vào cô nhi viện.

Mùa hè năm 2000, Wang Ping được một người đàn ông lái thuyền ở Hải Nam nhận nuôi và chuyển đến Hải Nam sống. Tuy nhiên, vào mùa đông cùng năm, người cha nuôi này đột ngột qua đời. Anh trở thành trẻ mồ côi và sống cuộc sống lang thang.

Đến năm 2003, anh được một người ở Quảng Nguyên, Tứ Xuyên nhận nuôi. Tới đây, anh không được tiếp tục đi học mà phải đến một xưởng sản xuất rượu nhỏ làm việc. “Lúc đó ông chủ trả lương cho tôi là 300 tệ nhưng dì nói chỉ có 100 tệ và thậm chí tôi chưa từng thấy 100 tệ đó bao giờ", Wang Ping nhớ lại. 

Anh bất đồng quan điểm với mẹ nuôi và quyết định rời đi, ra ngoài làm việc với những người cùng làng. Mãi đến năm 2006, khi biết tin mẹ nuôi qua đời, anh mới quay trở lại Tứ Xuyên để bày tỏ lòng kính trọng cuối cùng với bà.

Kể từ đó, Wang Ping đã lang thang ở Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tây và nhiều nơi khác cho đến khi tới Thành Đô, Tứ Xuyên vào năm 2014. Trong thời gian này, anh đã trải qua rất nhiều nghề, từ đầu bếp, dựng quầy hàng, chuyển gạch, chở xi măng, đào đất và các công việc khác.

Sau khi đến Tứ Xuyên, Wang Ping theo một người thầy họ Wang học về bảo trì thang máy. Ông cũng chính là người đã đặt cho anh cái tên hiện tại. Theo mô tả của Wang Ping, ông Wang rất tốt với anh, nhưng vì không có giấy tờ cá nhân và không thể mua bảo hiểm tai nạn nên không thể tiếp tục công việc. 

"Trước đây, việc kiểm tra giấy tờ tùy thân không nghiêm ngặt nên tôi thường sử dụng tên giả khi làm việc. Tuy nhiên, sau khi họ biết tôi không có giấy tờ tùy thân, họ đều không nhận tôi nữa", Wang Ping cho biết.

Anh thường ở mỗi thành phố trong một khoảng thời gian, sau đó thay đổi nơi ở với những mong có điều khác biệt hơn nhưng cuối cùng cũng không khác là mấy mấy. Wang Ping chia sẻ bản thân từng bị coi là kẻ chạy trốn, nhưng thường là sau khi bị bắt đến đồn cảnh sát thì phát hiện không có thông tin gì. 

Ông chủ tốt bụng giúp tìm người thân

Năm 2018, Wang Ping đã gặp Ye Hailong khi đi tìm việc. Ye Hailong mở một cửa hàng bách hóa bán buôn, đã thấy sốc khi nghe Wang Ping thành thật kể về những trải nghiệm của mình. Ye Hailong đã đưa Wang Ping đến đồn cảnh sát nhưng phát hiện không lấy được bất kỳ thông tin nào cũng như nhận dạng khuôn mặt hay dấu vân tay của người đàn ông này. 

Ye Hailong sau đó đã tạo điều kiện cho Wang Ping làm việc trong cửa hàng của mình. Sau khi Wang Ping rời cửa hàng bách hóa vì mâu thuẫn với các nhân viên khác, Ye Hailong vẫn tiếp tục giúp đỡ Wang Ping. Anh đăng ký một tài khoản xã hội tên là "Wang Ping" để giúp người đàn ông này tìm gia đình, quay video cho Wang Ping và công bố thông tin với hy vọng sớm tìm được gia đình. 

Wang Ping nhớ lại những năm lang thang vô gia cư, không ít lần bị lừa. Thậm chí, khi cuộc sống cùng cực, anh từng nghĩ đến việc tự tử, tìm một nơi không có người ở bên cạnh để chết dần chết mòn. May mắn thay, Ye Hailong đã thuyết phục được anh và Wang Ping đã từ bỏ ý định tự sát.

Wang Ping và Ye Hailong (phải).

Wang Ping và Ye Hailong (phải).

"Trong thời điểm khó khăn nhất, anh ấy cũng không muốn đạt được gì nếu điều đó làm tổn thương người khác. Đây là điều khiến tôi sẵn sàng giúp đỡ anh ấy", Ye Hailong cho biết. 

Giờ đây, Wang Ping kiếm sống bằng nghề lắp ráp vỏ máy tính cũ. Trong căn nhà thuê của anh cũng có một số bộ phận, dụng cụ cũ. Wang Ping nói những thứ này hiện tại đều là "tài sản" của anh. Vì không có giấy tờ tùy thân nên anh không thể sử dụng WeChat Pay hay Alipay, sim điện thoại đang dùng là do một người tốt bụng đưa cho. Nếu ai muốn mua máy tính của anh, họ thường chuyển tiền cho Ye Hailong, sau đó Ye Hailong sẽ rút tiền mặt đưa cho anh ấy.

Dù cuộc sống khó khăn song Wang Ping vẫn luôn tin rằng sẽ sớm đến ngày anh tìm được gia đình của mình, xác định danh tính thực sự. "Tôi là một con người bằng xương bằng thịt, không phải người ngoài hành tinh", anh nói. 

Cái kết có hậu

Cha của Wang Ping, ông Dai chia sẻ với các phóng viên rằng bản thân nhận được thông báo từ đồn cảnh sát địa phương vào trưa ngày 5/1. Họ nói con trai Dai Kun mất tích đã nhiều năm của gia đình có thể đã được tìm thấy rồi gửi cho gia đình ông ảnh của Wang Ping. Sau khi thực hiện xét nghiệm ADN huyết thống, xác định Wang Ping chính là người con trai đã mất tích nhiều năm của ông Dai. 

Wang Ping và cha ruột. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Wang Ping và cha ruột. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông Dai cho biết, con trai ông sinh vào tháng 11 âm lịch năm 1986 (không phải năm 1991 như Wang Ping nghĩ), quê quán ở Tất Giới, Quý Châu. Năm 2003, gia đình về quê ăn Tết, con trai đi ra ngoài và không quay trở lại. Họ đã nỗ lực tìm kiếm nhiều lần nhưng đều không có kết quả. 

Wang Ping nói với các phóng viên rằng những điều anh tự kể về việc bị bắt cóc trước đây, thời gian và nơi sinh... có thể là do trí nhớ của anh bị nhầm lẫn. Khi về quê nhận mặt người thân, mọi thứ trước mắt anh đều cảm thấy xa lạ nhưng anh vẫn có thể gọi những người bạn thời thơ ấu của mình bằng tên một cách thân mật. Wang Ping rất biết ơn cảnh sát và đông đảo cư dân mạng, tình nguyện viên và giới truyền thông vì đã giúp đỡ mình. 

Nuôi con cho tình nhân suốt 3 năm, chàng trai đi xét nghiệm ADN mới phát hiện sự thật sốc
Có con với một người phụ nữ sau vài lần yêu đương, chàng trai đã quyết định nhận đứa trẻ về nuôi để chịu trách nhiệm, nào ngờ 3 năm sau mới phát hiện...

Tin tức 24h

Theo Trương Thi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h