Cựu binh Mỹ nói ông đã vượt quãng đường gần 14.000 km với đôi chân bị viêm khớp để có được cuộc hội ngộ mà ông mong chờ từ lâu.
Ngồi trong phòng khách sạn tại một thành phố nhỏ ở Việt Nam, ông Jim Reischl (68 tuổi, cựu binh Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam) lộ rõ vẻ bồn chồn trong lúc chờ đợi.
Cựu binh Mỹ nói ông đã vượt quãng đường gần 14.000 km với đôi chân bị viêm khớp để có được cuộc hội ngộ mà ông mong chờ từ lâu.
"Tôi khá hồi hộp. Suốt 45 năm qua tôi không gặp cô ấy, ông Jim nói.
Một tiếng gõ cửa vang lên.
Đằng sau cánh cửa là người phụ nữ mà ông đã bỏ lại vì phải rời khỏi Sài Gòn vào tháng 7/1970. Khi đó, cô đã nói rằng mình đang mang thai đứa con của ông. Ông không tin cô, tuy nhiên, khi trở về Mỹ, ông chưa bao giờ thôi nghĩ về cô. Và ngay lúc này, cô lại bước vào cuộc đời ông lần nữa.
Reischl đến Việt Nam khi mới 21 tuổi với quân hàm trung sĩ Không quân Mỹ và đóng quân ở căn cứ Tân Sơn Nhất, ngoại ô Sài Gòn, nay là thành phố Hồ Chí Minh.
Sau 1 năm phục vụ tại Việt Nam, ông trở lại bang Minnesota, Mỹ, trở thành một chuyên gia vẽ bản đồ của chính phủ. Ông Jim đã kết hôn 2 lần, có một cậu con trai và sức khỏe cũng có vấn đề do hậu quả của chất độc màu da cam. Tuy vậy, ông chưa hề quên mối tình đầu của mình.
Năm 2005, sau khi cuộc hôn nhân thứ 2 đổ vỡ, Jim bắt đầu đi tìm người phụ nữ mà trong ký ức ông có tên là Linh Hoa. Nhưng đó không phải là tên thật.
Ông tìm kiếm trên internet và cuối cùng liên lạc được với Father Founded, một tổ chức chuyên giúp kết nối các cựu binh Mỹ với con lai của họ thông qua thử nghiệm ADN và các phương tiện khác.
Có khoảng 100.000 trẻ là kết quả của những mối tính giữa quân nhân Mỹ và phụ nữ Việt trong chiến tranh. Hầu hết trong số này đều đã di cư sang Mỹ và nhiều người trong số đó đã được các gia đình Mỹ nhận nuôi.
Năm 2012, nhờ sự giúp đỡ của tổ chức này, ông Jim đã đến Việt Nam năm lần, nói chuyện với các phóng viên và đăng tin tìm người trên các báo.
Mẫu thông báo đăng tìm người của ông Jim có nội dung: "Tôi đang tìm em. Đã nhiều năm trôi qua tôi không tìm kiếm một mối quan hệ. Tôi muốn em biết rằng tôi chỉ muốn nói chuyện với người phụ nữ tuyệt vời mà tôi quen những năm 1969 - 1970".
Mùa xuân năm ngoái, trong một chuyến đi do báo Washington Post tổ chức để thực hiện dự án về các con lai Mỹ - Việt ở Việt Nam, ông đã trở lại căn hộ mà ông và người yêu từng thuê với giá 5USSD/tháng để chung sống, cùng xem truyền hình qua chiếc tivi đen trắng và nghe những bản nhạc của Beatles và Blind Faith.
Ông vẫn nhớ rõ cái này cô thông báo mang thai. "Cô ấy muốn tôi ở lại Việt Nam. Lúc đó tôi nói tôi không muốn sống ở đây, nó hoàn toàn xa lạ với tôi. Tôi nghĩ khi đó mình còn trẻ và quá ngốc".
Jim cho những người hàng xóm ở gần căn hộ xem bức ảnh về người phụ nữ mà ông tìm kiếm chụp từ một taxi vào ngày cuối ông gặp cô. Không ai nhớ cô gái trong ảnh, song Reischl vẫn quyết tâm không bỏ cuộc.
Tháng 9/2015, người phụ nữ Việt Nam 64 tuổi đang ngồi bên giường chăm sóc chồng trong một ngôi làng ở thị trấn Mỹ Luông (tỉnh An Giang) thì tình cờ cầm iPad lên, truy cập vào một trang web. Cô vô cùng kinh ngạc khi thấy tấm ảnh thời trẻ của mình, trong vòng tay của một binh sĩ Mỹ. Người lính ấy chính là Reischl.
"Lúc nhìn thấy bức ảnh, tôi biết đó là ông ấy", bà Nguyễn Thị Hạnh kể lại. Cùng với đó là những suy nghĩ về đứa con gái của họ.
Sau khi Jim trở lại Mỹ, bà Hạnh cũng bỏ Sài Gòn về sống ở vùng nông thôn. Ngày 18/12/1970, bà sinh một bé gái với đôi mắt to và làn da ngăm. Bà đặt tên con là Nguyễn Thanh Nguyên Thủy.
"Tên của con bé có nghĩa là 'giọt nước mắt đầu tiên' vì lúc đó tôi cô đơn và không có người thân nào bên cạnh", bà Hạnh kể.
Bà Hạnh, lúc đó mới 19 tuổi, nhờ một người bạn đem con đến gửi ở một trại mồ côi và nghĩ rằng mình vẫn có thể đến thăm bé. Tuy nhiên, khi bà Hạnh tới trại trẻ mồ côi, các sơ khẳng định không ai đưa con cô tới đây.
Sau khi miền Nam giải phóng, bà đã gặp người chồng hiện tại. Họ có hai con và các con bà đều đã trưởng thành. Nhiều năm sau, bà Hạnh vẫn đi tìm lại đứa con gái thất lạc và không tha thứ cho Jim.
Sau khi đọc bài báo, bà đã gửi email cho phóng viên và người này đã giúp bà liên lạc với ông Jim. Cuộc tái ngộ sau 45 năm giữa họ đã diễn ra hồi cuối tuần trước ở quê nhà của bà.