Người dân khu vực phong tỏa được nhận tiền hỗ trợ, người mắc COVID-19 được điều trị miễn phí…Vậy chế độ, phụ cấp của bác sĩ được tính như thế nào?
Trước tình trạng dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khả năng lây nhiễm cao, phát tán rộng, đội ngũ Y – bác sĩ Việt Nam đang dốc toàn lực kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh.
Có thể nói, đội ngũ y, bác sĩ chính là những chiến sĩ đảm bảo an toàn sức khoẻ cho cả cộng đồng. Do đó, việc tăng ca, điều động thêm đội ngũ y bác sĩ trực chiến ngày, đêm là điều khó tránh khỏi.
Trong khi người nghi nhiễm bị cách ly được nhà nước lo chỗ ăn ở, người nhiễm COVID-19 được điều trị miễn phí, người dân khu vực bị phong tỏa được trợ cấp bằng tiền mặt theo quy đinh,... nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Đội ngũ y bác sĩ vất vả như vậy thì chế độ, phụ cấp của họ sẽ được chi trả như thế nào?
Luật sư Mai Thị Thảo, Trưởng ban Dân sự, Công ty luật TAT Law firm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế cũng là người lao động, cũng áp dụng quy định pháp luật lao động và pháp luật chuyên ngành để trả lương.
Luật sư Mai Thị Thảo cho biết, chế độ và phụ cấp cho bác sĩ chống dịch đã được quy định rất rõ ràng.
Ngoài mức lương cơ bản (lương tối thiểu vùng đối với ngành nghề qua đào tạo x hệ số lương), Thông tư 23/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn về mức lương làm thêm giờ của người lao động. Cụ thể, lương tăng ca tương đương 130%, 150%, 300% lương cơ bản. Ngoài ra y bác sĩ còn được hưởng các khoản phụ cấp trang phục bảo hộ, vật tư y tế, di chuyển…
Trong mùa dịch bệnh, đội ngũ y bác sĩ là công chức, viên chức tăng ca còn được hưởng các khoản phụ cấp như sau:
- Đối với khoản Phụ cấp ưu đãi theo nghề (ngành y): Điều 3 Nghị định số 56/2011 hướng dẫn đối với y bác sĩ hoạt động khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm; Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm; Kiểm dịch y tế biên giới được hưởng phụ cấp ưu đãi tương đương 60% lương.
- Đối với y bác sĩ là công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn mức phụ cấp 40% lương.
- Đối với khoản phụ cấp bác sĩ, nhân viên y tế thường trực, được tính theo ca và theo hạng mức bệnh viện (Số tiền/người/phiên trực/hạng bệnh viện). Đối với những ca trực 24/24, mỗi y bác sĩ được hưởng tối thiểu 115.000 đồng/người/phiên trực/bệnh viện hạng nhất, 90.000 đối với bệnh viện hạng hai, 65.000 đồng đối với các bệnh viện còn lại và 25.000 đối với các trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y.
Trong trường hợp phiên trực kéo dài 16 giờ, phụ cấp thường trực tương đương 0.75 lần ca trực 24/24 và 0.5 lần đối với ca trực 12/24 giờ.
Bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam hiện tại được điều trị miễn phí.
Nếu thường trực tại khu vực hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt, mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,5 lần mức quy định trên. Nếu thường trực vào ngày nghỉ hằng tuần, mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày lễ, ngày Tết, mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.
Ngoài ra, đối với phụ cấp ngành y, Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể khoản phụ cấp chống dịch tại Điều 3, Quyết định 73/2011.
Theo đó, bệnh nhân nhiễm COVID– 19 được phân loại vào “bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng” được phân loại vào nhóm A theo quy định tại Điều 3 của “Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm”.
Bác sĩ chống dịch tùy vào công việc và nhiệm vụ sẽ có chế độ phụ cấp khác nhau.
Mức phụ cấp đối với y bác sĩ trực tiếp chăm sóc và điều trị bệnh nhân truyền nhiễm Nhóm A được hưởng 150.000 đồng/ngày/người đối với ngày bình thường, 190.000 đồng/ngày/người đối với ngày nghỉ cuối tuần và 270.000 đồng/ngày/người đối với ngày Lễ - Tết.
Như vậy, ngoài các khoản thu nhập thông thường như lương, lương tăng ca, phụ cấp ngành y, phụ cấp khác, thì vào thời điểm mùa dịch, các y bác sĩ được điều động tăng ca còn được hưởng khoản phụ cấp thường trực và phụ cấp mùa dịch theo quy định pháp luật. Thu nhập đội ngũ y bác sĩ được tính bằng tổng các khoản lương và phụ cấp các mục như trên.
Nguồn kinh phí chi trả các khoản phụ cấp này được lấy tại Ngân sách nhà nước giao cho đơn vị theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và nguồn thu hợp pháp khác của đơn vị (nếu có). Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí ngân sách để thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù, trường hợp có khó khăn được ngân sách trung ương hỗ trợ.