Cả cuộc đời gắn vời nghề sông nước, đến bây giờ bà Bình cũng không nhớ nổi mình đã vớt được bao nhiêu người chết đuối ở sông Hồng.
Clip bà Bình chia sẻ về công việc vớt xác ở sông Hồng.
Người phụ nữ “bảy nổi, ba chìm” ở sông Hồng
Đến dốc Chèm thuộc phường Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chúng tôi hỏi thăm đến nhà bà Trần Thị Bình, người dân sống ở khu vực này ai cũng chỉ đường vanh vách. Khi tới nhà người phụ nữ này, nhiều ánh mắt tò mò dõi theo, với họ những người tìm đến bà Bình “Chèm” (tên thường gọi của bà Bình) chỉ để nhờ vớt xác trôi sông hoặc khâm liệm người đã mất.
Ngôi nhà cũ kỹ của bà Bình được dựng từ năm 1990 đến bây giờ.
Bà Bình năm nay 66 tuổi, thế nhưng bà vẫn giữ được sức khỏe dẻo dai hiếm ai sánh kịp. Rót cốc nước lá mời chúng tôi, rồi bà rót cho mình một chén rượu đầy rồi ngửa cổ tu ực một hơi, chén rượu hết veo. Bà bảo: “Ai làm nghề chài lưới, sông nước như bà dường như cũng biết uống rượu, uống để quên đi cái lạnh, cái cô đơn mỗi khi lênh đênh trên sông nước”.
Theo lời kể của bà Bình, tính đến thời điểm này bà đã có 60 năm sống bằng nghề đánh cá dưới sông. Năm bà 6 tuổi, nước lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, kể từ đó bà theo gia đình sống trên bè mảng dọc sông Hồng, rồi sau đó định cư lại ở bến Chèm ngày nay.
Sống bằng nghề sông nước nên làn da bà Bình đen sạm.
Cuộc đời bà Bình “Chèm” cũng bảy nổi ba chìm giống như nghề sông nước của bà vậy. Bố mẹ mất sớm, bà một tay chăm sóc, nuôi nấng các em khôn lớn cho đến khi dựng vợ gả chồng xong cho các em bà mới nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình.
Thế nhưng hạnh phúc của người đàn bà khổ hạnh chẳng kéo dài được lâu. Lấy chồng được một thời gian, năm 1986 bà sinh đứa con trai đầu lòng. Sinh con được một năm thì chồng mắc bệnh qua đời. Kể từ đó bà ở vậy vừa nuôi con nhỏ vừa làm việc thiện giúp đỡ mọi người.
“Sinh con được 3 ngày tuổi tôi đã phải trèo thuyền vượt sông lên núi kiếm măng, kiếm sắn về nuôi con. Có đêm đang ôm con ngủ, nhận được tin báo có người chết đuối ngoài sông, tôi lại gửi con chèo thuyền đi tìm và vớt xác họ”, bà Bình nói.
Bất kể khi nào có người gọi là bà sẵn sàng lên đường vớt người đuối nước.
Không chỉ những ngày còn trẻ khỏe, mà ngay cả bây giờ khi đã gần ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng bất kể giờ nào chỉ cần có chuông điện thoại kêu có người báo đi vớt xác người chết đuối là bà lại lên đường.
Thách thức “Hà Bá” giành lại thi thể người xấu số để chôn cất
Với những người sống bằng nghề sông nước như bà Bình, khi thấy người bị chết đuối thường họ sẽ phải tránh không dám vớt vì họ quan niệm rằng một khi “Hà Bá” đã gọi thì không ai dám cưỡng lại.
Nếu cố tình cứu người chết đuối, ngư dân sẽ phải thế mạng cho người đó. Thế nhưng với bà Bình thì lại hoàn toàn khác, bà bỏ ngoài tai tất cả những lời đồn đó. “Cứu hay vớt thi thể người chết đuối là làm phúc cho người ta. Khi đã làm phúc thì chẳng Hà Bá nào làm hại mình cả”, bà Bình nói.
Bà Bình dám "thách thức" Hà Bá ở sông Hồng để vớt người chết đuối.
Thời điểm bà Bình bắt đầu cứu vớt những người chết đuối đầu tiên đã xảy ra cách đây 50 năm. Bà kể, nhưng năm 1970 miền Bắc lũ rất lớn khi đó cả gia đình bà ở trên một chiếc thuyền chòng chành chống lại cơn lũ dữ. “Đứng trên thuyền nhìn cảnh nhiều người bị lũ cuốn trôi tôi nghĩ mình phải làm gì đó để cứu họ. Thế rồi tôi lao xuống dòng sông đục ngầu đang chảy cuồn cuộn để vớt họ lên thuyền. Kể từ đó nghiệp cứu người, vớt xác gắn với cuộc đời tôi như một cái duyên không thể rời bỏ”, bà Bình kể.
50 năm qua bà không nhớ nổi mình đã vớt được bao nhiêu người chết đuối, nhưng con số chắc chắn không dưới 700 người. Mỗi người được bà vớt lên là một hoàn cảnh, một số phận khác nhau. “Họ giận nhau cũng ra sông tự tử, rồi áp lực kinh tế, học hành. Thậm chí là cả chuyện tình duyên hay đi kiếm cơm ở bờ sông bị trượt chân ngã...”, bà Bình nói.
Những chiếc móc dùng để tìm và vớt xác người được bà Bình treo cẩn thận.
Đến bây giờ bà vẫn chưa thể quên được cảnh tượng đôi nam nữ bị chết đuối vì gia đình không cho cưới nhau, khi vớt lên họ vẫn ôm chặt nhau khiến nhiều người rơi nước mắt. Hay như vụ lật bè chuối cách đây nhiều năm trước, khi hàng trăm người bị chìm xuống sông. “Hôm đó, riêng tôi vớt được 32 người. Cứ đưa người này lên là lại nhảy xuống vớt xác người khác”, bà Bình nhớ lại.
Khi vớt xác lên, có nhiều thi thể không có người thân đến nhận bà Bình lại phải tự đưa đi mai táng cho những nạn nhân xấu số. Bà cho biết, riêng tại nghĩa trang gần nơi bà sống có nấm mồ tập thể chôn người đuối nước lên đến gần 1 trăm thi thể. Ngôi mộ đó cũng chính bà là người chăm sóc hương khói hằng ngày.
Bà Bình và một con chó được bà cứu sống ở Sông Hồng mang về nhà nuôi.
Làm phúc đức cho nhiều người nhưng hiện tại bà vẫn sống trong căn nhà lụp xụp. Bà nói rằng, sống thế quen rồi và nếu bà muốn giàu thì cả khu vực bến Chèm không ai giàu bằng bà. Bởi nhiều người bị chết đuối trên người họ rất nhiều tài sản, vàng bạc. Tuy nhiên, bà chẳng bao giờ tham những vật chất đó mà lấy của họ. “Dù mình nghèo thật, nhưng lấy của họ rồi đêm ngủ tâm mình chẳng yên. Vì thế tôi chôn theo họ hết”, bà Bình khảng khái nói.
Chia sẻ về những dự định tương lai, bà Bình cho rằng đã sống đến tuổi này thì chẳng cần biết đến tương lai nữa. Chỉ biết rằng hôm nay, ngày mai nếu có ai gọi đi vớt xác bà vẫn lên đường. Khi không còn sức khỏe để cầm lái con thuyền thì bà vẫn đi để chỉ bảo những người trẻ, làm sao vớt được thi thể những nạn nhân xấu số lên khỏi dòng sông càng sớm, càng tốt.