“Tôi đã chết cả cuộc đời, chết tuổi thành xuân vì cái nợ này. Tôi nghĩ do nghiệp của mình nên phải trả gần 40 năm, chứ làm gì có ai chịu được cảnh chồng lẫn con tâm thần”, người phụ nữ 65 tuổi tâm sự.
Ghé Tân Bình (Tân Trụ, Long An) hỏi thăm gia đình bà Sáu (65 tuổi) ai cũng hay biết vì hoàn cảnh quá đặc biệt – đến mức chỉ cần nghe đã phải thốt lên: Thật xót xa. “Gần nửa thế kỷ, người phụ nữ chưa từng được sống một cuộc đời thanh thản. Bà là người tận tay xích chồng xích con lại vì cả hai mắc bệnh tâm thần.
Nếu không xích, bà sẽ bị chồng con uýnh bầm tím người. Thậm chí họ còn đánh cả hàng xóm, phải đi nhập viện. Khi đó bà lại là người đứng ra xin lỗi và “giải quyết” mọi chuyện”, một YouTuber nổi tiếng cho biết.
Trong khi đó, người hàng xóm tiết lộ có đợt tắm cho chồng cho con, bà đã bị đánh “thừa sống thiếu chết”. Song bà vẫn phải “phục vụ” và chăm sóc vì đó là cái nghiệp, phải trả đến hết cuộc đời.
Sau đó chúng tôi tìm đến nơi ở của vợ chồng bà Sáu – căn nhà chất đầy đồ đạc, quần áo cũ và bụi bẩn. Bà ngại ngùng nói: “Tôi bận, ngày nào cũng chăm sóc bố con ông ấy từ sáng sớm đến tối muộn nên không có thời gian dọn dẹp. Tôi nuôi mấy con chó làm bầu bạn, chứ đôi lúc thấy mình cô đơn và lạc lõng lắm”.
Bà Sáu có hoàn cảnh rất đặc biệt.
Vừa dứt lời, bà Sáu tiếp tục kể về cơ duyên bản thân nên nghĩa phu thê với người đàn ông mắc bệnh tâm thần. “Nhiều người nghĩ lấy tôi về ông ấy mới phát bệnh. Họ đâu có ngờ ông ấy bị cách đó 3 năm rồi.
Hồi đó tôi cũng có giá lắm, hết người này đến người kia hỏi cưới mà không chịu. Tôi không hiểu sao lại kết ông ấy rồi làm đám cưới. Sau này tôi thấy chồng có biểu hiện bất thường, lúc tỉnh lúc mê nên hỏi chuyện mẹ chồng.
Khi ấy bà mới nói rằng chồng tôi bị tâm thần nhẹ, gia đình sợ không cưới được vợ nên giấu nhẹm đi. Tôi biết chuyện cũng sốc lắm, định bụng bỏ đi, đã khăn gói quần áo để về nhà đẻ”.
Thời điểm đó, ông Sáu vẫn còn tỉnh táo nên nài nỉ, van xin vợ ở bên. Ông hứa cả đời sẽ chăm sóc và yêu thương vợ hết mực. Bà Sáu nghĩ đây chính là duyên định mệnh, không thể làm khác đành ở lại để xây dựng tổ ấm nhỏ.
Một thời gian, bà Sáu đón nhận tin vui và hi vọng đứa con trong bụng chính là liều thuốc giúp bệnh tình của chồng thuyên giảm. “Ngày thằng lớn chào đời, tôi mừng lắm vì con bình thường, không có vấn đề gì cả. Vài năm sau tôi lại sinh thêm, nó khờ khạo và chậm chạp hơn anh trai rất nhiều. Tôi nghĩ có thể nó mang gen di truyền của bố”, bà Sáu nhớ lại.
Nói xong, bà Sáu rưng rưng hồi lâu. Sau đó bà đưa đôi bàn tay gân guốc quệt dòng nước mắt. “Tôi đã chết cả cuộc đời, chết tuổi thành xuân vì cái nợ này. Tôi nghĩ do nghiệp của mình nên phải trả gần 40 năm, chứ làm gì có ai chịu được cảnh chồng lẫn con tâm thần”, người phụ nữ 65 tuổi tâm sự.
Khi được hỏi “Cô nói con trai đầu bình thường, con út khờ khạo. Vậy ai là người mang gen tâm thần như chú Sáu”, bà Sáu thở dài cho biết con trai đầu là người rất hiền lành và vui vẻ. Năm lớp 10, anh bỗng phát bệnh phải đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, thậm chí đã tưởng chết. Và khi anh tỉnh lại, bác sĩ chẩn đoán anh bị tâm thần, chuyển qua bệnh viện tâm thần dưới Biên Hoà (Đồng Nai) chữa trị một thời gian.
Năm 19 tuổi, con trai của bà Sáu bỗng dưng bị câm, không nói được. “Tôi chẳng đưa đi khám nữa vì chỉ có tốn tiền, bệnh vẫn thế. Giờ nó đã 38 tuổi, cũng bị xích như ông ấy. Bởi hai cha con hay lên cơn, uýnh đập tôi hoặc hàng xóm.
Thực sự tôi không muốn xích họ đâu nhưng không có sự lựa chọn nào khác cả. Giờ cả hai hiền tính hơn xưa, chỉ có tắm rửa phải nịnh nọt đủ kiểu thôi. Chứ trước, tôi bị ăn đòn liên tục, muốn bỏ quách đi cho rảnh mà không được”, bà Sáu thành thật.
Dẫu vậy, người phụ nữ vẫn không dám mở khoá xích cho chồng và con. Bà sợ cả hai sẽ tấn công hàng xóm hoặc đánh đập bà như trước.
Về con trai thứ 2, bà Sáu cho biết dù khờ nhưng người này vẫn đi bán vé số kiếm tiền phụ mẹ nuôi cha nuôi anh trai. Thi thoảng anh lại được người ta thương, cho tiền hoặc mua ủng hộ. Vì thế bà cũng bớt nặng gánh hơn.
“Tôi vốn sống bằng nghề dệt chiếu bán nhưng giờ ế khách nên không làm nữa. May gia đình tôi được nhà nước hỗ trợ, mỗi tháng được hơn 2.3 triệu đồng tiền trợ cấp. Theo đó ông ấy lĩnh 900 nghìn đồng, tôi và thằng lớn được 720 nghìn đồng/người. Còn lại ai cho gì thì xin nấy, sống bằng sự giúp đỡ của mạnh thường quân thôi”, bà Sáu thờ dài.