Người phụ nữ Gia Lai từng chịu cảnh mỉa mai bị "điếc", đẻ 13 đứa trong vòng 20 năm, đặt tên con độc lạ

NGỌC HÀ - Ngày 03/02/2023 11:55 AM (GMT+7)

Nhắc đến chuyện có sinh tiếp hay không, chị Loan lắc đầu vì quá thấm cái khổ khi nhà đông con.

Ngày nay, vì nhiều lý do về kinh tế, việc làm… khiến xu hướng không kết hôn, kết hôn muộn hoặc kết hôn chỉ sinh một con và không sinh con trong giới trẻ đang gia tăng. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến sự tụt giảm mức sinh tại các địa phương trong cả nước.

Vậy mà ở Gia Lai lại có cặp vợ chồng sinh quá nhiều con đến mức chính quyền lẫn cán bộ dân số liên tục đến nhà “vận động” phòng tránh thai, kế hoạch hóa gia đình. Đó là vợ chồng chị Loan (SN 1978) và anh Long (SN 1976) – sinh sống tại một buôn làng nghèo, quanh năm mưu sinh bằng nghề làm nông.

“Tôi có nhiều cháu nội ngoại lắm, đếm không xuể, thậm chí cũng chẳng nhớ nổi tên tuổi của chúng. Song tôi biết rõ vợ chồng cái Loan có 13 đứa: 4 trai và 9 gái, cứ sát sàn sạt nhau, nhỏ tí hin. Sở dĩ tôi nhớ vì sống gần nhà nó, thi thoảng vẫn trông giúp đám trẻ”, người phụ nữ lớn tuổi – tức mẹ của chị Loan nói.

Bà vừa dứt lời, chị Loan đi từ trong nhà ra, niềm nở khi thấy có khách ghé thăm. Chị nói: “Cô chú nghe người ta giới thiệu vợ chồng tôi đông con nên tới đúng không? Trước đây cũng có vài đoán hay tin chúng tôi đẻ nhiều con, sống khổ rồi đến từ thiện, cho lũ trẻ bánh sữa và giúp đỡ tiền mua nhu yếu phẩm. Tôi rất cảm ơn mọi người đã “cưu mang”, hỗ trợ vợ chồng chúng tôi”.

Ngôi nhà đơn sơ của vợ chồng chị Loan.

Ngôi nhà đơn sơ của vợ chồng chị Loan.

Sau đó chị khẳng định hai vợ chồng sinh 13 con, chứ không phải 16 như nhiều người nghĩ. Hỏi chị có nhớ được hết năm sinh, tên của các con hay không, chị lắc đầu bảo: “Tôi không nhớ nổi năm sinh nhưng tên của chúng nó thì có, lần lượt là: T’rơn, Chuê, Peo, Ruê, Đan, Ru, San, Si và…”. Chị ngập ngừng hồi lâu rồi cười trừ khi không thể nhớ tên của những đứa trẻ còn lại.

Chị Loan cưới chồng từ năm 16 tuổi. Hai năm sau chị mới sinh đứa con đầu lòng trong niềm vui sướng của họ hàng hai bên. Gia đình đã mổ lợn ăn mừng suốt mấy ngay vì sau bao lâu đợi chờ cũng có một đứa trẻ.

Hai năm sau, người phụ nữ dân tộc sinh tiếp bé thứ 2. Anh Long đã oà khóc nức nở bởi không thể tin rằng chỉ trong vài năm đã làm cha của hai đứa trẻ. “Cưới xong, gia đình mong mỏi có cháu lắm mà tôi mãi chẳng sinh được. Người ta còn bảo tôi “điếc” không đẻ được. Khi ấy chồng tôi buồn bã lắm bởi theo quan niệm của người đồng bào lấy vợ phải sinh được con mới vẹn toàn, giàu sang và phú quý”, chị Loan tâm sự.

Chị Loan chẳng thể nhớ nổi tuổi tuổi của lũ trẻ.

Chị Loan chẳng thể nhớ nổi tuổi tuổi của lũ trẻ.

Cuối cùng, chị Loan đã chứng minh cho tất cả thấy mình không hề bị “điếc”, đẻ 13 đứa con trong vòng 20 năm. Song chuyện đẻ nhiều đã khiến vợ chồng chị rơi vào tình cảnh khốn khổ, chẳng thế khấm khá dù chăm làm quanh năm.

Vợ chồng chị Loan làm nông hoặc đi phạt rẫy tra ngô giúp người dân trong làng với mức thù lao hơn trăm nghìn đồng/ngày. Số tiền đó chỉ đủ để chị cho đám nhỏ đến trường, mua sắm nhu yếu phẩm, gạo… còn quần áo hay đồ dùng học tập đều đi… xin.

“Hôm nào chúng tôi có việc thì bữa đó đám nhỏ được ăn cơm với thịt. Còn ngày nông nhàn, chồng tôi phải lên núi kiếm rau rừng về ăn kèm với cháo loãng. Nói chung chúng tôi không thể làm chủ cuộc sống của gia đình, tất cả phụ thuộc vào việc bữa đó có người mướn hay không...”, chị Loan chia sẻ.

Các con của vợ chồng chị Loan cứ sàn sàn sạt tuổi nhau.

Các con của vợ chồng chị Loan cứ sàn sàn sạt tuổi nhau.

“Cuộc sống khốn khổ vậy, anh chị vẫn lo cho các con đến trường?”, chúng tôi ngỡ ngàng. Chị Loan trầm ngâm: “Phải đi học chứ. Ở cái buôn làng này toàn người nghèo, ít người học hành nên mãi chẳng thể khấm khá nên được. Vì thế chúng tôi biết chỉ có cái chữ mới giúp thoát nghèo được. Tôi sẽ cố gắng cho chúng đi học hết cấp III, có cái bằng xin vào các công ty làm công nhân cũng đỡ vất hơn làm nương rẫy.

Một số đứa 4-5 tuổi, tôi cũng gửi đi mẫu giáo trong buôn để được thầy cô dạy nhiều thứ. Vợ chồng tôi ít học lại cắm đầu vào làm thì lấy đâu kiến thức, thời gian kèm cặp chúng. Giờ tôi chỉ mong đám nhỏ ham học thì tốt biết mấy”.

Nhắc đến chuyện có sinh tiếp hay không, chị Loan lắc đầu vì quá thấm cái khổ khi nhà đông con. Chị cũng tiết lộ rằng không phải hai vợ chồng chủ đích đẻ nhiều. Chị từng nghe lời cán bộ dân số uống thuốc tránh thai và đặt vòng nhưng cơ địa không phù hợp, vẫn mang bầu liên tục. Chị rất trăn trở về vấn đề đó: “Tôi không phù hợp với các biện pháp tránh thai an toàn đó. Song giờ cũng sợ đẻ nên tự tìm cách tránh thai của riêng mình”.

Về công tác dân số của Việt Nam: Đất nước ta đang trong giai đoạn chuyển trọng tâm từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Song trên thực tế, một số vùng núi cao xa xôi vẫn trong thực trạng tỷ suất sinh còn rất cao. Mỗi người cần tự nâng cao kiến thức và biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tuân thủ các chính sách của nhà nước, không nên sinh quá nhiều con để giảm thiểu tình trạng gia tăng dân số mất kiểm soát, chống đói nghèo, đóng góp cho sự phát triển ổn định về kinh tế và dân số của nước nhà.

Người đàn bà góa 52 tuổi cưới trai tân 25 tuổi: Bất ngờ nhận được quà từ người lạ, chồng trẻ tiết lộ dự định tương lai
Chia sẻ dự định trong năm mới, chàng trai trẻ tuổi cho biết chẳng mong gì nhiều ngoài hai vợ chồng có sức khoẻ và làm lại căn nhà cho tử tế.

Tin tức 24h

Theo NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h