Người đàn ông 68 tuổi thẳng thắn cho biết mục đích mình xây dựng khách sạn trên đọt (ngọn) dừa không phải vì kinh tế mà muốn tất cả người dân ở Việt Nam có cơ hội trải nghiệm cảm giác lạ ở trên cao.
Về Châu Thành (Tiền Giang) hỏi thăm chuỗi khách sạn – cà phê trên đọt (hay ngọn) dừa ai cũng hay biết và kể vanh vách về chủ nhân của chúng. Đó là ông Đoàn Văn Khanh (thường được gọi là Tư Khanh, 68 tuổi) – một doanh nhân thành đạt chuyên kinh doanh các sản phẩm từ dừa và bưởi.
“Ở xứ này, ai chẳng biết ông Tư Khanh chứ. Ông nổi tiếng với tài kinh doanh giỏi và độc đáo, điển hình là việc làm nhà hàng, quán cà phê và khách sạn trên đọt của cây dừa bằng… ve chai. Vì thế nếu người ta thờ Thổ địa hoặc Thần tài thì ông thờ thần Chai như để cảm ơn đã giúp khu du lịch “nên gốc nên hình” như hiện tại.
Nói chung mọi người đặt chân đến mảnh đất 10.000 m2 của ông Tư Khanh sẽ chẳng bao giờ phải hối hận. Vì tất cả sẽ được cảm nhận một cảm giác thật khác lạ mà không đâu có được”, chị Hồng Hương (35 tuổi) – người dân sinh sống tại Gò Công (Tiền Giang) cho hay.
Mảnh đất 10.000 m2 của gia đình ông Tư Khanh.
Cơ duyên ông Tư Khanh nảy ra ý tưởng xây nhà hàng – khách sạn bằng vỏ chai rất tình cờ và hi hữu. Ông kể: “Một hôm đi trong vườn nhà, tôi nhìn thấy túi nilong, vỏ chai ngập dưới mương, kênh. Hai thứ đó lại cực kỳ khó xử lý, gây ảnh hưởng đến môi trường. Thấy vậy, tôi chợt có suy nghĩ kết hợp hai thứ này lại với nhau: bỏ túi ni lông vào vỏ chai rồi kết thành hàng rào, vừa hợp mỹ quan lại giải quyết được phần nào vấn đề môi trường”.
Nghĩ là làm, người đàn ông Tiền Giang đã thu gom hàng trăm nghìn vỏ chai trên khắp cả nước để tạo nên khu du lịch sinh thái độc lạ có “1-0-2” tại miền Tây. Mọi thứ trong khuôn viên nhà, từ ngôi nhà, tường rào, bàn, ghế đều được làm từ chai nhựa và túi ni lông bị vứt đi.
Ban đầu ông Tư Khanh xây dựng hàng rào xung quanh vườn, sau đó là một ngôi nhà ở giữa hồ sen, dãy nhà bằng chai nhựa rồi đến bàn, ghế được kết hợp từ chai nhựa, thùng nhựa loại 20 lít đã qua sử dụng. “Công trình làm từ vỏ chai và nilong không tốn kém song thời gian ngồi ghép chúng vào với nhau lại đòi hỏi sự kiên trì và chịu khó”, ông nói.
Chân dung người đàn ông tài giỏi (áo sơ mi trắng).
Nhắc đến quán cà phê nằm trên đọt dừa, ông Tư Khanh hào hứng chia sẻ: “Nó ở độ cao khoảng 10m so với mặt đất. Mỗi lần du khách muốn uống cà phê là phải đi lên bằng chiếc thang sắt. Ngoài ra tôi còn mới hoàn thiện khách sạn trên đó với quy mô 6 phòng nghỉ. Nhiều người từng ghé đến đây hay thắc mắc lý do vì sao tôi lại xây dựng khách sạn trên cao như thế? Có người còn bảo tôi gàn dở, xây lên làm gì có người thuê phòng.
Thú thực tôi chính là người tự nảy ra ý tưởng xây dựng khách sạn trên đọt dừa. Tôi thấy các nơi trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có rất nhiều khách sạn 5 – 4 – 3 sao ở biển, núi… song chưa đâu có khách sạn ngàn sao trên ngọn cây dừa. Hơn nữa tôi muốn tạo cảm giác lạ cũng như trải nghiệm mới cho người “thưởng thức”. Và tôi đã bắt tay vào thực hiện”.
Nhà vệ sinh trên ngọn dừa dành cho du khách ghé tới trải nghiệm khách sạn.
Khách sạn trên đọt dừa của ông Tư Khanh đã khai trương và đón lượt khách đầu tiên. Ông bảo đã có nhiều người đăng ký muốn thử cảm giác ở nơi ngàn sao, không hề bận tâm đến chi phí dù khá cao.
“Nếu thuê qua đêm là 2.000.000 đồng, còn theo tiếng là 500.000 đồng/tiếng. Đặc biệt mỗi người chỉ được đến đây 1 lần, không có lần thứ 2”, ông Tư Khanh khẳng định.
Lúc này chúng tôi liền thắc mắc tại sao lại vậy, người đàn ông 68 tuổi thẳng thắn cho biết mục đích mình xây dựng khách sạn không phải vì kinh tế mà muốn tất cả người dân ở Việt Nam có cơ hội trải nghiệm cảm giác độc lạ ở trên cao. Hơn cả ông muốn quảng bá hình ảnh du lịch xứ miệt vườn đến bạn bè quốc tế.
Ông Tư Khanh vốn là chủ một vườn dừa lớn. Ban đầu gia đình ông chỉ hái dừa bán cho thương lái hoặc mang ra trước cổng bán cho người qua đường. Sau đó ông nhận thấy khách càng ngày càng "chịu chi", sẵn sàng trả nhiều tiền để được uống nước dừa tươi ngon, chất lượng nhất. Và cùng với nhận định nhu cầu du lịch xanh, du lịch sinh thái, ông quyết định đầu tư hơn một tỷ đồng làm hệ thống cầu thang tận ngọn dừa cho khách trèo hái quả.
Ngoài ra ông Tư Khanh còn đầu tư hơn một tỷ đồng làm hệ thống cầu thang tận ngọn dừa cho khách trèo hái quả.
“Năm 2020, tôi làm hệ thống cầu thang với tổng chiều dài hơn 500m, chạy vòng quanh vườn, có lối dẫn đến tận các buồng dừa để khách thỏa thích lựa chọn. Tôi định chỉ bắc thang cho khách trèo lên hái rồi trèo xuống, nhưng nhiều người bảo muốn ngồi lại nghỉ ngơi, uống nước dừa tận ngọn cây nên tôi đầu tư hệ thống dàn, đường đi”, ông Tư Khanh tâm sự.