Ô sin bệnh viện ngày Tết: Kiếm được tiền triệu nhưng giao thừa vẫn rơi nước mắt

Ngày 05/02/2019 18:53 PM (GMT+7)

Vì cơm áo gạo tiền, nhiều người chấp nhận cảnh xa gia đình trong những ngày Tết, ăn nằm chờ chực trong các bệnh viện để chăm sóc những người xa lạ đang mắc bạo bệnh.

Ô sin bệnh viện ngày Tết: Kiếm được tiền triệu nhưng giao thừa vẫn rơi nước mắt - 1

Clip anh Duy chia sẻ khi không thể về nhà dịp Tết.

Thu nhập cao nhưng lòng buồn canh cánh vì phải xa gia đình

Gần Tết, ai ai cũng hối hả trở về để đoàn tụ với những người thân trong gia đình. Thế nhưng, ở một số bệnh viện lớn tại Hà Nội vẫn có không ít người cố bám trụ lại không về quê ăn Tết để làm giúp việc cho những gia đình có người mắc bạo bệnh đang nằm trong viện.

Cô Bùi Thị My (52 tuổi, Đồng Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ) - người đã có thâm niên 10 năm đi chăm người bệnh ở các bệnh viện là một trong số những người như vậy. “Tết đến, ai chẳng muốn về với gia đình, nhưng vì công việc, vì kiếm tiền tôi và một số anh em khác cố bám trụ lại mấy ngày Tết để kiếm thêm thu nhập”, cô My chia sẻ.

Ô sin bệnh viện ngày Tết: Kiếm được tiền triệu nhưng giao thừa vẫn rơi nước mắt - 2

Trông người bệnh ngày Tết được trả rất cao.

Bắt đầu đi giúp việc từ năm 2008, ban đầu cô My đi giúp việc tại các gia đình. Nhưng trong một lần đưa người nhà vào viện, thấy nhiều gia đình trong viện có nhu cầu thuê người chăm sóc người bệnh, kể từ đó cô bắt đầu làm ô sin bệnh viện.

“Làm ô sin trong bệnh viện khác xa với giúp việc ở các gia đình. Công việc luôn chân luôn tay, không khi nào có được một giấc ngủ ngon. Có những khi vừa nằm xuống nền gạch chưa kịp chợp mắt lại phải dậy vì họ đi vệ sinh hoặc muốn ăn uống gì đó”, cô My chia sẻ.

Năm nay, cô My nhận trông một người bệnh đang nằm ở khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Quân y 354), được trả khoảng 1 triệu/ngày. So với những ngày bình thường, đó là mức thu nhập khá cao. “Thu nhập dù cao thật nhưng chúng tôi phải đánh đổi nhiều thứ, đó là phải xa gia đình, người thân. Tôi còn nhớ năm đầu tiên ở lại làm trong dịp Tết, khi nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết tôi đã khóc vì rất buồn và nhớ gia đình”, cô My nhớ lại.

Ô sin bệnh viện ngày Tết: Kiếm được tiền triệu nhưng giao thừa vẫn rơi nước mắt - 3

Theo cô My khi đã nhận làm việc thì phải làm hết trách nhiệm của mình.

Nói về nghề giúp việc trong bệnh viện, cô My cho rằng nhiều người coi đó là công việc dưới “đáy” xã hội, nhưng cô lại không nghĩ vậy. “Chúng tôi kiếm ra đồng tiền bằng chính sức lao động của mình nên không có gì phải xấu hổ cả. Hơn nữa, trong khi làm việc có nhiều gia đình nghĩ bỏ đồng tiền ra thuê là họ sai khiến mọi thứ. Điều đó là hoàn toàn sai, chúng tôi chỉ làm theo đúng hợp đồng công việc, đó là chăm sóc cho những người bệnh trong bệnh viện sao cho tốt nhất”, cô My tâm sự.

Cũng nhờ công việc này, hiện gia đình cô My đã thoát nghèo. Sau 10 năm đi làm cô đã có thể mua được đất mặt đường làm nhà 2 tầng, lo xong việc cho con cái... “Năm nay tôi 52 tuổi, dự định sẽ làm công việc này 3-4 năm nữa, kiếm chút vốn về dưỡng già”, cô My phấn khởi nói.

Ô sin bệnh viện ngày Tết: Kiếm được tiền triệu nhưng giao thừa vẫn rơi nước mắt - 4

Những người làm ô sin bệnh viện phải đánh đổi rất nhiều.

“Hy sinh” Tết để kiếm tiền lo cuộc sống gia đình

Là một người đàn ông nhưng anh Nguyễn Văn Duy (ở Phú Thọ) đã có thâm niên lâu năm đi làm ô sin ở bệnh viện. 8 năm làm công việc này cũng đồng nghĩa với 8 năm anh Duy không được đón giao thừa cùng vợ con.

“Nói thật bảo là không thích về Tết là nói dối. Ai chẳng nhớ nhà, ai chẳng muốn về nhưng vì hoàn cảnh khó khăn thì phải ở lại kiếm tiền thôi. Tính ra, làm Tết thu nhập gấp 3 lần bình thường, mình ở nông thôn không có tiền phải tranh thủ kiếm chứ”, anh Duy thẳng thắn.

Ô sin bệnh viện ngày Tết: Kiếm được tiền triệu nhưng giao thừa vẫn rơi nước mắt - 5

Dù rất muốn về Tết bên vợ con nhưng do hoàn cảnh anh Duy chấp nhập làm thông Tết.

Có lợi thế sức khỏe nên năm nay, anh Duy nhận khoảng 3 bệnh nhân để chăm sóc dịp Tết nhằm tăng thêm thu nhập. “Mỗi ngày họ trả tôi 1 triệu, nếu trông 3 bệnh nhân trong vòng 10 ngày thì cũng được một khoản tiền lớn để lo việc cho gia đình. Ở quê chúng tôi làm gì ra được bằng ấy tiền”, anh Duy nói.

Nhận trông nhiều bệnh nhân cùng một lúc nhưng anh Duy vẫn đặt công việc và trách nhiệm lên trên hết. “Những ngày Tết, tôi ăn ngủ đều phải tranh thủ hết. Bởi bệnh nhân đều nặng phải nằm hồi sức, họ có thể mất bất kể lúc nào, vì thế mình phải luôn tỉnh táo để phòng trường hợp xấu xảy ra”, anh Duy chia sẻ về công việc.

Dù là người mạnh mẽ, anh Duy vẫn không tránh khỏi có những nỗi niềm riêng khi phải xa gia đình trong những ngày Tết. “Tết xa vợ con cũng nhớ lắm chứ. Các con không có bố bên cạnh chắc cũng tủi thân nhưng biết làm sao được. Thôi đành đêm giao thừa gọi điện về động viên, chúc Tết để mọi người phấn khởi”, anh Duy nói.

Sau thời gian làm Tết, đến khoảng 15 tháng Giêng anh Duy lại khăn gói quả mướp về quê với vợ con. “Khi về tôi vẫn làm vài mâm cơm mời gia đình nội ngoại đến ăn Tết cùng gia đình. Sau đó đi chúc Tết mọi người”, anh Duy nói.

Tin nóng: Nữ ô sin trộm hơn 100 cây vàng trong 1 năm chủ nhà không hề biết
Hòa thực hiện trộm 9 lần với tổng cộng khoảng 100 cây vàng trong suốt một năm nhưng chủ nhà không hề hay biết.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết - Yêu đi đừng sợ