Chỉ so một người phụ nữ trên đảo hoang khiến cuộc sống của 31 người đàn ông trở nên vô cùng khó khăn và khắc nghiệt khi phải tranh giành, thậm chí sát hại lẫn nhau để có được người phụ nữ ấy.
Vào một ngày tháng 11/1952, hơn 1.000 người Nhật Bản đã đến bến cảnh tại thành phố Yokohama để chào đón sự xuất hiện của một người phụ nữ có tên Kazuko Higa. Khi Kazuko bước xuống, cả đám đông ồ lên. Có một thứ gì đó từ người phụ nữ đang mặc kimono khiến mọi người mê mẩn nhưng không phải đến từ ngoại hình của cô. Kazuko có thân hình nhỏ bé, khuôn mặt góc cạnh nam tính.
Điều khiến người ta chú ý đến cô là bởi danh xưng "Nữ hoàng đảo Anatahan". Kazuko đã sống và "cai trị" 31 người đàn ông trên hòn đảo nhỏ thuộc Thái Bình Dương này trong suốt những năm diễn ra Chiến tranh thế giới thứ 2. Điều khiến người ta tò mò nhất chính là nguyên nhân dẫn tới cái chết của một số người đàn ông trong nhóm này.
Người phụ nữ duy nhất trên hòn đảo hoang
Đảo Anatahan thuộc Thái Bình Dương, có diện tích chỉ khoảng 33 km2 với một ngọn núi lửa còn hoạt động. Năm 1868, những nhà truyền giáo Tây Ban Nha đã đặt chân đến hòn đảo, đưa những người dân bản địa rời khỏi đây rồi lập nên một đồn điền trồng dừa với sản lượng khoảng 125 tấn mỗi năm vào cuối thế kỷ 19.
Cô Kazuko có ngoại hình không nổi bật.
Năm 1899, người Tây Ban Nha bán hòn đảo cho Đức, sau đó tiếp tục bán lại cho Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Chính phủ Nhật Bản đã cải tạo hòn đảo, sau đó cử một người đàn ông là Kikuichiro Higa tới đây giám sát 45 công nhân làm việc trong đồn điền. Ông Kikuichiro đã dẫn theo một cấp phó tới hỗ trợ là Shoichi Higa, anh này lại dẫn theo người vợ trẻ của mình là Kazuko Higa.
Không bao lâu sau, Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra nhưng đảo Anatahan vẫn an toàn giữa biển khơi. Tuy nhiên, anh Shoichi lo lắng cho sự an toàn của em gái mình, người đang sống ở một hòn đảo khác tên Saipan, nên đã quyết định rời đảo đi tìm em gái. Anh Shoichi hứa hẹn với người vợ Kazuko rằng sẽ sớm trở về nhưng từ sau đó, không ai nghe bất cứ tin gì về anh nữa. Tưởng chồng đã tử nạn trong chiến tranh, Kazuko quyết định trở thành vợ của ông Kikuichiro - sếp của chồng. Một thời gian sau, chỉ còn cặp vợ chồng này trên đảo bởi những người công nhận sợ bom đạn nên đã trốn vào rừng.
Kazuko sống cùng 31 người đàn ông trên đảo hoang.
Tới tháng 6/1944, không quân Mỹ bắn hạ 3 chiến hạm của quân Nhật ở ngoài khơi đảo Anatahan. 31 lính hải quân Nhật sống sót đã bơi vào bờ và được vợ chồng ông Kikuichiro, cô Kazuko giúp đỡ. Chiến tranh không ảnh hưởng tới hòn đảo nên họ vẫn sống yên bình trong nhiều năm với nguồn lương thực dự trữ và làm ra được. Những người lính cũng lấy súng đạn từ một vụ máy bay rơi, lấy sắt thép để chế tạo xoong nồi và cắt vải dù để may quần áo.
Khi quân đội Nhật đầu hàng vào tháng 8/1945, máy bay Mỹ đã rải truyền đơn lên đảo Anatahan nói rằng chiến tranh đã kết thúc nhưng 31 người lính không tin, vẫn quyết cố thủ trên đảo.
Mọi chuyện vẫn bình thường cho đến năm 1946, ông Kikuichiro bị ốm nặng rồi qua đời. Cô Kazuko thế chỗ chồng mình, trở thành người cai trị hòn đảo. Mặc dù không có nhan sắc "nghiêng nước nghiêng thành" nhưng cô vẫn được tôn thờ như "bà hoàng" bởi là người phụ nữ duy nhất trên đảo.
Cuộc chiến đẫm máu để có được "bóng hồng" duy nhất
Việc cô Kazuko một mình sống với 31 người đàn ông trên đảo hoang đã gây ra không ít rắc rối. 31 người lính này ai cũng mong có được trái tim cô bởi bản năng của người đàn ông khiến họ không thể kìm nén được lâu, dần dần gây ra những hiểu lầm và thù hận lẫn nhau. Cuối cùng, tướng Ishida, người có quân hàm cao nhất trong số những người lính đã chỉ định một người kết hôn với cô Kazuko để chấm dứt cuộc tranh giành này. Nào ngờ đám cưới diễn ra chưa lâu, người đàn ông này đột ngột chết đuối.
Những người đàn ông sát hại lẫn nhau để được kết hôn với Kazuko.
Cô Kazuko đã liên tục kết hôn với 4 người nữa nhưng họ đều lần lượt bị sát hại dã man. Tổng cộng 11 người đàn ông đã chết, trong đó có một người được tìm thấy với 13 vết đâm trên người. Người ta tin rằng những người lính không phục chuyện kết hôn của cô Kazuko, muốn cô là của mình nên đã âm mưu sát hại lẫn nhau.
Tháng 7/1950, những người đàn ông còn lại trên đảo quyết tâm đem cô Kazuko ra hành quyết vì cho rằng cô là nguồn cơn của mọi rắc rối. Kazuko đã nghe ngóng được thông tin này nên nhanh chóng bỏ trốn, sau đó được quân đội Mỹ giải cứu sau vài tuần. Trở về Nhật, cô Kazuko bỗng trở thành người nổi tiếng khi câu chuyện "nữ hoàng đảo hoang" sống cùng 31 người đàn ông được dư luận chú ý.
Hàng loạt bài báo viết về "nữ hoàng đảo Atanahan".
Bi kịch của chiến tranh
Khi công chúng không còn mặn mà với câu chuyện trên đảo hoang nữa, cô Kazuko quyết định rời Tokyo để trở về quê nhà ở Oninawa. Không thể ngờ tại đây, cô đã gặp lại người chồng Shoichi năm xưa. Thì ra, ông Shoichi vẫn còn sống nhưng vì chiến tranh loạn lạc nên không thể quay lại với vợ. Sau hơn một thập kỷ xa cách, cặp đôi đoàn tụ bên nhau và sống thầm lặng trong một căn nhà nhỏ.
20 người lính còn lại vẫn cố thủ trên đảo Anatahan thêm một năm nữa kể từ khi cô Kazuko rời đi. Họ vẫn không tin chiến tranh kết thúc nên quyết cố thủ trên đảo không rời. Tới tận tháng 8/1951, khi phía Mỹ gửi những hình ảnh người thân của những người lính tới đảo, họ mới bắt đầu thay đổi. Cuối cùng, những người lính này đã vẫy cờ trắng xin hàng khi thấy quân đội Mỹ tới đảo.
Những người lính Nhật cuối cùng trên đảo được đưa về đất liền.
Một trong những người lính có tên Junji Inoue đã kể về chuyện sống cùng cô Kazuko trên đảo, sau đó 11 trong số 31 người đàn ông đã chết vì tranh giành người phụ nữ này. Đây là điều mà cô Kazuko chưa từng kể với công chúng trước đây.
Về phần những người lính còn lại, họ đã phải chịu rất nhiều mất mát khi sống trên đảo hoang nhiều năm. Họ không biết bất cứ thông tin gì về xã hội, nhiều người trong số họ có vợ con đã tái giá vì tưởng chồng mình tử nạn ngoài chiến trường.
Đảo Atanahan ngày nay.
Cho đến nay, hòn đảo Anatahan không còn ai sinh sống nữa, trở thành đảo hoang và đang được chính quyền địa phương xem xét biến thành địa điểm du lịch.