Phải trực đến hết ngày 30 Tết, thậm chí qua cả khoảnh khắc năm mới, nhiều lễ tân thường xuyên phải đón một cái Tết muộn.
Video: Cô nàng lễ tân đã có 4 cái Tết muộn
Tạ Thị Hồng là một cô gái trẻ sinh năm 1991, hiện làm lễ tân trong một khách sạn ở phố cổ. Chúng tôi hẹn gặp Hồng vào những ngày mưa phùn cuối năm. Cô lễ tân vô cùng niềm nở đón tiếp chúng tôi dù công việc bận rộn.
Có thể trong mắt nhiều người, lễ tân là một công việc đơn giản và không kiếm ra nhiều tiền. Bố mẹ Hồng cũng đã từng phản đối cô rất nhiều. Theo học ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Hà Nội, Hồng thích công việc được tiếp xúc với môi trường quốc tế, bởi vậy trong đợt thực tập năm cuối, cô xin vào làm lễ tân cho một khách sạn nhỏ. Kết quả, Hồng đã "chết mê chết mệt" ngành nghề không hề đúng với chuyên môn này và theo đuổi nó suốt gần 5 năm.
"Bạn bè cùng khóa với mình thì hầu hết đều theo đúng ngành nghề đã học. Còn mình thì lại rẽ một hướng khác hẳn. Lúc đầu bố mẹ, gia đình mình cũng phản đối ghê lắm. Vì rõ ràng nếu mình theo kinh doanh thì chắc chắn sẽ có thu nhập ổn hơn. Mình lại là con gái nên bố mẹ cũng không thích mình phải làm ca kíp đêm hôm. Nhưng theo nghề lễ tân mình lại có thể có được nhiều thứ khác. Ví dụ như sẽ tiếp xúc được với nhiều nền văn hóa mới, cũng có cơ hội được đi nước ngoài nhiều,...", Hồng chia sẻ.
Hồng có nhiều cơ hội được du lịch nước ngoài nhờ đặc thù công việc
"Nghề này không yêu cầu bạn phải có quá nhiều kỹ năng. Công việc chính của một lễ tân là chào đón khách, hướng dẫn khách, giới thiệu cho khách những dịch vụ mà khách sạn cung cấp, làm thủ tục lưu trú cho khách... Rất nhiều khách nước ngoài có thói quen hỏi lễ tân về khu vực họ tới thăm thú, mình cũng cần có hiểu biết để hướng dẫn họ...", cô giải thích về nghề lễ tân khách sạn.
Công việc hằng ngày của một lễ tân là thường xuyên phải tiếp đón, hướng dẫn khách
Làm việc theo ca cũng là một đặc thù của nghề này. Gần như 24/24h phải có ít nhất một lễ tân trực tại quầy tiếp khách. Thêm nữa, tiếp xúc và làm việc với nhiều người nước ngoài khiến đây trở thành một nghề không hề dễ dàng khi phải chiều lòng mọi vị khách đến với khách sạn.
Được tiếp xúc với nhiều khách nước ngoài khiến Hồng luôn được mở mang kiến thức văn hóa, giao tiếp
"Công việc của mình giống kiểu "làm dâu trăm họ" ấy. Cũng gặp nhiều khách khó tính. Họ bực dọc rồi phàn nàn nhiều vấn đề và đổ lỗi cho mình, nhưng đôi khi mình không phải là người có lỗi. Vậy nhưng bọn mình vẫn phải niềm nở xin lỗi và khắc phục sự cố. Tuy nhiên cũng có nhiều khách rất dễ thương. Họ đi chơi về và còn tặng quà cho bọn mình cùng lời cảm ơn. Khi ấy thực sự rất vui", Hồng mỉm cười.
Tuy nhiên, cứ mỗi khi Tết về, Hồng lại không được hưởng niềm vui trọn vẹn như nhiều người khác. Suốt 4 năm qua và sắp tới là cái Tết thứ 5 Hồng phải ở lại Hà Nội đến hết ngày 30 Tết.
"Bọn mình phải chia nhau trực những ngày Tết. Những người đã lập gia đình thì sẽ được ưu tiên hơn. Mình thì đã trực ở đây đến hết ngày 30 đã 4 năm rồi. Lần đầu tiên, khi ấy mình làm ở một khách sạn khác nhỏ hơn, tất cả chỉ có 5 người, sau có thêm anh hướng dẫn viên du lịch tới nữa là 6, làm một mâm cơm cúng nhỏ rồi cùng ăn chờ tới đêm giao thừa. Rồi cả lũ leo lên tầng thượng để xem bắn pháo hoa. Hôm ấy mình lại cảm thấy khá vui, tuổi trẻ mà!", Hồng chia sẻ.
Ánh mắt Hồng luôn ánh lên niềm vui khi nhắc tới công việc hiện tại
"Thực ra đến ngày ấy thì khách rất vắng. Các cửa hàng xung quanh cũng đều đóng cửa hết, đường phố vắng hoe. Kể cả khách sạn thì cũng chỉ còn vài người, mỗi người một vị trí nên cũng không ngồi cùng với nhau. Mình cũng cảm thấy khá cô đơn vì tầm đó cả nhà đã sum họp đoàn tụ cả rồi, còn mình thì mãi tận mùng 1 mới được về nhà. Nói thật là ai cũng muốn có Tết ", cô lễ tân sinh năm 1991 tâm sự.
Bình thường khách sạn rất đông vui, nhưng khi ở lại đến ngày 30 Tết thì chỉ còn rất ít người
Thế nhưng, khi được hỏi rằng có bao giờ hối hận khi đã lựa chọn công việc này không, ánh mắt của Hồng lại lấp lánh niềm vui và khẳng định: "Mình không hề hối hận gì cả. Đây thực sự là công việc mà mình yêu thích, dù đã từng bị gia đình phản đối rất nhiều. Mình có thể về nhà ăn Tết muộn, nhưng mình cũng sẽ được ở nhà với mọi người nhiều hơn một chút. Và nói thật là mình cũng quen rồi, vì công việc thì phải chấp nhận vậy thôi".
"Đến bây giờ, nếu bảo mình chuyển sang nghề khác thì có lẽ mình sẽ chẳng biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào", Hồng cười.
Tiễn chúng tôi đến tận cửa, Hồng cũng hào hứng cho biết Tết năm nay có thể sẽ được về ăn Tết sớm bởi đã có người nhận trực thay. Chúc cho Hồng sẽ có một cái Tết đầm ấm, sum vầy cùng gia đình và luôn giữ được lửa đam mê với nghề mà cô đã chọn.