Người thầy chỉ muốn gọi mình là người dạy học

Ngày 21/11/2014 00:01 AM (GMT+7)

Người thầy ấy không "đứng trên bục giảng" hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng nhưng người thầy ấy đã có hàng chục thế hệ thành công trong sự nghiệp với phương pháp dạy học của riêng mình.

Người thầy trên chiếc xe lăn

Thầy Lưu Đình Tú là giáo viên dạy toán tại nhà ở Lê Quý Đôn, Hà Nội. Thầy học khoa Toán khóa K14 trường ĐH Tổng hợp và bắt đầu dạy kèm học sinh khi còn là sinh viên. Mặc dù dạy hơn 30 năm cho các thế hệ học sinh và nhiều người trở thành giáo sư, tiến sĩ, thành danh ở xứ người nhưng thầy không muốn gọi mình là "Thầy", chỉ đơn giản xem mình là người dạy học. "Người thầy phải đạo mạo hơn, còn tôi nói năng linh tinh, nhí nhố, lăng nhăng, thậm chí bình đẳng", thầy Tú nêu lý do.

Người thầy chỉ muốn gọi mình là người dạy học - 1

Thầy Lưu Đình Tú được học sinh yêu mến đặt tên "Xê kô mỏ nhọn".

Quả thật, đến với lớp học của thầy mới hiểu câu nói khiêm tốn này. Học sinh không được gọi bằng tên mà thay vào đó gọi nhau bằng biệt danh và ai nghe sẽ giật mình khi trong lớp toàn chó, mèo, gà, mái ghẹ, mũm mĩm... Bên cạnh đó, người đúng ra phải gọi là "Thầy" với thái độ nghiêm túc thì lại gắn thêm biệt danh hài hước là Xê kô mỏ nhọn, thầy Tú mỏ nhọn, thầy Tú dở hơi...

Lớp học này cũng không có bàn ghế đầy đủ mà học sinh đến tự lấy ghế ngồi và kê vở lên đùi để viết. Điểm số đôi khi cũng không xuất hiện mà được viết bằng chữ "Lười", "Chăm"... to đùng trên trang vở.

Người thầy chỉ muốn gọi mình là người dạy học - 2

Lớp học toàn gọi nhau bằng biệt danh.

Một lý do nữa để gọi là lớp học "không giống ai" là chương trình hoàn toàn khác với sách giáo khoa, cách giải đôi khi cũng không giống như các thầy cô ở trường. Thầy Tú "dở hơi" của học sinh cho biết, mình không học sư phạm, bản thân mình không thích làm giáo viên và không biên chế trong cơ quan giáo dục nào nhưng quá trình tiếp xúc với trẻ con lại trở nên hứng thú với bài giảng.

"Dạy không có gì hay nhưng quá trình dạy mình thấy niềm đam mê khi dẫn dắt 'bầy đàn' đi theo. Chính mình khám phá, tiếp cận vấn đề và tự tìm cách giải quyết nó. Phương pháp riêng đôi khi chưa đúng, chưa hiệu quả nhất thì trong lúc dạy mình vỡ lẽ ra. Chứ dạy theo lối mòn năm nọ sang năm kia thì thật nhàm chán", thầy giáo này chia sẻ. Chính vì vậy, trên chiếc bảng trắng kia không có bài giải mà chỉ có phương pháp làm bài.

Tuy nhiên, đi theo cách riêng của mình không có nghĩa là lệch lạc. Thầy nhớ lại có lần thầy trăn trở cách giải bài Toán lớp 7 vì làm như trong SGK sẽ quá cao siêu với các em. Thầy đã tự làm theo cách của mình và tự hào là mấy năm sau SGK đã thay đổi theo cách này. Thực tế đã có không ít đơn vị đến mời thầy Tú về làm việc nhưng khi suy nghĩ kỹ thầy thấy gắn bó lớp học toàn "chó, mèo, gà" của mình và cái tên "Thầy Tú mỏ nhọn" là đáng yêu hơn cả.

Luôn tự tin về bản thân

Thầy Tú bị di chứng bại liệt vào năm hơn 1 tuổi nên tuổi trẻ của thầy gắn liền với chiếc nạng. Chính mẹ là người dạy thầy học sớm và tạo cho thầy niềm tin. Mẹ thầy Tú làm hàng ăn nhưng có ý thức cho con học hành nên chưa bước vào lớp 1, thầy Tú đã biết đọc biết viết - điều này rất hiếm với thời xưa. Bên cạnh đó, mẹ thầy không để cho con ù lì trong nhà mà đẩy con ra ngoài tiếp xúc với mọi người, hòa nhập với trẻ con, cộng đồng.

Người thầy chỉ muốn gọi mình là người dạy học - 3

Mặc dù tuổi thơ khó khăn hơn người khác, đi học bằng nạng, bạn dìu nhưng thầy vẫn ghi tên mình vào giảng đường đại học. Về sau, khi đã trưởng thành thầy mới hiểu đây là điều tạo nên thành công của thầy bởi nhiều trẻ khuyết tật bị bố mẹ bao bọc dễ bất hạnh vì thiếu kỹ năng sống.

Điều tự hào khác về bản thân là phương pháp dạy con đáng để các bậc cha mẹ phải học hỏi. Thầy dạy con một cách tự nhiên, học không biết là học. Ví dụ trong lúc chơi thầy bảo con nhặt chữ e, chữ a và thế là con biết chữ từ lúc nào không biết. Ngay cả cô giáo mẫu giáo cũng giật mình khi đang đọc thư tình thì con thầy lúc đó là cô bé 5 tuổi đứng bên cạnh đọc vanh vách nội dung thư.

Một kinh nghiệm khác trong việc dạy con là quá trình học của con. Thầy cho con học những gì con thích như vẽ, cờ vua... rồi luôn theo sát và định hướng. Có lần con gái thầy giành huy chương bạc giải cờ vua được nhận lương đội tuyển, các thầy cô trong đội tuyển đến xin cho con gái theo học nhưng thầy không đồng ý. "Bố mẹ không nên say sưa với thành tích của con mà quên mất rằng con chưa thực sự xuất sắc", thầy lý giải. Sau đó, con gái thầy đỗ thủ khoa trường đại học Luật và hiện tại làm luật sư ở bên Anh. Còn người con trai thứ 2 của thầy đang học IT ở Phần Lan.

Thầy kể, Cún và Cu Tí (hai người con) chưa bao giờ thấy buồn phiền hay tự ti vì cha đi bằng nạng hay ngồi trên xe lăn bởi chính thầy luôn tự tin vì mình sống đàng hoàng, giỏi giang chứ không hề kém cỏi.

Người thầy chỉ muốn gọi mình là người dạy học - 4

Thiệp học sinh làm tặng thầy Tú.

Người thầy chỉ muốn gọi mình là người dạy học - 5

Người thầy chỉ muốn gọi mình là người dạy học - 6

Mới ngày 16/11, nhiều học sinh cũ đã qua thăm thầy.

Xa con nhưng vợ chồng thầy Tú chưa bao giờ buồn vì ngôi nhà thầy luôn ngập tràn tiếng cười đùa trẻ thơ. Lớp học "chó mèo, gà vịt" của thầy Tú "dở hơi" vẫn được mở hàng ngày, hàng đêm trong căn nhà 3 tầng ấm áp.

Đặc biệt, trong dịp 20/11 này, thầy phải dành 2 ngày, có khi không kịp ăn cơm để tiếp học sinh. Trong số đó, có học sinh thầy dạy 20 năm rồi vẫn quay lại để tri ân. Có lẽ, dù bước chân của thầy giáo không thể trải dài nhưng thầy đã chắp cho mỗi thế hệ học sinh đôi cánh để các em có thể tự bay đi xa. Và đó cũng chính là động lực để mỗi ngày thầy thêm yêu bài giảng, yêu chiếc bảng trắng, chiếc mic đặt gọn gàng dù mỗi lần muốn chạm vào nó thầy phải dựa vào xe lăn.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11