Ông Hiểu là người trực tiếp lặn xuống lòng sông vớt 3 trẻ bị đuối nước.
Clip ông Hiểu kể lại lúc nhận được tin báo và ra vớt thi thể các cháu đuối nước.
Gần 1 ngày xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 8 học sinh tử vong ở Hòa Bình, sáng 22/3 chính quyền địa phương và gia đình vẫn đang tổ chức tang lễ cho các cháu. Khoảng 10h30 phút cùng ngày, đã có 3 cháu được gia đình di chuyển linh cữu đưa đi hỏa táng.
Rất đông thầy cô giáo và học sinh đến tiễn đưa các cháu đuối nước đi hỏa táng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, những người dân khu phố Phạm Hồng Thái liên tục nhắc tên một người đàn ông “đặc biệt”. Đó là ông Nguyễn Ngọc Hiểu (50 tuổi, ở phường Tân Thịnh – TP Hòa Bình) người trực tiếp lặn xuống đáy sông vớt liên tục 3 cháu bé đuối nước đưa lên bờ.
Nhà ông Hiểu cách nơi xảy ra vụ tai nạn hơn 1 cây số. Nhưng khi được tin báo có học sinh đuối nước, ông Hiểu mất chưa đầy 5 phút để có mặt tại hiện trường.
Khu vực các cháu đá bóng và hố nước nơi các cháu tử vong.
Rạng sáng nay một biển cảnh báo đã được chính quyền địa phương cắm lên.
“15h35 phút tôi nhận được tin báo của người cháu về việc có nhiều học sinh đuối nước ở bãi cát Thịnh Minh. Ngay lập tức tôi bỏ lại công việc đang làm dở chạy thẳng ra đó chỉ mất chừng chưa đầy 5 phút. Tới nơi tôi chỉ kịp hỏi các cháu tắm ở khu nào, rồi nhảy vội xuống nước với hy vọng vớt được các cháu càng sớm càng tốt”, ông Hiểu kể lại.
Khi ra ngoài mặt nước, một cháu nhỏ đang nổi lập lờ, ông cùng lực lượng cứu hộ nhanh chóng đưa cháu vào bờ. Nhưng cháu bé đã bị chảy máu ở mũi nên không thể cứu sống được.
Ông Hiểu kể lại giây phút vớt thi thể các cháu nhỏ.
Sau khi đưa thi thể cháu đầu tiên vào bờ, ông Hiểu tiếp tục ngụp lặn dưới dòng sông Đà và vớt thêm được 3 cháu nhỏ khác. Khi kể lại sự việc với chúng tôi, ánh mắt ông Hiểu buồn rượi nhìn ra xa xăm, ông nói: “Tiếc quá tôi nhận được tin báo muộn nên không cứu được các cháu”.
Nhớ lại cảm giác ngụp lặn dưới lòng sông sâu gần 10 mét, ông cho biết: “Khi đó tôi cứ lặn xuống tìm kiếm, hết hơi lại ngoi lên thở rồi lặn tiếp. Thật sự thời điểm ấy tôi không biết mệt mỏi là gì, chỉ mong sớm tìm được thi thể các cháu để người thân các cháu trên bờ để nguôi ngoai nỗi đau”.
Với kinh nghiệm sông nước lâu năm, ông Hiểu phán đoán phương hướng nơi các cháu có thể đang nằm. Rồi chuyện gì đến đã đến, trong một lần ngụm lặn ông mở mắt nhìn dưới đáy sông và phát hiện thi thể các cháu nằm la liệt phía dưới.
“Với những người khác có thể nhìn thấy thi thể các cháu họ sẽ sợ. Nhưng với tôi, cảm giác thật khó tả, tôi chỉ mong đưa các cháu lên càng nhanh càng tốt. Cả 3 trường hợp tôi vớt lên, các cháu nằm cách nhau không xa (khoảng 10 mét). Tất cả đều trong một một tư thế đầu chúc xuống đáy cát, tay chân nổi lập lờ phía trên”, ông Hiểu kể lại.
Theo ông Hiểu, bình thường như những trường hợp nhiều người đuối nước cùng một lúc, khi phát hiện tay họ có thể vẫn còn nắm lấy nhau. Nhưng vụ tai nạn này thì không như vậy. “Có lẽ các cháu cũng cố để thoát thân, nhưng do còn ít tuổi, sức còn yếu nên không thể thoát khỏi vòng xoáy của hố nước”, ông Hiểu nhận định.
Đoạn sông "tử" đã cướp đi tính mạng của nhiều người, không chỉ riêng hai cháu bé.
Trở lại đoạn sông nơi 8 cháu bé tử vong, người đàn ông này cho biết, đây là đoạn sông “tử” có một cái hố rất sâu tạo nên vòng xoáy phía dưới và đa số người đuối nước là ở hố này.
“Trước đây, trung bình mỗi năm có 1-2 người tử vong tại đây, nhưng khoảng 7-8 năm nay nhiều người đi tắm sông mặc áo phao nên ít xảy ra hơn. Không ngờ, sự việc ngày 21/3 lại cướp đi sinh mạng của 8 cháu nhỏ cùng 1 lúc. Sự việc quá đau xót”, ông Hiểu nói.
Trước sự việc đau lòng trên, tới đây ngoài việc cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bản thân ông Hiểu cũng sẽ đề xuất với chính quyền địa phương về việc sẽ thành lập một đội cứu hộ đuối nước miễn phí. “Đây là đội phản ứng nhanh, tập hợp những anh em bơi, lặn giỏi với mong muốn có mặt kịp thời nhất để cứu được tính mạng các cháu mỗi khi gặp tai nạn đuối nước”, ông Hiểu mong muốn.