Ngày 24-7, ông Võ Kim Cự, đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã trao đổi với báo chí về vấn đề cấp phép đầu tư cho Formosa.
- Phóng viên: Ông có thể cho biết lý do Hà Tĩnh chọn Tập đoàn Formosa là nhà đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng?
+ Ông Võ Kim Cự: Tôi xin nói rằng ở tại thời điểm năm 2007- 2008, Việt Nam đang cần thiết xúc tiến kêu gọi, mời đầu tư đối với những lĩnh vực quan trọng của đất nước như luyện thép, sản xuất điện và xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển. Khu kinh tế Vũng Áng sau khi có Quyết định 72 của Thủ tướng Chính phủ đã thành lập và ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư cho vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng mức ưu đãi cao nhất của quy định tại thời điểm đó.
Ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, trao đổi với báo chí về vấn đề cấp phép đầu tư cho Formosa
Sau khi Tập đoàn Formosa có đơn đăng ký đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng, Chính phủ đã có văn bản đồng ý về mặt nguyên tắc cho tiến hành làm hồ sơ, thủ tục theo quy định. Tập đoàn Formosa đã làm hồ sơ, thủ tục theo đúng trình tự quy định của pháp luật Việt Nam.
- Người dân lo ngại việc Formosa được cấp phép lên đến 70 năm và có nhiều ý kiến cho rằng việc cấp phép này là không đúng thẩm quyền, xin ông giải thích rõ việc này?
+ Tôi khẳng định không phải đơn giản, dễ dàng mà Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa. Đầu tiên là báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương. Sau đó, nhà đầu tư lập dự án với nhiều bước. Trước khi thẩm định đã có ý kiến của 12 Bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, Quốc phòng, an ninh... đồng ý với các nội dung. Sau đó là thẩm định rồi báo cáo Chính phủ. Cuối cùng, Chính phủ đồng ý để cho Hà Tĩnh được cấp phép.
Về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đều do các cơ quan trung ương thẩm định. Địa phương một là không có thẩm quyền, hai là cũng không đủ khả năng.
Bên cạnh đó, căn cứ vào Luật Đầu tư, Luật Đất đai, căn cứ vào Quyết định 72 và Nghị định 108 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đầu tư trực tiếp của nước ngoài, lúc đó Ban Quản lý khu Kinh tế Vũng Áng mới chính thức cấp phép đầu tư.
Còn việc cấp phép thời hạn của giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư là 70 năm cũng căn cứ vào Điều 36 của Luật Đầu tư quy định. Theo luật này, quy định rõ đối với những dự án có nguồn đầu tư có quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn chậm và đạt các tiêu chí như cần khuyến khích đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như luyện thép, cảng biển, sản xuất điện và sử dụng trên 5.000 công nhân trở lên. Dự án này đã đạt được cả 4 tiêu chí theo quy định của Luật Đầu tư nên việc cấp phép 70 năm là đúng theo quy định của pháp luật.
Sau đó, đã có 2 lần kiểm tra, trong đó một lần là của trung ương và một lần của Thanh tra Chính phủ thanh tra trên các lĩnh vực về đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng, đầu tư... Thanh tra Chính phủ sau khi tiến hành thanh tra đã lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, báo cáo Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức họp 2 cuộc và đi đến kết luận.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 926 ngày 30-1-2015, thống nhất việc cấp phép thời hạn của dự án Formosa 70 năm là phù hợp, giữ nguyên với thời hạn trong Giấy chứng nhận đầu tư mà Khu kinh tế Vũng Ánh đã cấp. Thủ tướng khẳng định và đồng ý sau khi có ý kiến của các bộ, ngành có liên quan.
- Là đại biểu Quốc hội và đặc biệt là người đã từng là Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, trước sự cố môi trường nghiêm trọng do Formosa gây ra tại các tỉnh miền Trung, ông có chia sẻ những suy nghĩ của mình?
+ Khu vực dự án Formosa là một vùng đất bạc màu, rất khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cũng như những ngành nghề khác. Bên cạnh những mặt tích cực của Formosa đối với Khu kinh tế Vũng Áng đã tạo nên diện mạo mới cho Kỳ Anh, và vùng phụ cận như hạ tầng, giao thông, cảng biển... để thúc đẩy và tái cấu trúc các ngành kinh tế, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng vạn người. Song việc Formosa xả thải ảnh hưởng đến môi trường biển, khiến cá chết đối với khu vực Bắc Trung Bộ, ảnh hưởng đến đời sống người dân là một sự cố nghiêm trọng, vô cùng đáng tiếc, ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm tư tình cảm cũng như mọi vấn đề xã hội đối với khu vực này.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành nên khi hoàn thiện kết luận, Chính phủ đã hỗ trợ nguồn lực như tiền, gạo, bên cạnh đó cũng có sự tham gia của các địa phương. Tôi cho rằng đây là việc rất kịp thời.
Là một đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri Hà Tĩnh, tôi rất trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đảng của Chính phủ và cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương với những nỗ lực cao nhất để kịp thời xử lý nhằm đảm bảo đời sống dân sinh của khu vực này; cảm ơn bà con đã nỗ lực, cố gắng cùng với chính quyền địa phương cùng với trung ương từng bước ổn định đời sống.
Cùng vời đó là sự kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm túc của Chính phủ nên Tập đoàn Formosa đã cúi đầu nhận lỗi trước Chính phủ, đồng bào. Tôi được biết Chính phủ cũng đang tiến hành chỉ đạo, giám sát thực thi theo pháp luật Việt Nam đối với Tập đoàn Formosa. Thái độ ấy, chúng tôi hoàn toàn đồng tình, và phải kiên quyết xử lý đối với những vi phạm dù bất kỳ cá nhân, hay tổ chức nào.
Đây cũng là bài học để chúng ta sắp tới tổ chức kêu gọi đầu tư, quản lý trên tất cả các lĩnh vực, đảm bảo không vì phát triển kinh tế vì mọi giá, mà phải đảm bảo môi trường, đảm bảo văn hóa phát triển, đảm bảo đồng bào ở những khu vực có dự án, khu vực phụ cận phát triển bền vững có như vậy đất nước mới đạt được yêu cầu theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12.
Cá nhân tôi sẽ làm hết sức mình, nỗ lực cao nhất để tham gia những công việc góp phần đẩy nhanh hơn việc ổn định đời sống cho bà con những vùng bị ảnh hưởng. Mong dư luận có những cái nhìn thấu tình đạt lý để tiếp tục khơi dậy động lực phát triển, tiếp tục thu hút đầu tư, còn các nhà đầu tư, thông qua vụ việc này cũng phải nhìn nhận là một bài học, tự giác nghiêm túc.
Với nhà đầu tư Formosa, chúng tôi đề nghị phải thực hiện đúng cam kết với Chính phủ, đó là đền bù nghiêm túc, thay đổi công nghệ và không tái phạm.