Các đây 29 năm trước, nhà hộ sinh Đống Đa còn rất thiếu thốn, không có máy siêu âm, hai nhân viên phải trông và chăm sóc gần 100 đứa trẻ/ngày.
Liên quan đến vụ việc gia đình bà Phan Thị Tuyết Hoa (53 tuổi) và chị Lê Thanh Hiền (29 tuổi, ở Hà Nội) phản ánh về việc cách đây 29 năm, khi đi đẻ tại nhà hộ sinh Đống Đa đã bị trao nhầm con, bằng chứng thuyết phục được gia đình đưa ra đó chính là những giấy tờ rất quan trọng.
Theo đó, tại giấy khai sinh bản gốc của chị Lê Thanh Hiền còn ghi rõ nơi sinh của chị là nhà hộ sinh Đống Đa, ngoài ra gia đình chị Hiền cũng đã cung cấp cho chúng tôi tờ kết quả giám định ADN, tại đây kết luận cuối cùng của cơ quan giám định thể hiện rõ: “Bà Phan Thị Tuyết Hoa không phải là mẹ đẻ của chị Lê Thanh Hiền”.
Bà Hoa tâm sự với phóng viên bên những giấy tờ liên quan đến việc nhầm con 29 năm
Vậy vì sao lại có sự nhầm lẫn như vậy, và cũng tại những nhà hộ sinh khi đó (cách đây 29 năm) sẽ còn bao nhiêu ca nhầm con nữa. Chia sẻ với phóng viên, và Phan Thị Tuyết Hoa cho biết, cách đây 29 năm nhà hộ sinh còn rất thiếu thốn trang thiết bị, ngày đó nhà hộ sinh cũng là lựa chọn của nhiều bà mẹ sinh thường.
“Tôi nhớ, hôm tôi sinh là ngày 12/12, khi tôi đau đẻ nằm trên bàn thì cũng có một bà mẹ vào đây đẻ, mặc dù vào sau nhưng bà mẹ này lại sinh trước tôi. Khi đó, tôi cũng không biết chị ấy sinh con trai hay con gái. Bởi sau khi sinh xong mẹ con sẽ được tách ra phòng riêng.
Sau đó, khi nhìn thấy số đánh trên chân con bị mờ, tôi có thắc mắc với chồng thì chồng tôi bảo do tắm nên mờ. Tôi nghĩ do số mờ nên họ đã đưa nhầm con và không nghĩ gì nữa”, bà Hoa chia sẻ.
Để tìm hiểu thêm thông tin, cũng như sự tồn tại của nhà hộ sinh Đống Đa, phóng viên đã tìm đến ngõ Thổ Quan (Phường Thổ Quan – Đống Đa – Hà Nội). Tại số nhà số 62 hiện lên trước mắt là tấm biển “Nhà hộ sinh Đống Đa”, nếu nhìn từ phía bề ngoài, nhà hộ sinh này khá khang trang và sạch đẹp.
Để có thông tin, phóng viên đã liên hệ gặp lãnh đạo đơn vị này, do là thời điểm cuối tuần nên bộ phận trực hẹn đầu tuần quay lại. Tuy nhiên, khi có dịp được tiếp xúc với những nhân viên y tế ở đây, phóng viên mới hình dung được cách đây 29 năm, nhà hộ sinh này như thế nào?
Một nhân viên y tế (xin được giấu tên) đã có thâm niên công tác ở đây hơn 29 năm, khi gặp chúng tôi cho biết: “Trường hợp nhầm con à, cô ấy hay đến đây lắm, tôi quen mặt rồi nhưng cũng chẳng hỏi xem tên cô ấy là gì.
Nhà Hộ sinh Đống Đa ngày nay khá khang trang
Nhưng tôi phải khẳng định, đó là sự nhầm lẫn đáng tiếc chứ không phải là đánh tráo con như mọi người nghĩ đâu”.
Nữ nhân viên y tế cho biết, năm 1987 (năm chị Hiền ra đời và bị trao nhầm cho bà Hoa) tôi đã làm việc ở đây được 5 năm rồi, nhưng điều kiện cách đây 29 năm trước ở nhà hộ sinh này khó khăn lắm. Theo đó, năm 1987 nhà hộ sinh Đống Đa vẫn chưa có máy siêu âm, mỗi ngày chào đón khoảng 15 đứa trẻ ra đời. Phương tiện y tế ngày đó cũng thiếu thốn đủ bề.
“Ngày đó, sau khi sản phụ sinh xong phải nằm lại 5 ngày mới được về, và sau khi sinh xong thì con phải tách mẹ nằm riêng. Như vậy, 5 ngày dồn lại nhà hộ sinh mỗi ngày có xấp xỉ 100 em bé và 100 bà mẹ phải nằm lại để theo dõi.
Một phòng 100 em bé mà chỉ có 2 nhân viên chăm sóc, chỉ riêng tắm, thay tã thôi là chúng tôi đã chóng cả mặt rồi”, một nữ nhân viên y tế nhớ lại.
Tiếp câu chuyện, một nhân viên y tế khác nói: “Ngày đó, chúng tôi phải đánh dấu các cháu bằng loại mực dấu, loại mực rất khó bay. Không chỉ có vậy, 3 tiếng một lần chúng tôi phải gõ kẻng, bấm chuông inh ỏi để các mẹ vào cho con bú”.
Như vậy, có thể thấy rằng cách đây 29 năm, với mỗi ngày gần 100 đứa trẻ được chăm sóc tại đây, nhưng chỉ có 2 người trực chăm sóc và đánh dấu bằng mực, cũng như phải đánh kẻng thông báo cho con bú thì chuyện nhầm lẫn có thể sẽ không dừng lại ở con số hy hữu là 1 đến 2 ca.