Trong mùa đông, nhu cầu sử dụng đồ điện cũng như những thiết bị sưởi ấm rất lớn, nguy cơ gây bỏng cho trẻ luôn rình rập ở mỗi gia đình,
Mùa đông các thiết bị như đèn sưởi, bình nóng lạnh, đệm nhiệt, gối nhiệt thậm chí là cả những loại bếp từ, bếp điện được sử dụng rất thường xuyên. Tất cả những vật dụng đó, nếu sử dụng không cẩn thận làm tăng nguy cơ trẻ nhập viện vì bị bỏng.
Thực tế, có không ít những trường hợp trẻ nhỏ phải nhập viện trong tình trạng bỏng rất sâu chỉ vì những vật dụng, đồ dùng trong gia đình vào mùa đông. Ví dụ điển hình như trường hợp một cháu bé mới 17 tuổi, ở Nghệ An bị bỏng toàn thân do túi sưởi gây nên.
Túi sưởi dễ phát nổ và gây bỏng khi trẻ đè vào.
Theo lời kể của người nhà cháu bé, nguyên nhân cháu bị bỏng là do khi túi sưởi đang sạc, cháu bé lại gần và ôm túi để trong lòng, không may túi sưởi phát nổ, nước ở bên trong bắn ra khiến trẻ bị bỏng nặng, phải nhập viện cấp cứu. Nước ở trong túi sưởi bắn ra mạnh cũng khiến người mẹ ngồi gần đó bị bỏng.
Hay như trường hợp một cháu nhỏ (2 tuổi) ở Nam Định cũng phải nhập viện cấp cứu, vì bị bỏng do nước ở bình nóng lạnh xối thẳng vào người. Theo như chia sẻ của mẹ cháu bé, trong khi mẹ chuẩn bị đồ cho cháu đi tắm, cháu bé đi vào phòng tắm trước và mở vòi hoa sen. Do không biết, cháu đã vặn thẳng bên vòi nước nóng, bị vòi nước xối thẳng từ trên xuống, cháu bé khóc thất thanh, ngay sau đó cháu được gia đình đưa đi cấp cứu.
Chia sẻ với chúng tôi, Ths.BS Nguyễn Thống – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, tai nạn bỏng ở trẻ em xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, mỗi một thời điểm lại có những tai nạn đặc trưng khác nhau.
BS Thống đang thăm khám cho một bệnh nhi bị bỏng do nước sôi.
“Mùa đông, trẻ bị bỏng thường là do các thiết bị sưởi ấm gây nên như túi chườm, đèn sưởi và nước trong bình nóng lạnh ở mỗi gia đình”, BS Thống phân tích.
Cùng quan điểm trên, PGS. TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay, mỗi thiết bị điện sử dụng trong gia đình đều có khả năng gây ra những nguy hiểm nếu như người sử dụng không cẩn thận hoặc không biết cách sử dụng.
Ví dụ như túi sưởi dùng để chườm nóng, PGS Lợi cho biết, thông thường túi cắm điện trực tiếp có rơ le nhiệt độ ngắt điện khi đã đạt nhiệt độ yêu cầu. Tuy nhiên, túi sưởi có nguy cơ nổ vỡ chất lỏng khi rơ le nhiệt độ bị hỏng. Thậm chí, khi túi sưởi còn mới, nhưng khi bị sức ép cơ thể quá mạnh túi cũng có thể bị nổ gây bỏng do dung dịch nóng bên trong.
Cuối cùng, để hạn chế trẻ bị bỏng nói chung và bỏng trong mùa đông nói riêng, BS Thống khuyến cáo, bố mẹ vẫn là nhân tố quan trọng nhất. Đó là cần phải sử dụng cẩn thận, đúng theo hướng dẫn đối với những đồ điện phát nhiệt dùng để sưởi ấm. Hơn nữa, phải để xa tầm tay của trẻ, tránh tình trạng trẻ tò mò với vào những đồ dùng đó.